Cuộc sống ngày càng được nâng cao, những người nông dân cũng có nhu cầu du lịch rất cao, nhất là khi họ đã sắp xếp công việc, tài chính để thỏa mãn thú vui của mình. Và cái cách họ đi du lịch cũng rất chân chất. Đến bữa ăn, họ chỉ cần ghé vào một quán nước, kêu đồ giải khát, rồi… xin cắm nhờ nồi cơm, thức ăn. Xong bữa, dọn dẹp, rửa chén đũa, gửi chủ quán thêm vài chục ngàn đồng, thế là họ lên xe đi chơi tiếp…
LIỆU CƠM GẮP MẮM
Chuyện đi chơi xa, phần nhiều do những người vợ quyết định. Họ ngồi bàn với nhau, rồi về thông báo lại với chồng. Chi hội trưởng… tui thì hô hào tập hợp, thế là đi! Lâu lâu cũng đi đó đây để nghỉ ngơi, mở mang tầm mắt.
Ông Võ Văn Hạnh - Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa |
Trong lúc trà dư tửu hậu, lão nông Phạm Hanh (ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa) nói với tôi: “Bây giờ mà tiền nong thư thả, đi du lịch là sướng nhất! Tuy nhiên, bà con ở đây thường tính toán rất chặt chẽ, theo kiểu thủ dẻo ăn nhì, liệu cơm gắp mắm, chớ không dám vung tay đâu! Lâu lâu đi du lịch cho biết đó biết đây, vui vẻ rồi về tiếp tục cày cuốc…”.
Ông Hanh cũng cho hay, ở Phú Yên mấy năm nay rộ “mốt” đi chơi núi Bà Đen - Tây Ninh. Thường sau tết, bà con đi thành từng đoàn, xe lớn xe nhỏ đủ cả. Bà Trần Thị Thanh (vợ ông Hanh) góp chuyện: “Thấy người ta đi thì mình cũng đi cho vui. Mà để tui kể chuyện đi du lịch kiểu “thủ dẻo”, vui lắm… Mình là nông dân mà!”.
Bốn cặp vợ chồng (8 người) thuê một xe 16 chỗ từ Tuy Hòa đi Tây Ninh; cả đi lẫn về khoảng 4 đêm, 3 ngày; giá trọn gói 10 triệu đồng. “Trên xe, sau khi xếp đồ đạc, chừa lại 4 băng ghế cho… 4 nhà. Vợ chồng… tùy chỉnh, xoay đầu nằm cho tiện, hoặc thay phiên nhau người ngồi, người nằm. Nhờ thế, đỡ tốn tiền thuê khách sạn. Ở Tây Ninh, cũng gặp nhiều nhóm thuê xe du lịch kiêm khách sạn kiểu này. Kết lại thành nhóm lớn, chia nhau “canh gác” cho an toàn, rất vui!”, bà Thanh cười.
Thực đơn 3 ngày đều được lên lịch chu đáo, rồi đi mua về chế biến sẵn ở nhà, ướp vào thùng đá, xếp lên xe. Bà Thanh cụ thể: “Ví như thịt gà, heo, cá… đều được làm sạch, cắt miếng, ướp gia vị. Chúng tôi đem theo cả bếp gas mi ni, nồi cơm điện, nồi ủ, chén đũa... Đến bữa ăn, chỉ cần ghé vào một quán nước, kêu đồ giải khát, thuốc lá, rồi… xin cắm nhờ nồi cơm, thức ăn. Xong bữa, dọn dẹp, rửa chén đũa, rồi gửi quán thêm vài chục ngàn đồng. Thế là lên xe đi chơi tiếp. Bác tài cũng tỏ ra rất khoái kiểu này, kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch. Đi thăm thú không sót chỗ nào!”.
Rồi bà kết luận: “Tính ra, tổng chi phí cả chuyến đi chơi xa mỗi người chỉ khoảng 2 triệu đồng. Quan trọng là tránh được nạn “chặt, chém”, ăn uống thiếu vệ sinh ở những chỗ đông người. Mà ba cái khâu đi lại - ăn uống - ngủ nghỉ là chi phí “cốt tử” trong du lịch rồi. Thế nên… mình phải lo thủ dẻo, liệu cơm mà gắp mắm!”.
