Chủ Nhật, 10/11/2024 07:01 SA
Quan chức Mỹ lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông
Thứ Sáu, 02/08/2019 10:45 SA

Nguồn: Reuters

* Chuyên gia quốc tế lo ngại ý đồ độc chiếm biển Đông tại hội thảo CSIS

 

Chủ tịch và Phó chủ tịch của Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng quốc tế của Ủy ban này ngày 31/7 đã ra tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở biển Đông.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết: “Các hoạt động khảo sát của một tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và việc triển khai tàu cảnh sát biển của Trung Quốc chỉ là bằng chứng mới nhất về việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng hành vi cưỡng ép nhằm khẳng định các yêu sách bất hợp pháp ở biển Đông. Việc xác định các cách thức cụ thể để đẩy lùi các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông cần được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của Mỹ tại các cuộc họp với ASEAN tại Bangkok trong tuần này".

 

Ông Risch cũng cho rằng các đối tác của Mỹ trong khu vực, đặc biệt các nước thành viên ASEAN, phải sát cánh bên nhau và đứng vững trước sự cưỡng ép của Trung Quốc. Theo ông, nếu không có sự lên án mạnh mẽ hơn đối với các hành vi của mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục có hành động trái phép ở biển Đông, gây bất lợi cho lợi ích chung của Mỹ trong việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thực sự tự do và cởi mở và duy trì luật pháp.

 

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Bob Menendez, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, tuyên bố: "Điều rất quan trọng là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình ở biển Đông”.

 

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Cory Gardner, Chủ tịch của Tiểu Ban Đông Á - Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế nêu rõ: “Việc quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông và các hành động thù địch đối với các quốc gia có yêu sách khác là bất hợp pháp, gây bất ổn và trái với luật pháp quốc tế”.

 

Ông Gardner cũng bày tỏ hy vọng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ luôn sát cánh với các đối tác ASEAN của Mỹ, đồng thời kêu gọi một chính sách phối hợp trong khu vực nhằm đối phó với Bắc Kinh như yêu cầu của Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (ARIA).

 

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Edward Markey, Phó Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế, cho rằng: “Các hành động của Trung Quốc ở biển Đông, một trong những vùng biển quan trọng nhất trên hành tinh, đang gây ra những vấn đề sâu sắc”.

 

Ông Markey khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực ngoại giao nhằm duy trì hòa bình ở biển Đông, bao gồm những nỗ lực tại Diễn đàn Khu vực ASEAN trong tuần này tại Bangkok, Thái Lan.

 

Ông Markey khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại La Haye đã ra phán quyết rõ ràng nhiều năm trước rằng việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và tất cả phải tôn trọng tự do hàng hải, đồng thời cho rằng Mỹ nên thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tuy nhiên cho tới lúc đó, Mỹ sẽ hành động theo Công ước trên và mong muốn tất cả các quốc gia khác cũng thực hiện như vậy.

 

* Tại Hội thảo về biển Đông thường niên lần thứ 9 diễn ra mới đây ở thủ đô Washington, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã mời các học giả đại diện các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Úc... đánh giá về những diễn biến căng thẳng hiện nay trên biển Đông.

 

Giáo sư về quản lý chính sách ở Đại học Keio, ông Toshihiro Nakayama cho biết Nhật Bản là nước "rất dễ bị tổn thương" trước những diễn biến tiêu cực trên biển Đông.

 

Ông giải thích: “Nhật Bản phụ thuộc hoàn toàn vào giao thương... Hơn 90% giao thương của Nhật Bản lệ thuộc vào vận chuyển bằng đường biển. Do đó, biển Đông là huyết mạch hàng hải hết sức quan trọng đối với Nhật Bản. Nếu con đường hàng hải đó bị chặn hoặc nếu một quốc gia đơn lẻ nào đó làm chủ vùng biển đó thì Nhật Bản sẽ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương”. Vì vậy, Nhật Bản "rất lo ngại trước ý đồ của Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông".

 

Trong khi đó, bà Pooja Bhatt, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), khẳng định lập trường của New Delhi về vấn đề biển Đông là "hòa bình, ổn định và an ninh dựa trên luật pháp và chuẩn mực được quốc tế chấp nhận, ủng hộ tự do hàng hải, tự do hàng không và thương mại không bị gián đoạn".

 

Bà Bhatt chỉ ra rằng Ấn Độ có nhiều lợi ích ở biển Đông và cũng sẽ là một “nạn nhân" nếu vùng biển này xảy ra bất ổn. Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại “Hướng Đông”, Ấn Độ trong những năm qua đã tích cực tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị và quân sự với các nước xung quanh biển Đông. 

 

Cũng tại hội thảo, bà Bec Strating, giảng viên chính trị thuộc Đại học La Trobe (Úc), nhấn mạnh Úc cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông và đây là ưu tiên trước hết của nước này.

 

Bà nêu rõ: “Chính sách được công bố của Úc trong những năm qua là bày tỏ mối quan ngại lớn đối với các cường quốc đang nổi thách thức luật lệ trên biển, trên không, và xem đó là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực".

 

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek