Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả nước vào cuộc “chống giặc” SARS-CoV-2, sớm tìm ra phác đồ điều trị, vắc xin phòng tránh dịch bệnh COVID-19, đồng thời tìm ra vắc xin tăng trưởng kinh tế, trong đó có ngành “công nghiệp không khói” - du lịch. “Có loại vắc xin nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch bệnh, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngành Du lịch Việt Nam đang nỗ lực biến “nguy” thành “cơ” để vực dậy nền kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Bài 1: Đi du lịch thời COVID-19
Thời điểm này trong năm, nếu không có sự hoành hành của dịch bệnh, là mùa cao điểm của du lịch. Mùa du lịch năm nay trở nên hiu hắt bởi COVID-19. Toàn ngành Du lịch đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để vực dậy biểu đồ tăng trưởng, trong đó điều quan trọng nhất là tạo ra một môi trường an toàn thân thiện cộng với chính sách kích cầu hợp lý để kéo khách du lịch đến những địa chỉ an toàn, kiểm soát dịch bệnh tốt.
Với du khách, chưa lúc nào việc đặt dịch vụ cho một chuyến đi lại dễ dàng, nhanh chóng, giá cả lại mềm và nhận được nhiều sự chăm sóc của nhà cung cấp dịch vụ đến vậy.
Giá tour, dịch vụ “chạm đáy”
Cuối cùng thì nhóm bạn đến từ Hà Nội quyết định du lịch đến Phú Yên, vùng đất bình yên như tên gọi, theo kế hoạch trước đó. Dù có thời điểm, nhiều người trong nhóm cũng thấy hoang mang vì tình hình dịch bệnh COVID-19. Họa sĩ, nhiếp ảnh gia Hoài Thanh là người tiên phong đi tiền trạm, anh có 4 ngày để chụp ảnh khảo sát các dịch vụ ăn uống, lưu trú và giao lưu với những người bạn xứ Nẫu mà không phải lúc nào cũng kè kè khẩu trang như ở Hà Nội (vì khói bụi chứ chưa hẳn vì phòng dịch COVID-19). Sau đó, anh đón những người bạn Thủ đô vào tổ chức tour 4 ngày 3 đêm với nhiều trải nghiệm ở những điểm đến của Phú Yên cùng những món ăn tươi sống ngon - bổ - rẻ đến bất ngờ.
Hơn một tháng nghỉ dạy vì dịch bệnh COVID-19, chị Hạnh Nguyên, giáo viên tiếng Anh ở TP Tuy Hòa, cảm thấy tù túng, phải rủ những người bạn đi du lịch. Đi hết những điểm trong tỉnh, thấy tình hình dịch bệnh khá ổn, cộng với kinh nghiệm tự bảo vệ mình ở đám đông, chị và những người bạn quyết định đi du lịch ngoài tỉnh. “Đi du lịch mùa này sướng thật. Ngoại trừ việc mua khẩu trang có phần khó khăn do hút hàng thì tất cả các dịch vụ cho một chuyến đi đều rất dễ dàng. Người làm dịch vụ rất vui vẻ, thân thiện với du khách. Giá cả các thứ ở các điểm du lịch rất mềm”, chị Hạnh Nguyên cho biết.
Chị Trần Thị Lệ Yến, khách quen từ Hà Nội, chia sẻ: “Đi du lịch mùa này là sướng nhất. Giá máy bay khứ hồi Hà Nội - Tuy Hòa chưa tới 1,2 triệu đồng. Lên các trang mạng đặt khách sạn như Agoda, Booking... thấy giá giảm sâu từ 30-50%. Sướng nhất là mùa này đi du lịch không lo chuyện chặt chém”.
Theo các chuyên gia y tế, mọi người quan tâm dịch bệnh COVID-19, theo dõi tin tức từ báo đài, các kênh tuyên truyền để biết cách phòng tránh là tốt, nhưng cũng đừng đẩy sự lo lắng lên quá mức. Thường xuyên tập thể dục nâng cao sức khỏe, ăn uống hợp lý, tinh thần sảng khoái, vui vẻ, đi du lịch cũng là cách kháng lại dịch bệnh. Chính các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), những người tham gia điều trị trực tiếp cho hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm SARS-CoV-2 (đã khỏe mạnh và xuất viện), khi tọa đàm “Để Corona không còn là nỗi sợ hãi” cũng khẳng định rằng mọi chuyện về COVID-19 đã bị đẩy quá lên. Có nhiều thông tin lệch lạc mang tính suy luận không chính xác, cùng với việc bàn luận quá nhiều trên mạng xã hội đã góp phần khiến Corona trở thành nỗi ám ảnh!
