Bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm ANTT, cần tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, trong đó cần đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc bằng một đạo luật để điều chỉnh tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách... cho lực lượng này.
Cần thiết xây dựng luật
Bộ Công an vừa tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với hơn 6.100 đại biểu ở 63 tỉnh, thành tham dự. Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, thực tiễn bảo vệ ANTT đã khẳng định, những vấn đề phức tạp về ANTT đều xuất phát từ địa bàn cơ sở. Ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành xung đột xã hội, tác động xấu đến tình hình ANTT, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một vùng, liên vùng và toàn quốc. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính một bộ phận người dân tại địa bàn cơ sở trước những tác động trái chiều, sự lôi kéo, hướng lái, kích động của các đối tượng xấu, thế lực thù địch và các loại tội phạm.... Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập, đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc ANTT tại địa bàn đặc biệt quan trọng này là rất cần thiết.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến và phân tích cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn để làm rõ sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nói: Những năm qua, lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở đã phát huy được vai trò đặc biệt quan trọng. Lực lượng này tham mưu trực tiếp cho cấp ủy, chính quyền cơ sở, là chỗ dựa vững chắc cho người dân trong đảm bảo ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ bảo đảm ANTT ngày càng nặng nề hơn. Vì vậy, phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách và tiếp tục duy trì, xây dựng, củng cố các lực lượng, mô hình, phong trào quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở, góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân, giữ vững ANTT ở địa bàn. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách; phát huy sức mạnh các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và các lực lượng khác ở cơ sở. Từ đó phân tích các thành tố cấu thành và phương hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động của lực lượng này.
Trình bày tham luận tại hội thảo, GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương cho hay, từ góc độ pháp lý và thực tiễn cho thấy rất cần thiết phải ban hành đạo luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở. Trong thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần được phát hiện và giải quyết như mối quan hệ giữa công an chuyên trách, chuyên nghiệp với công an bán chuyên trách. Việc thể chế hóa thành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn cần thiết bởi nó góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện quy chế, pháp lệnh dân chủ cơ sở hướng vào phục vụ đời sống của người dân; đồng thời góp phần xây dựng công an nhân dân từ cơ sở đến toàn quốc tiến lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Việc xây dựng dự án luật, tiến tới ban hành và thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở là cấp thiết, cấp bách nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm tư tưởng của Đảng nhằm phục vụ và bảo vệ dân, thấm nhuần quan điểm quần chúng, quan điểm nhân dân của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình hiện nay.
Không “phình” tổ chức
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã tồn tại mấy chục năm nay. Lực lượng này đã phát huy rất tốt vai trò hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, hóa giải các mâu thuẫn, phòng ngừa tội phạm. Chính vì vậy, đến lúc cần phải chuẩn hóa lại bằng luật, nhận diện rõ lại các lực lượng không chuyên trách hỗ trợ lực lượng chuyên trách đúng bằng tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và có chính sách hỗ trợ, đồng thời tích hợp với các dự án luật khác thành một thể thống nhất, xuyên suốt…
Đại tá Đỗ Khắc Hưởng nhấn mạnh: Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức sẽ không tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng hiện có, không tăng chi ngân sách, tinh gọn đầu mối. Việc này bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Còn theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, việc luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở không hình thành tổ chức mới, không “phình” tổ chức, không tăng biên chế, không đè nặng, phát sinh ngân sách trung ương và địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Thái Nguyên cho biết đã từng được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên cương vị là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và nhiều lần phát biểu về sự cần thiết phải xây dựng dự án luật này.
Nếu ANTT không đảm bảo thì địa phương sẽ không phát triển, băn khoăn lớn nhất của đồng chí Nguyễn Thanh Hải là về chế độ chính sách của lực lượng này, đồng thời nêu quan điểm và đề nghị cho địa phương quyền chủ động cân đối, bố trí thêm ngân sách cho lực lượng này. “Sự ra đời của luật này là vì sự đảm bảo an ninh của các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư về mặt ngân sách là tương xứng; hiệu quả về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thì còn hơn thế”, đồng chí Nguyễn Thanh Hải nói.
Trước đó, Công an Phú Yên cũng đã tổ chức hội thảo Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Tại hội thảo này, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm, cốt lõi trong dự án luật để làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý; phân tích, chứng minh sự cần thiết phải xây dựng luật... Qua đó củng cố vững chắc hơn các cơ sở lý luận, thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện dự án luật này, làm cơ sở trình Quốc hội thông qua, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn nước ta. |
NGỌC QUỲNH