Cuộc sống hiện đại luôn cần đến những dịch vụ phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá, trải nghiệm… Đây chính là “mảnh đất” màu mỡ mà ngành Du lịch có thể khai thác, phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phấn đấu đóng góp 10% GDP vào năm 2020
Phú Yên phấn đấu đến năm 2020 tiếp đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 490.000 lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch khoảng 3.100 tỉ đồng. Toàn tỉnh có hơn 250 cơ sở lưu trú du lịch, với 5.800 buồng (tăng gấp đôi so với năm 2015); hơn 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao; thu hút trên 8.000 lao động trong lĩnh vực du lịch; từ 70-80% lao động được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành. Tỉnh cũng phấn đấu có một khu du lịch quốc gia được công nhận tại vịnh Xuân Đài - bãi biển Từ Nham - gành Đá Đĩa và một số khu, điểm du lịch địa phương; hình thành một số khu du lịch cao cấp, khu du lịch biển, tạo bước đột phá trong phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển... |
Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2030 thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo TS Hoàng Hoa Quân, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch, để Bộ Chính trị ra nghị quyết chuyên đề về du lịch, toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu rất lớn. “Đây là nghị quyết đầu tiên về du lịch. Mục tiêu của nghị quyết nêu rõ là đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Điều này cho thấy vai trò to lớn của ngành trong xác định cơ cấu kinh tế của quốc gia; đồng thời cũng xác định công việc, trách nhiệm của ngành Du lịch trong thời gian tới là rất nặng nề”, TS Quân nói.
Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, nếu như năm 1994, nước ta mới đón khoảng 1 triệu lượt du khách quốc tế, thì đến năm 2010 con số này đã tăng gấp 5 lần, và năm 2016 tăng hơn 10 lần với hơn 10 triệu khách quốc tế. Năm 2016 cũng là năm mà ngành Du lịch đạt mức tăng trưởng kỷ lục với lượng du khách nước ngoài tăng hơn 20% so với năm 2015. Theo Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, việc đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hành trình 56 năm phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 15 triệu lượt du khách quốc tế, đóng góp 10% GDP vào năm 2020.
Tại hội thảo quốc tế Văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập vừa được tổ chức tại Khu du lịch Sao Việt, PGS-TS Triệu Thế Hùng, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội, nhấn mạnh: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành Du lịch cả về điều kiện tự nhiên lẫn văn hóa. Năm 2016, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh của ngành Du lịch, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001, với đóng góp trực tiếp 6,8% GDP của cả nước, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP. Trong khi đó, dư địa, tiềm năng của ngành còn rất lớn để có thể khai thác tốt hơn, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, Chính phủ đã lựa chọn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Ưu tiên đầu tư cho du lịch
Đối với Phú Yên, địa phương có nhiều tài nguyên, tiềm năng, nhưng có xuất phát điểm thấp, những năm gần đây ngành Du lịch cũng có bước phát triển khá. Đặc biệt giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không. Công tác đầu tư, tôn tạo các di tích, danh thắng cũng được chú trọng; thu hút đầu tư và tạo điều kiện để nhà đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan. Sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng phong phú với các loại hình như tham quan di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề. Sản phẩm lưu niệm, quà tặng, bước đầu đã thu hút sự quan tâm của du khách. Hoạt động lữ hành đã có bước phát triển khá, một số đơn vị kinh doanh lữ hành xây dựng được các chương trình du lịch khá phong phú; tổ chức đón nhiều đoàn lữ hành, báo chí trong và ngoài nước đến khảo sát sản phẩm du lịch và kết nối đưa khách về Phú Yên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch được chú trọng; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường… Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 20%/năm, trong đó, khách quốc tế tăng khoảng 17%/năm; doanh thu du lịch thuần túy tăng 30%/năm. Năm 2016, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt gần 1,2 triệu lượt.
Với những kết quả đạt được, đồng thời xác định cần ưu tiên cho đầu tư phát triển du lịch, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu chung là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch: “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Phú Yên Phan Đình Phùng, để đạt được mục tiêu trên cần có sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu. Ngoài ra, toàn tỉnh cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp lớn như huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn, nhiều hình thức để phát triển du lịch; xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch…
TRẦN QUỚI