TÚC TẮC DU HÍ
Trừ chuyện con cháu “tài trợ”, nhiều nông dân ở đây cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện đi du lịch. Nhưng chủ yếu vẫn là các gia đình trẻ, có ít con. Trong thôn xóm, quen biết, hợp tính nhau rồi các gia đình hùn lại tổ chức đi. Riêng các cấp hội phụ nữ ở xã cũng đã đôi lần phối hợp với hội nông dân tổ chức cho các gia đình đi du lịch. Kinh phí chủ yếu là tiền góp của các gia đình.
Bà Trần Thị Hòa - Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa
|
“Bà con nông dân ở đây bắt đầu có phong trào đi du lịch rồi”. Tình cờ, tôi nghe được câu nói này trong một đám giỗ ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa). Tôi hỏi tới thì được biết, người dân ở đây thường nói về những cuộc nghỉ ngơi xa nhà chỉ ngắn gọn là “đi chơi”. Anh Phạm Tấn Hạ (45 tuổi) góp chuyện: “Làm lụng vất vả quanh năm thì cũng phải có lúc đi chơi! Chúng tôi cũng thường đi gần gần thôi, lâu lâu, mới dám đi chơi xa một chuyến. Đi ra ngoài tỉnh mới gọi là đi du lịch”.
Vợ chồng anh Hạ có 2 con, làm mấy sào ruộng khoán; anh kiêm nghề chạy xe công nông, vợ bán thêm tạp hóa tại nhà. Ngôi nhà cấp 4 tương đối đầy đủ tiện nghi, thuộc hàng “tạm ổn” ở vùng quê này. “Cha mẹ tui đẻ 10 người con. Vợ chồng tui chỉ 2 đứa nhưng cuộc sống bây giờ đua chen sắm sửa, nên mình cũng phải “cày” dữ lắm. Khó khổ thì đã hẳn, nên phải thỉnh thoảng dành thời gian để gia đình vui chơi đó đây với bạn bè. Lựa mấy lúc nông nhàn, dịp tụi nhỏ nghỉ học, rủ thêm anh em cùng sở thích thì mới có khí thế đi chơi!”, anh nói thêm.
Theo “bật mí” thì vợ chồng anh có hai nhóm chơi. Thứ nhất là nhóm anh em dâu rể trong nhà, thứ nhì là 3 đến 4 cặp vợ chồng hợp “gu” trong xóm. Gần như thành lệ, đôi tháng là tổ chức một cuộc dã ngoại tại các thắng cảnh sông suối, bãi biển… trong tỉnh. Đồ ăn, thức uống trong những chuyến đi này do các bà vợ lo liệu, chuẩn bị từ ngày hôm trước. “Cũng bánh mì, bánh hỏi, xôi, thịt nướng, gà xé… kèm mấy thùng bia, nước ngọt, rất xôm tụ. Mỗi nhà góp vài trăm nghìn. Nhà nào đông con hơn thì góp thêm. Rõ ràng, sòng phẳng thì ăn chơi mới bền…”, chị Mai (vợ anh Hạ) nói.
Xong khâu hậu cần, mỗi nhà 1 đến 2 xe máy chở con cái, đồ đạc “ăn chơi” lên đường. Thường sáng đi, chiều về, gọn ghẽ trong ngày. “Túc tắc vậy mà mấy năm qua, đi không sót mấy thắng cảnh “nổi nổi” của tỉnh. Nào là suối Thá, khu du lịch Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa); suối Đá Bàn, bãi Xép, biển Long Thủy (TP Tuy Hòa); nhà thờ Mằng Lăng, gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan (huyện Tuy An); bãi Tiên, bãi Môn - mũi Điện, Vũng Rô (huyện Đông Hòa)… Bây giờ, tiến tới chơi xa đến các tỉnh miền Trung, rồi lần lần đi khắp cả nước…”, anh Hạ sảng khoái kể.
ĐỨC TUẤN