Chủ Nhật, 24/11/2024 11:44 SA
Tuy An - Vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Chủ Nhật, 25/12/2016 08:00 SA

Lễ hội truyền thống Đua ngựa Gò Thì Thùng tổ chức vào mùng 9 Tết Nguyên đán, sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng nếu được đầu tư bài bản - Ảnh: TRẦN QUỚI

Tuy An là địa phương “giàu” tài nguyên du lịch bậc nhất của tỉnh. Làm thế nào để biến những tài nguyên còn đang ở dạng tiềm năng này trở thành những sản phẩm du lịch thu hút du khách vẫn là bài toán khó. Mới đây, huyện Tuy An phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm tìm ra những giải pháp trong thời gian tới.

 

“Ngọc thô” dần sáng

 

Trong số rất nhiều tài nguyên tiềm năng của du lịch trong tỉnh thì Tuy An chiếm phần lớn với nhiều di tích cấp quốc gia. Trong số 7 di tích, danh thắng cấp quốc gia có 3 di tích lịch sử (Địa đạo Gò Thì Thùng; Nơi diễn ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh; Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương), 1 di tích lịch sử - nghệ thuật (Chùa Đá Trắng - Từ Quang), 1 di tích khảo cổ (Thành An Thổ) và 2 di tích thắng cảnh (Đầm Ô Loan và Gành Đá Đĩa). Đó là chưa kể Tuy An có một phần diện tích mặt nước của danh thắng Vịnh Xuân Đài và nhiều di tích, thắng cảnh chưa được xếp hạng nhưng có giá trị về phát triển du lịch như: Bãi Phú Thường, hòn Yến (xã An Hòa), bãi Xép (xã An Chấn), bãi tắm hòn Lao Mái Nhà (xã An Hải), nhà thờ Mằng Lăng (xã An Thạch)... Đặc biệt là gành Đá Đĩa đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xếp vào Tốp 20 điểm đến được du khách yêu thích khi đến Việt Nam. Một địa danh gần đây trở thành “hot tour” mà bất kỳ du khách nào đến Phú Yên cũng muốn một lần ghé qua là đồi Diều trên gành Ông thuộc khu vực bãi Xép (Khu du lịch Sao Việt, xã An Chấn). Đây là nơi có cảnh quay bọn trẻ thả diều trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ.

 

Tuy An còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Một số di tích, địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử: Thành An Thổ, Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương, chùa Đá Trắng, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Cổ Lâm - Hội Tôn... Tuy An cũng là quê hương của cặp kèn đá và đàn đá có niên đại cách nay khoảng 2.500 năm. Theo các nhà chuyên môn, đàn đá Tuy An là bộ đàn đá có niên đại xưa và có thanh âm chuẩn nhất, còn cặp kèn đá là khí cụ thuộc hàng “quốc bảo” có một không hai.

 

Ẩm thực Tuy An với những món ăn nổi tiếng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận như: sò huyết Ô Loan vào Tốp 10 đặc sản hải sản nổi tiếng của Việt Nam, hàu đầm Ô Loan vào Tốp 20 món ăn ngon và mới lạ của Việt Nam. Những lễ hội, làng nghề truyền thống ở Tuy An đã được hình thành từ lâu, chứa đựng nét văn hóa đặc trưng của vùng đất.

 

Những năm gần đây, khách du lịch đến Phú Yên tăng mạnh, năm 2016, tổng lượng khách đến Phú Yên đạt gần 1,2 triệu lượt khách. Những địa danh, món ẩm thực lọt tốp các cuộc bình chọn phần nào chứng minh rằng những tài nguyên du lịch Tuy An đang được biết đến và dần được đánh thức.

 

 

Thành An Thổ (xã An Dân) - nơi sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam, là địa chỉ đỏ trong loại hình du lịch về nguồn - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

 

Hiến kế cho du lịch Tuy An phát triển

 

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Phú Yến đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt: “Tuy An nằm trong không gian du lịch biển đảo TX Sông Cầu và phụ cận”. Với vị trí thuận lợi, khách du lịch có thể tiếp cận không gian này bằng đường bộ, đường sắt, đường biển hoặc đường hàng không qua các sân bay Tuy Hòa hoặc Phù Cát (Bình Định). Đây là không gian chủ đạo của hoạt động du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo với nhiều vũng, vịnh, đầm và bãi cát đẹp, có giá trị khai thác du lịch cao.

 

Hội thảo Đầu tư phát triển du lịch Tuy An, do UBND huyện này phối hợp Sở VH-TT-DL vừa tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế để du lịch Tuy An phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định tài nguyên du lịch phong phú của huyện Tuy An là cơ sở, điều kiện đầu tiên để Tuy An phát triển du lịch. Trong đó, về loại hình du lịch, Tuy An có nhiều tài nguyên để đầu tư phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa, du lịch biển đảo, du lịch về nguồn, du lịch văn hóa (lễ hội, lịch sử, làng nghề, ẩm thực…), du lịch văn hóa tâm linh…

 

ThS Lê Thế Vịnh, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL Phú Yên), nói: “Tuy An là vùng đất mang trên mình nhiều lớp trầm tích văn hóa nhất trong các địa phương của tỉnh. Nơi đây có hệ thống lễ hội dày đặc với truyền thống lâu đời, nhiều địa chỉ truyền thống lịch sử, làng nghề phong phú, tôn giáo là nơi xuất hiện những vị chân tu cái thế của Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Nếu tất cả các di tích lịch sử văn hóa được đầu tư tôn tạo một cách bài bản, kết hợp một cách hài hòa sẽ là những điểm đến thú vị thu hút du khách”. Đồng tình với nhận định trên, TS Nguyễn Văn Thưởng, giảng viên Trường đại học Phú Yên, cho rằng: “Cần xây dựng định hướng bảo tồn di tích - danh thắng và phát triển du lịch, đưa nội dung này vào trong nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, các điểm giàu tính lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch thành một trong những ngành kinh tế chủ lực...”.

 

Bảo vệ môi trường, quảng bá tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút nhà đầu tư cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu tại hội thảo mổ xẻ. Ông Lê Ngọc Minh, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT-DL, nói: “Ở nhiều điểm du lịch, có thắng cảnh đẹp như bờ biển hòn Lao Mái Nhà, hòn Yến, bên trong bãi Xép là thôn Mỹ Quang Bắc hiện nay môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải và thói quen sinh hoạt của người dân. Các loài hải sản ở biển khu vực hòn Chùa bị khai thác theo kiểu tận diệt nhưng địa phương chưa có biện pháp bảo vệ và nếu không có biện pháp kịp thời thì du lịch cũng không phát triển được. Bên cạnh bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương cũng cần có phương án trồng nhiều cây xanh hơn nữa…”. Còn ông Trần Đình Trung, chuyên viên Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở KH-ĐT), cho rằng huyện cần công khai quy hoạch các khu điểm du lịch và có cơ chế chính sách ưu đãi hợp lý để thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ, loại hình du lịch.

 

Để từng bước đưa du lịch địa phương phát triển, thời gian tới, lãnh đạo huyện cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch; tiếp tục huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông đến các điểm du lịch; có cơ chế chính sách huy động nguồn vốn. Cùng với đó, huyện cần xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư du lịch, phát triển dịch vụ, hình thành các điểm du lịch, từng bước đa dạng sản phẩm du lịch và hình thành sản phẩm đặc trưng. Đặc biệt, địa phương tích cực vận động “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”; quan tâm bảo vệ môi trường du lịch, tăng cường trồng cây xanh, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường; tuyên truyền thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch của tỉnh đã ban hành…

 

Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Hồ Văn Tiến

 

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek