Thứ Bảy, 23/11/2024 22:38 CH
Máy kéo gắn rơ moóc tự chế:
Phạm luật, vẫn “vô tư” lưu hành
Thứ Hai, 29/10/2012 09:00 SA

Hiện ở Phú Yên một số người dân vẫn còn sử dụng máy cày tay, máy kéo chuyên dùng nông, lâm nghiệp gắn rơ moóc tự chế vận chuyển nông sản, hàng hóa trên những tuyến đường không được phép lưu hành. Không những vi phạm Luật Giao thông đường bộ, các phương tiện này còn gây nguy hiểm cho người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

 

xe-keo121029.jpg

Thanh tra GTVT kiểm tra nhắc nhở một chủ máy kéo gắn rơ moóc tự chế vận chuyển sắn cho Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân - Ảnh: L.HẢO

MÁY KÉO THÀNH XE CHỞ HÀNG

 

Theo quy định, các loại máy cày tay, máy kéo chuyên dùng nông, lâm nghiệp gắn rơ moóc tự chế chỉ được hoạt động trong phạm vi trang trại, vận chuyển nông sản từ ruộng đến mặt đường để xe tải chở về nhà máy. Đến đầu năm 2013, nếu lực lượng chức năng phát hiện loại phương tiện này tham gia giao thông thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu rơ moóc, thanh lý bán phế liệu. Tuy nhiên, hiện nhiều người dân Phú Yên vẫn “vô tư” sử dụng máy cày tay, máy kéo chuyên dùng nông, lâm nghiệp gắn rơ moóc tự chế để vận chuyển sắn, mía đến các địa điểm thu mua, sản xuất. Trên đường đến các nhà máy sắn, mía, rất nhiều xe kéo gắn rơ moóc tự chế chạy thành từng đoàn, vận chuyển nông sản vào nhà máy.

 

Ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), một người sử dụng máy kéo có gắn rơ moóc tự chế để chở sắn đến Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân cho biết: Nếu mua mới một chiếc máy cày trung có gắn rơ moóc tự chế cũng phải mất khoảng 120 triệu đồng; mỗi xe có thể chở được 3 tấn nông sản các loại. Phương tiện này thích hợp với đường giao thông nông thôn và rất tiện dụng, khi không chở sắn thì cày ruộng, kéo máy tuốt lúa… nên rất nhiều người dân ở các huyện miền núi sử dụng. “Mới rồi, tôi được biết Nhà nước cấm không cho dùng máy kéo gắn rơ moóc tự chế chở sắn, mía trên đường vì không an toàn. Tôi không có bằng lái nhưng vẫn điều khiển máy này bao nhiêu năm nay, có xảy ra chuyện gì đâu”, ông Thắng “vô tư” nói.

 

Ngày 27/10, trên trục giao thông phía tây Phú Yên đoạn qua xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), Thanh tra GTVT cũng phát hiện ông Nguyễn Khắc Trung trú ở xã Xuân Phước điều khiển máy kéo có gắn rơ moóc tự chế vận chuyển sắn mì. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, ông Trung cho biết đã mua lại máy này từ một người bà con để chở nông sản thuê; bản thân không có giấy tờ, bằng lái xe. “Mỗi chuyến, trừ chi phí, tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng. Lâu nay, tôi đi làm ăn xa, không biết việc Nhà nước cấm xe này lưu hành trên đường. Lỡ mua máy rồi nên từ nay, tôi chỉ sử dụng để cày, bừa, chở lúa trong ruộng thôi”, ông Trung nói.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, Đội trưởng đội 3 Thanh tra GTVT, việc người dân sử dụng máy cày tay, máy kéo chuyên dùng nông lâm nghiệp có gắn rơ moóc tự chế tham gia giao thông, vận chuyển nông sản trên đường không những vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này, làm chết 1 người, bị thương 21 người.

 

CẦN CÁC NHÀ MÁY PHỐI HỢP

 

Ông Hoàng Thanh Xuân, Chánh thanh tra GTVT tỉnh cho biết: Đơn vị đã làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV Sông Hinh, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân về việc máy cày tay, máy kéo chuyên dùng nông, lâm nghiệp gắn rơ moóc tự chế vận chuyển mía, sắn cho các nhà máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Hiện số lượng các loại máy này vận chuyển nông sản đến nơi thu mua, sản xuất có khoảng 145 chiếc; trong đó, nhiều nhất là huyện Tây Hòa (75 chiếc), huyện Sông Hinh (50 chiếc). Để giải quyết tình trạng người dân sử dụng máy kéo, máy kéo chuyên dùng nông, lâm nghiệp gắn rơ moóc tự chế, người lái không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định của pháp luật để vận chuyển nông sản, hàng hóa, Thanh tra GTVT yêu cầu các công ty, nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là Công văn 2285/UBND-NC của UBND tỉnh về việc không sử dụng máy kéo, máy kéo chuyên dùng nông, lâm nghiệp gắn rơ moóc tự chế để vận chuyển nông sản, vật liệu, hàng hóa tham gia giao thông đường bộ. Công ty cũng sẽ không ký hợp đồng thu mua sắn nguyên liệu đối với các hộ dân sử dụng các loại máy này vận chuyển nông sản về nhà máy. Từ nay đến cuối năm, người dân cần tự giác chấp hành các quy định nói trên; nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Theo biên bản làm việc giữa Thanh tra GTVT và Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV Sông Hinh, thì đơn vị này sẽ nghiêm túc tuyên truyền cho nông dân thực hiện Luật Giao thông đường bộ và công văn của UBND tỉnh.

 

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cam kết không thu mua sắn nguyên liệu nếu người dân chở đến nhà máy bằng máy cày tay, máy kéo chuyên dùng nông, lâm nghiệp gắn rơ moóc tự chế. Riêng đại diện Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa còn hứa hỗ trợ cho nông dân trong vùng nguyên liệu của công ty mượn vốn để chuyển đổi phương tiện, mua xe vận chuyển mía thay thế máy kéo gắn rơ moóc tự chế.

 

VIỆT AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek