Hỏi: Tôi thường có cảm giác chướng bụng, đau bụng vùng hông trái, thỉnh thoảng tiêu chảy ngày 2-3 lần. Nội soi dạ dày chỉ bị viêm nhẹ, siêu âm gan, bụng bình thường, xét nghiệm máu về gan, dạ dày tốt. Bác sĩ chẩn đoán bị chứng kích thích đường ruột, cho thuốc uống, đỡ được thời gian. Hiện sức khỏe vẫn ổn, tôi có cần khám thêm gì để chẩn đoán, điều trị dứt bệnh.
LÊ THANH TÙNG (phường 6, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) hay viêm đại tràng kích thích (vì chủ yếu là triệu chứng của đại tràng - ruột già) là một chẩn đoán dành cho các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, nhưng không có bệnh lý thực thể nào. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể rất khác nhau ở mỗi người và thường giống với một số bệnh đường tiêu hóa khác. Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất, hay bị đau ở vùng hạ vị hoặc hông trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc bụng trên, đau có thể chạy dọc theo khung đại tràng.
Kiểu đau bụng là đau quặn, đau di chuyển. Đôi khi chỉ có cảm giác khó chịu, nặng tức, ấm ách, đầy hơi, trướng bụng tập trung chủ yếu ở vùng dưới rốn. Đau bụng không có chu kỳ rõ rệt hoặc cũng không thường xuyên; một số người bị đau bụng sau khi ăn sáng, bắt phải đi đại tiện. Một đặc điểm nổi bật là sau khi đi đại tiện xong, cảm giác khó chịu, đau quặn bụng sẽ hết ngay.
Ngoài triệu chứng đau quặn bụng, có thể bị tiêu chảy, phân lỏng như nước hoặc phân sền sệt, có thể lẫn với chất nhầy, nhưng không bao giờ có máu. Một số trường hợp đi đại tiện vài lần trong ngày, mỗi lần đi đại tiện không hết phân và vừa đi đại tiện xong lại buồn đi tiếp. Tuy vậy, có một số lại bị táo bón thường xuyên có khi một tuần mới đi đại tiện một lần, phân rắn, phải rặn mới đi đại tiện được, thậm chí phải thụt tháo. Trong khi đó có một số trường hợp thỉnh thoảng lại bị tiêu chảy từng lúc xen kẽ với táo bón.
Không biết chính xác nguyên nhân gây ra HCRKT. Điều trị chủ yếu nhằm giảm nhẹ các triệu chứng. Trong hầu hết trường hợp, có thể kiểm soát các dấu hiệu nhẹ và triệu chứng của HCRKT thành công bằng cách học quản lý căng thẳng và làm những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống. Cần tránh dùng các thức ăn chua, cay hoặc không dùng các loại có tính kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Nên vận động cơ thể hàng ngày: tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, bơi lội tùy theo sức và điều kiện cá nhân. Không nên kiêng khem quá mức sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Điều trị có thể không làm dứt hẳn bệnh nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống. Không nên quá lo lắng vì bệnh không gây nguy hiểm.
BS ĐOÀN VĂN HẢI