Bên cạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 52QH13 của Quốc hội về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, các giải pháp đã được đề cập trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, du lịch Việt Nam cần triển khai một số vấn đề trọng tâm sau:
- Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của ngành Du lịch trong điều kiện hiện nay. Mặc dù đã có chuyển biến rõ nét bước đầu trong thời gian qua, song cần tiếp tục tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức sâu rộng trong xã hội về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phát triển du lịch, nhất là nhận thức tư tưởng của cán bộ quản lý các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Tạo ra sự chuyển biến thực chất trong việc ban hành chính sách phát triển du lịch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương trọng điểm phát triển du lịch.
- Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến du lịch, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch như: Điều chỉnh và bổ sung Luật Du lịch, các nghị định, thông tư hướng dẫn luật; chính sách về thuế nhập khẩu phương tiện vận chuyển, trang thiết bị cơ sở lưu trú…; thuế sử dụng, thuê đất tại các khuôn viên cảnh quan, các khu du lịch, khu du lịch sinh thái; chính sách ưu tiên đầu tư; chính sách xã hội hóa trong du lịch... Tất cả nội dung trên phải được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tính minh bạch, cụ thể ổn định và dễ thực hiện.
- Tăng cường đầu tư nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch. Đầu tư cho du lịch có nghĩa là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra. Trong đầu tư du lịch thì đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch là yếu tố quan trọng đảm bảo thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là tạo điều kiện thu hút khách du lịch và cải thiện điều kiện dân sinh cho cộng đồng dân cư. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, đồng thời chú trọng lồng ghép đầu tư hạ tầng với du lịch với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội; trong giai đoạn tới cần chú trọng đầu tư vào các khu điểm du lịch quốc gia để tạo đà bứt phá cho du lịch Việt Nam.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu của du lịch Việt Nam, đây là biện pháp quan trọng để tạo lập hình ảnh và vị thế du lịch trong và ngoài nước nhằm thu hút khách. Cần thiết lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm du lịch.
- Cần tăng cường phối hợp với các ngành và liên kết các vùng, các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng nên cần có sự phối hợp tốt hơn các lực lượng của các ngành các cấp dưới sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, ngành Du lịch đặc biệt chú trọng sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả trong hoạch định các cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch sớm trở thành ngành mũi nhọn. Bên cạnh đó, các vùng du lịch và các địa phương dựa trên cơ sở tiềm năng điều kiện thuận lợi về tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cần có giải pháp liên kết đa dạng.
- Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn kém so với các nước trong khu vực cả về năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ trong ngành là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cần phải trang bị kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ du lịch vì phần nhiều cán bộ, công chức ở cấp Tổng cục Du lịch và các địa phương từ các ngành khác, hoặc học các ngành khác nhau, chưa nắm vững được kiến thức chuyên ngành Du lịch; nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý kinh tế. Đối với nguồn nhân lực các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chú trọng bồi dưỡng kiến thức thị trường, ngoại ngữ và nghiệp vụ chuyên sâu, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường.
- Nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với sự nghiệp phát triển du lịch theo hướng hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên ngành Du lịch cấp Trung ương và một số địa bàn trọng điểm; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, luật pháp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hấp dẫn cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tăng cường công tác chỉ đạo để đảm bảo thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu phát triển du lịch được phê duyệt trong chiến lược và quy hoạch, chú trọng các chỉ tiêu phát triển vùng, liên vùng và các địa bàn trọng điểm.
BTV (tổng hợp)