Ngày càng nhiều mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được giáo viên, phụ huynh và học sinh chung tay xây dựng trong khuôn viên các trường học. Từ ngày có mô hình này, hoạt động giáo dục kiến thức chủ quyền biển đảo cho học sinh tại các trường học diễn ra sinh động, bổ ích, làm giàu thêm tình yêu, niềm tự hào và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Sừng sững cột mốc chủ quyền giữa mùa COVID-19
Tháng 5/2020, trở lại trường sau thời gian dài nghỉ dịch COVID-19, học trò Trường tiểu học Hòa Thắng 2, huyện Phú Hòa rất bất ngờ khi hai mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, Hoàng Sa hiện lên sừng sững giữa khuôn viên nhà trường. Trên hai cột mốc, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như nhắc nhở thế hệ trẻ luôn hướng về “núm ruột” ngoài khơi của Tổ quốc.
Dẫn chúng tôi đi tham quan hai mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, Hoàng Sa đặt giữa thảm cỏ, bên những tán lá xanh mướt, thầy Ung Vĩnh Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nội dung biển đảo luôn được nhà trường lồng ghép trong các tiết học xã hội cũng như hoạt động ngoại khóa. Từ nhiều năm qua, trường đã ấp ủ ý định xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa để giáo dục tình yêu biển đảo trong các em một cách thực tế hơn. Đến khi được sự gợi ý của một cán bộ làm ở Phòng GD-ĐT huyện, nhà trường càng quyết tâm thực hiện.
“Khi tôi đưa ra ý tưởng xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa trong cuộc họp hội đồng sư phạm, hầu hết cán bộ, giáo viên đều nhiệt tình hưởng ứng. Kết thúc cuộc họp, cô giáo Trần Thị Bích Uyên liền mang 500.000 đồng đến góp đầu tiên. Sau đó, các thầy cô giáo khác cũng lần lượt tự nguyện mang tiền đến góp, người có nhiều góp nhiều, người có ít thì góp công.
Anh Nguyễn Đình Nghĩa, nhân viên bảo vệ của trường, lúc đầu cũng tự nguyện đóng góp 200.000 đồng để xây dựng công trình, nhưng sau khi thấy cột mốc chủ quyền Trường Sa hoàn thành, đẹp và hoành tráng quá, nên quyết định góp thêm 300.000 đồng nữa. Chỉ trong hai tuần, 37 cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường đã đóng góp được hơn 30 triệu đồng để xây dựng hai cột mốc chủ quyền”, thầy Thắng kể lại.
Trước đó hai tháng, cột mốc chủ quyền Trường Sa cũng đã lần đầu hiện hữu trong khuôn viên Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Tây Hòa). Trong những ngày học sinh nghỉ học phòng chống dịch COVID-19, giáo viên và học sinh của trường đã góp công, góp sức xây dựng công trình ý nghĩa này. Công trình được thực hiện để chào mừng kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2020) và đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy mô hình này chỉ bằng 1/10 cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn nhưng có đầy đủ thông tin về quần đảo này.
Anh Dương Thành Phú, Bí thư Đoàn Trường THPT Phạm Văn Đồng, chia sẻ: “Theo quan điểm của nhà trường, kiến thức cung cấp cho học sinh rất quan trọng, thiết thực nhằm giúp các em có động cơ học tập đúng đắn. Vì vậy, nhà trường đã xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa để giáo dục, tuyên truyền về biển đảo cho học sinh một cách sinh động và thực tế hơn. Qua đó, giúp các em có trách nhiệm với nhà trường và giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, xây dựng cột mốc chủ quyền biển đảo còn góp phần làm cho cảnh quan nhà trường thêm đẹp và độc đáo, giúp giáo viên và học sinh thêm yêu trường lớp.
Bồi đắp thêm tình yêu biển đảo
Cứ mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, các em học sinh Trường tiểu học Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) có mặt đông đủ để làm lễ chào cờ đầu tuần ngay dưới cột mốc chủ quyền Trường Sa. Đúng 7 giờ sáng, trong không khí nghiêm trang, toàn thể giáo viên, học sinh hướng về lá cờ Tổ quốc cất lên bài Quốc ca hùng tráng. Trong tâm trí, mỗi người tự nhắc nhở mình về lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu Tổ quốc, bản thân tự phấn đấu, thi đua dạy tốt, học tốt.
Em Trần Thị Thu Hương, lớp 4A, chia sẻ: “Trước đây, em chỉ biết đến Trường Sa qua sách vở, báo đài và lời thầy cô giáo dạy. Nhưng bây giờ, trường em đã có cột mốc chủ quyền Trường Sa, giúp em dễ hình dung hơn về quần đảo này”.
Thầy Nguyễn Anh Thư, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mỗi ngày, được ngắm nhìn cột mốc chủ quyền Trường Sa ngay tại sân trường sẽ giúp học sinh dễ hình dung hơn về quần đảo này để từ đó thêm yêu thương và tự hào về biển đảo của quê hương. Đây cũng là mô hình trực quan sinh động giúp các thầy cô giáo giảng dạy về biển đảo Việt Nam hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay”.
Tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh (TX Đông Hòa), mô hình cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa cũng đã được xây dựng trong khuôn viên trường cách đây hai năm, hoàn thành đúng vào ngày kỷ niệm 30 năm trận hải chiếnTrường Sa - Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2018). Đây là công trình do Hội Phụ huynh học sinh của trường tự nguyện xây dựng với tổng trị giá gần 80 triệu đồng. Cứ mỗi giờ ra chơi hay các tiết ngoại khóa, thầy trò nhà trường lại tập trung dưới cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa cùng củng cố lại những kiến thức biển đảo mà mình đã tìm hiểu. Ngoài việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức biển đảo, vào các dịp lễ, nhà trường còn mời các cán bộ, chiến sĩ từng công tác, phục vụ trên các đảo về giao lưu, trao đổi với học sinh.
Thầy Nguyễn Đình Diêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Không phải ai cũng có dịp được đến Trường Sa ngắm nhìn vẻ đẹp của biển đảo quê hương, cảm nhận sự hy sinh thầm lặng của những người lính đảo. Vì vậy, công trình là niềm tự hào rất lớn đối với giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường. Không gian này sẽ giúp các em cảm nhận rõ hơn sự gần gũi, gắn bó giữa quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa với đất liền ngay trong chính mái trường thân yêu của mình. Qua đó bồi đắp cho các em lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, Hoàng Sa được các trường học trên địa bàn tỉnh xây dựng là một cách làm sáng tạo, mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Mô hình này không chỉ giúp giờ học về biển đảo Việt Nam trở nên sinh động, tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, nuôi dưỡng trong các em lòng tự hào dân tộc, mà còn khơi lên ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mong rằng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Thị Ngọc Ái |
HÀ MY - THÙY THẢO