Qua kết quả khảo cứu thực tiễn với nhiều tư liệu cùng các báo cáo khoa học chuyên sâu, nhóm nghiên cứu và chủ nhiệm đề tài “Xây dựng webgis thông minh phục vụ quảng bá và phát triển du lịch tỉnh Phú Yên” đều nhận định: Phú Yên có nhiều tiềm năng du lịch nhưng chưa được phát huy, khai thác hiệu quả.
KHỐI TÀI NGUYÊN GIÁ TRỊ
Từ kết quả khảo cứu thực tiễn, nhóm tác giả nghiên cứu đề tài tiếp tục khẳng định, biển đảo, núi rừng là nguồn tài nguyên có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Phú Yên.
Với cách tiếp cận nghiên cứu đánh giá giá trị địa chất - địa mạo (những giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ của các tài nguyên địa chất, địa mạo đã và đang được con người khai thác hoặc ở dạng tiềm năng) cho phát triển du lịch, TS Nguyễn Hữu Xuân (Trường đại học Quy Nhơn) đã khảo cứu kỹ hệ thống bãi biển; đầm phá, vịnh biển; hệ thống đảo ven bờ; một số điểm du lịch đặc trưng của Phú Yên như gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài, núi Đá Bia… Theo TS Xuân, giá trị địa chất - địa mạo của dải ven biển Phú Yên rất có giá trị cho phát triển nhiều loại hình du lịch.
Với chiều dài 190km bờ biển, Phú Yên sở hữu số lượng bãi biển có giá trị khai thác du lịch rất cao, với gần 30 bãi tắm lớn nhỏ. “Nét chung của hầu hết bãi tắm ở đây là có sự kết hợp giữa núi non và biển cả, tạo nên phong cảnh “sơn thủy hữu tình”. Những bãi cát trắng mịn, thoai thoải, nước biển trong xanh, sóng và dòng triều vừa phải rất lý tưởng cho các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, cắm trại, tắm biển, lặn biển…”, TS Nguyễn Hữu Xuân nhận xét. Trong gần 30 bãi tắm, nhóm nghiên cứu đề tài đã khảo sát 21 bãi tắm với các yếu tố: cấu tạo, hình thái, độ ổn định của bãi, đặc trưng khí hậu - hải văn. Từ đó có đánh giá giá trị chung và nhận định khả năng khai thác du lịch theo các mức độ: rất cao, cao, trung bình. Kết quả khảo cứu cho thấy, về giá trị khai thác du lịch bằng hình thức tham quan có bốn bãi biển giá trị rất cao, bảy bãi biển có giá trị cao; về giá trị khai thác du lịch loại hình nghỉ dưỡng, bảy bãi biển giá trị rất cao, chín bãi biển giá trị cao…
Tương tự, hệ thống đầm phá, vịnh biển như đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô; hệ thống các đảo ven bờ như hòn Chùa, hòn Yến, Lao Mái Nhà, hòn Nưa, Nhất Tự Sơn… có giá trị cao về địa chất - địa mạo với hệ sinh thái của sông, rừng mặn, san hô, sự đa dạng về nguồn lợi thủy sản và những nét văn hóa, ẩm thực truyền thống… khởi tạo tiềm năng rất lớn với mức độ khai thác từ cao đến rất cao cho phát triển du lịch, nhất là các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái.
Kết quả khảo cứu địa chất - địa mạo ba điểm du lịch đặc trưng là gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài và núi Đá Bia, có thể xem là đại diện cho ba loại hình tài nguyên ở Phú Yên là di tích địa chất; biển, đảo; rừng núi cũng cho thấy kết quả cao về sức hấp dẫn, độc đáo, có giá trị khai thác các loại hình du lịch.
CẢNH BÁO VỀ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
Bên cạnh những giá trị thuận lợi cho khai thác, phát triển du lịch, qua nghiên cứu giá trị địa chất - địa mạo hệ thống tài nguyên thiên nhiên có tác động đến du lịch của Phú Yên cũng có những hạn chế nhất định. Cụ thể như một số bãi Bàu, An Hải, Tuy Hòa… có dòng chảy ven bờ khá mạnh, sự biến đổi nền đáy biển khá phức tạp, nhất là vào mùa đông nên có thể gây nguy hiểm cho du khách tắm biển. Một số bãi biển có quy mô đang bị “cạnh tranh” bởi các hoạt động kinh tế khác (khu công nghiệp, nhà máy lọc dầu…) đang bị xâm lấn bởi việc nuôi trồng thủy sản dẫn đến môi trường nước bị biến đổi theo chiều hướng xấu (bãi Tiên, bãi Bình Sa, các vịnh Vũng Rô, Xuân Đài, đầm Cù Mông…) hoặc bị biến đổi (bãi Nhất Tự Sơn). Các đảo ven bờ hầu hết có quy mô nhỏ, vách dốc, hệ sinh thái cây bụi trên núi đá sẽ bị tác động, biến đổi không thích hợp cho phát triển du lịch với quy mô lớn…
Theo nhóm nghiên cứu, việc xả thải của các khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ý thức người dân, cộng đồng quanh các khu, điểm du lịch đang gây tác động xấu đến môi trường và an toàn cho du khách… ở mức đáng lo ngại. Những năm gần đây, lượng khách đến Phú Yên tăng đột biến khiến một số điểm/khu du lịch, môi trường bị tác động, thể hiện ở việc biến đổi về cảnh quan môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải sinh hoạt và du lịch… Một thực trạng khác, để đáp ứng nhu cầu của du khách về thực phẩm, hàng hóa, đồ lưu niệm…, một số đặc sản của địa phương đã bị khai thác đến mức cạn kiệt, kể cả một số loài cấm khai thác như cá ngựa, ốc anh vũ, đồi mồi… Điều này mang lại lợi ích trước mắt cho một bộ phận người dân, tạo sự đa dạng về sản phẩm hàng hóa cho du khách, nhưng về lâu dài, đây là vấn đề cần được quan tâm, hạn chế tối đa, thậm chí nghiêm cấm, nếu Phú Yên muốn hướng đến phát triển du lịch bền vững, hấp dẫn và thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, cơ quan chủ trì đề tài, nhấn mạnh: “Nghiên cứu về tác động môi trường và an toàn trong du lịch là một nội dung quan trọng. Từ đó có cảnh báo, khuyến cáo cần thiết cho địa phương, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, đảm bảo yêu cầu an toàn cho du khách. Sắp tới, cơ quan chủ trì, nhóm tác giả thực hiện đề tài tiến hành các hội thảo khoa học để lắng nghe thêm ý kiến các chuyên gia, đồng thời đảm bảo thời gian xét duyệt đề tài theo kế hoạch”. |
TRẦN QUỚI