Trên thế giới, trung bình cứ 24 giây lại có 1 người tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ.
Mỗi năm, "thần chết" mang tên tai nạn giao thông đường bộ đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,35 triệu người trên thế giới.
Trong số đó, ước tính có khoảng 273.000 ca tử vong được cho là có liên quan đến tài xế say rượu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông đường bộ.
Theo WHO, ngoài những người thiệt mạng, tai nạn giao thông còn khiến từ 20-50 triệu người bị thương trên khắp thế giới, trong đó nhiều người bị tàn tật suốt đời. Hơn 50% số ca tử vong và bị thương liên quan đến những người tham gia giao thông dễ bị tai nạn như người đi bộ, người đi xe đạp và xe máy.
LHQ cho rằng tai nạn giao thông là “sát thủ” hàng đầu đối với trẻ em và thanh niên từ 5-29 tuổi.
Không chỉ gây tổn hại về tinh thần khi gia đình mất người thân, bạn bè, bố mẹ mất con, trẻ em mất cha mẹ, tai nạn giao thông đường bộ còn gây thiệt hại kinh tế lớn cho gia đình các nạn nhân, cũng như xã hội và toàn quốc gia.
Những tổn thất này phát sinh từ chi phí điều trị, mất sức lao động do người thiệt mạng hoặc tàn tật vì thương tích và các thành viên trong gia đình phải nghỉ làm hoặc nghỉ học để chăm sóc nạn nhân.
WHO ước tính tai nạn giao thông đường bộ khiến hầu hết các quốc gia thiệt hại khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm. Tất cả những điều đó tước đi hạnh phúc của mọi người.
Giới chuyên gia cho rằng nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ có thể phòng ngừa được như đi quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng đồ uống có cồn, ma túy, không tập trung khi đang điều khiển phương tiện (sử dụng điện thoại), phương tiện không đạt tiêu chuẩn và không tuân thủ luật giao thông.
Trong số đó, việc sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
WHO chỉ ra rằng lái xe sau khi uống rượu, bia hay sử dụng chất kích thích thần kinh hoặc ma túy đều làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông dẫn đến tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng.
Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường Cao tốc Quốc gia (NHTSA) của Mỹ cho biết hơn 55% số người liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng hoặc gây chết người tại nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy hoặc đồ uống có cồn.
Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu cho biết 25% số người thiệt mạng do tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến rượu, bia.
Ở Nam Phi, một trong những quốc gia có tỉ lệ lái xe sử dụng đồ uống có cồn trước khi tham gia giao thông cao nhất thế giới, Hiệp hội Quản lý giao thông đường bộ (RTMC) cho biết 27% số vụ tai nạn gây chết người là do lái xe trong tình trạng say rượu.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn có liên quan đến rượu, bia. Thống kê cũng cho thấy trong số 100 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến đồ uống có cồn, thì những người từ 15-29 tuổi chiếm gần 60%.
Trước những con số đáng báo động về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn trước khi tham gia giao thông, nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp nghiêm ngặt ngăn chặn những ca tử vong do chính con người gây ra nhưng có thể phòng ngừa được này.
Tại Nam Phi, tài xế có thể nhận mức án 10 năm tù và phạt tiền, trong khi ở Mỹ và Canada, ngoài phạt tiền, tịch thu phương tiện, tước bằng lái vĩnh viễn, hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ở Thụy Điển, tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền dựa trên sự giàu có của họ. Nước này cũng áp dụng các biện pháp phòng ngừa đã cho thấy hiệu quả: sử dụng thiết bị khóa liên động đánh lửa cho các phương tiện.
Thiết bị này bao gồm cả dụng cụ đo nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế, theo đó bắt buộc lái xe phải kiểm tra nồng độ cồn thì mới có thể khởi động phương tiện. Biện pháp phòng ngừa này đã giúp tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến đồ uống có cồn tại Thụy Điển giảm xuống 3%.
Nhiều quốc gia như Bỉ, Pháp, Phần Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Jordan, Nigeria, Cuba đã áp dụng chính sách “không khoan nhượng” (zero tolerance) với tài xế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, tức là không ai dù ở bất kỳ độ tuổi nào được phép ngồi sau tay lái nếu có nồng độ cồn trong máu.
Việt Nam cũng đang áp dụng chính sách này trong kiểm tra, xử phạt những người đã uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe. Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ năm 2020 quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, các nước cũng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp can thiệp hiệu quả khác nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường bộ như nâng cấp đường sá, cải thiện các tính năng an toàn của phương tiện và bảo đảm khi xảy ra va chạm, nạn nhân được tiếp cận y tế kịp thời.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông, tuân thủ và thực thi pháp luật để đảm bảo an toàn cho chính mình và người xung quanh.
Để làm được điều đó, WHO cho rằng các nước phải giải quyết vấn đề an toàn giao thông đường bộ một cách toàn diện, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của nhiều ngành và lĩnh vực như giao thông, cảnh sát, y tế, giáo dục.
2023 là năm thứ ba thực hiện Kế hoạch Toàn cầu cho Thập kỷ Hành động vì an toàn Đường bộ của LHQ với mục tiêu giảm ít nhất 50% số ca tử vong và thương tích do va chạm giao thông đến năm 2030.
Năm nay, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này cũng đã phát động Chiến dịch toàn cầu về an toàn Đường bộ đến với 1.000 thành phố ở hơn 80 quốc gia.
Quỹ An toàn đường bộ LHQ cũng đang tài trợ cho các hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi chiếm tới 90% số ca thương vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu, tập trung kêu gọi nghiêm túc chấp hành luật giao thông.
Trong thông điệp nhân ngày Thế giới Tưởng niệm nạn nhân Giao thông Đường bộ, tổ chức vào Chủ nhật thứ ba của tháng 11 hằng năm, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi: “Chúng ta hãy chung tay để làm cho những con đường trở nên an toàn hơn cho mọi người, ở mọi nơi”, bởi an toàn giao thông là hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Theo TTXVN/Vietnam+