Khách tour của Công ty lữ hành Vietravel đến Phú Yên, một điểm đến an toàn trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: DƯƠNG TRÍ |
Chiến dịch an toàn du lịch
Đi du lịch thời dịch bệnh COVID-19 một vấn đề đặt ra là: An toàn! An toàn ở đây được hiểu là tôi an toàn, chúng ta an toàn và môi trường an toàn về kiểm soát dịch bệnh.
Trước hết, mỗi du khách khi quyết định mang ba lô lên và đi thì cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về tình hình dịch bệnh nơi đến, cách phòng tránh và chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho một chuyến du lịch trong thời dịch bệnh COVID-19, như: nước rửa tay khô, khẩu trang, các dụng cụ cá nhân thiết yếu cho một chuyến du lịch.
Tại các cuộc hội thảo nhằm giải cứu ngành Du lịch, các chuyên gia chọn chủ đề An toàn du lịch. Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, an toàn ở đây chính là cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, có độ tin cậy cao về tình hình dịch bệnh ở điểm đến để du khách có hiểu biết và cân nhắc lựa chọn. Đối với du khách đi du lịch cũng cần có trách nhiệm, tìm hiểu kỹ nơi đến, quá trình đi tự ý thức bảo vệ mình an toàn và vì cộng đồng được an toàn.
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, nêu: Những nỗ lực chống dịch của cả nước vừa qua đủ để khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn. Tương tự, Phú Yên cũng đã làm tốt khâu kiểm soát dịch bệnh. Đây là điều rất tốt để xây dựng lòng tin và cảm giác an toàn cho du khách. Vấn đề là chúng ta cần có chiến dịch truyền thông đồng bộ, nhanh chóng và mạnh mẽ cấp nhà nước để hỗ trợ du lịch thoát khỏi suy thoái.
Để đảm bảo an toàn cho du khách và cộng đồng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề cao tinh thần trách nhiệm nơi cung cấp dịch vụ cho du khách trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, hiệp hội đã ban hành bộ tiêu chí về an toàn du lịch với năm nội dung trọng tâm, đó là điểm du lịch an toàn: Điểm đến du lịch an toàn là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, khu du lịch, điểm du lịch... đảm bảo đầy đủ các tiêu chí không thuộc vùng có dịch COVID-19 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2017.
Doanh nghiệp du lịch an toàn: Doanh nghiệp phải thực hiện các tiêu chí an toàn với dịch COVID-19 như chỉ ký hợp đồng du lịch với cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước với điều kiện khách du lịch không thuộc diện phải cách ly y tế; đưa khách du lịch đến điểm du lịch an toàn; chủ động phối hợp với cơ quan y tế có thẩm quyền tập huấn cho lái xe, hướng dẫn viên du lịch, người phục vụ khách.
Dịch vụ ngủ, nghỉ, lưu trú, vui chơi an toàn: Phải đảm bảo các yêu cầu về thực hiện việc phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí nơi rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn nhanh tại khu vực vệ sinh; nơi ăn uống, nhà bếp của cơ sở đảm bảo vệ sinh...
Dịch vụ ăn, uống, hàng hóa an toàn: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ này phải đảm bảo các tiêu chí thực hiện việc phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Dịch vụ vận chuyển khách du lịch an toàn: Thực hiện việc khử trùng phương tiện vận chuyển khách du lịch; bố trí đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn nhanh trên phương tiện vận chuyển khách du lịch khi khách có nhu cầu. Lái xe, hướng dẫn viên, người phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
--------------------
Bài cuối: Về vùng đất bình yên
Những lưu ý giúp chuyến du lịch an toàn thời dịch COVID-19
- Tránh tiếp xúc gần với những người có triệu chứng cảm lạnh, các triệu chứng tương tự như viêm phổi hoặc cảm lạnh thông thường. Khoảng cách an toàn được khuyến nghị tối thiểu là 1,8m.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn. Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch. Du khách nên rửa tay sau khi chạm vào tiền, các vật dụng công cộng (tay nắm cửa, gạt nước), rửa tay trước khi đưa tay lên mặt hay khẩu trang.
- Dung dịch rửa tay khô (có nồng độ cồn 70% trở lên) chỉ dùng thay thế trong trường hợp không có xà phòng và nước.
- Dùng khẩu trang đúng cách.
- Không dùng chăn và gối của máy bay, nhà xe, tàu lửa nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc vật dụng dùng nhiều lần.
- Điều cần làm sau chuyến đi là nếu bạn cảm thấy không khỏe sau chuyến đi, bạn nên đi gặp bác sĩ gần nhất. Hãy nói với bác sĩ về những nơi bạn đã đi và những gì bạn đã làm trong chuyến đi, kể cả những vết thương do bị động vật, bọ cắn hoặc cào. |
TRẦN QUỚI