Thứ Ba, 26/11/2024 12:30 CH
Vì sao “người láng giềng” thường gây hấn ở biển Đông?
Thứ Bảy, 28/09/2019 06:12 SA

Khu vực Nhà giàn DK1 hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: LẠC VIỆT

Thời gian gần đây, tình hình biển Đông tiếp tục “dậy sóng” khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng nhóm tàu hộ tống của họ hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Việt Nam, cụ thể là khu vực bãi Tư Chính. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

 

Ngày 18/9 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã rêu rao giọng điệu “vừa ăn cướp vừa la làng” khi cho rằng: Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền tại quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam-PV) và các quyền lợi tương ứng đối với các vùng biển xung quanh quần đảo này.

 

Ông Cảnh Sảng cũng cho rằng Việt Nam vi phạm các văn bản quốc tế song phương và đa phương đã ký kết với Trung Quốc, trong đó có: (1) Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, (2) Tuyên bố ứng xử trên biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), và (3) Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trong khi chính Trung Quốc đã vi phạm các văn bản mà ông Cảnh Sảng nêu. Các yêu sách của Trung Quốc đã bị phán quyết Tòa Trọng tài (được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS) bác bỏ.

 

Âm mưu được tiến hành từng bước theo kịch bản

 

Đây không phải là lần đầu Trung Quốc có hành động ngang ngược, cậy thế nước lớn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngược dòng thời gian cho thấy, để làm bàn đạp vươn lên vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, địa chiến lược với các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã nhiều lần, lợi dụng mọi cơ hội, tận dụng mọi lợi thế về quân sự, kinh tế, kỹ thuật, tài chính… lúc bí mật, khi công khai, từng bước thực hiện mưu đồ, chiến lược độc chiếm biển Đông để làm “sân nhà” cho riêng mình.

 

Đó là năm 1909, Trung Quốc bắt đầu cử phái bộ từ Quảng Đông thăm dò một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó, họ dùng vũ lực tiến hành xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và 1974. Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ và ngày 14/3/1988 đánh chiếm Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), giết hại 64 cán bộ chiến sĩ công binh Hải quân nhân dân Việt Nam trên tay không có súng. Từ ngày 2/5-16/7/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), khoảng 120 hải lý về phía đông và cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý về phía nam. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS. Năm 2015, Trung Quốc ráo riết cải tạo 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta mà họ đã đánh chiếm trái phép, gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Vành Khăn, Tư Nghĩa, Châu Viên, Su Bi, Ga Ven; không ngừng mở rộng và xây dựng trên những thực thể này đường băng sân bay quân sự, cầu cảng quân sự, trạm ra đa, nhà ở cho quân đồn trú, các ụ pháo… Và gần 3 tháng nay, họ liên tục đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống vào hoạt động trái phép ở thềm lục địa phía Nam nước ta.

 

Người viết bài này 15 năm trước cùng đoàn công tác của Quân chủng Hải quân từng có mặt ở khu vực mà nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động phi pháp trong nhiều ngày qua. Khu vực này gồm bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý. Các bãi cạn này ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu theo UNCLOS nên không thuộc quần đảo Trường Sa và càng không phải vùng tranh chấp. Trong khu vực này Việt Nam đã và đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí; đã xây dựng các cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật (gọi tắt là Nhà giàn DK1) phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60 và Điều 80 UNCLOS quy định.

 

Với những gì Trung Quốc đã tiến hành trên biển Đông trong suốt nhiều năm qua, cùng với việc tự tạo ra “đường lưỡi bò” cho thấy, những hành động đó được tiến hành theo một kịch bản và được tính toán, sắp đặt có lớp lang nằm trong một âm mưu, kế hoạch tổng thể và đồng bộ nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược là khống chế toàn diện, tiến tới độc chiếm biển Đông.

 

Vị trí địa chiến lược đặc biệt của Trường Sa

 

Vì sao đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép Hoàng Sa rồi, Trung Quốc còn muốn chiếm luôn cả Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Việt Nam?

 

Quần đảo Trường Sa nằm giữa biển Đông, phía bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía đông giáp vùng biển Philippines, phía nam giáp vùng biển Malaysia, Brunei, Indonesia; phía tây là vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải và tuyến đảo ven bờ vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ của Việt Nam.

 

Về giao thông: quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải huyết mạch của quốc tế có lưu lượng tàu thuyền tấp nập hàng đầu thế giới. Theo thống kê, hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông (chỉ sau Địa Trung Hải). Khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, 60% của Nhật Bản và 66% của Hàn Quốc cũng đi qua vùng biển này.

 

Về quân sự: quần đảo Trường Sa là lá chắn quan trọng bao quanh vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía đông của Việt Nam. Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo trở thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn ngừa và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế từ lâu, quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao, đó là một khu vực có vị trí chiến lược trong phòng thủ.

 

Về kinh tế: quần đảo Trường Sa là một vùng biển rất giàu về nguồn thủy sản, trong đó có nhiều loại hải sản quý như: hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển…. Đồng thời, với vị trí nằm giữa biển Đông, Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá và du lịch; có vai trò to lớn trong thương mại quốc tế, là “cầu nối” cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam nước ta chứa lượng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ hết sức phong phú. Đây cũng chính là “món mồi” béo bở Trung Quốc luôn dòm ngó và muốn thâu tóm.

 

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

 

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và cả hệ thống chính trị. Vì vậy cần phải huy động và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trong khối ASEAN, cộng đồng quốc tế về việc làm chính nghĩa của Việt Nam và phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Đồng thời chủ động và kịp thời lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đúng với tính chất và mức độ vi phạm ngay từ đầu; không để xảy ra tình huống phải bị động đối phó với tình hình trên thực địa sẽ gặp nhiều bất lợi.

 

Các phương án đấu tranh, ứng xử trên thực tế cần đúng thủ tục pháp lý quốc tế và các cam kết khu vực, phải thật sự mềm mỏng, bình tĩnh, khôn khéo với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, không để mắc mưu khiêu khích của đối phương.

 

Thực tiễn quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta cũng cho thấy, bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà còn phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kết hợp giữa sức mạnh trong nước và sức mạnh của thời đại. Từ đó tạo sự đồng thuận cao trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek