Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh đến nay, toàn lực lượng Công an Phú Yên căng sức triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) không kể ngày đêm đã và đang xông pha nơi tuyến đầu.
Trút bỏ bộ trang phục phòng hộ nóng bức, trung úy Huỳnh Đức Lập, cán bộ Phòng Hậu cần Công an tỉnh uể oải đặt mình xuống chiếc giường trong khu ăn ở tập trung dành cho lực lượng phòng, chống dịch. Những giờ phút nghỉ ngơi như thế này trở nên thật hiếm hoi và quý giá đối với đội ngũ ở tuyến đầu phòng, chống dịch như trung úy Huỳnh Đức Lập và đồng đội.
Đối mặt với hiểm nguy
Trung úy Huỳnh Đức Lập cho biết những ngày qua, số ca F0 trong cộng đồng nhiều nên hết sức vất vả để truy vết thần tốc các ca F1, F2. Làm nhiệm vụ lái xe chở các F1 từ nhà đến các địa điểm cách ly y tế tập trung; chở F0 vào bệnh viện điều trị, trung úy Huỳnh Đức Lập cầm vô lăng từ sáng sớm đến tận 22 giờ đêm. Hơn 1 tháng qua, anh cùng 2 cán bộ lái xe khác được Công an tỉnh tăng cường cho Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Nhiệm vụ tuy vất vả, có những lúc rã người nhưng tính chất công việc hết sức khẩn trương, có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống dịch nên bất kể thời gian, hễ khi nào có yêu cầu là anh cùng đồng đội lập tức lên đường, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Còn đại úy Trần Xuân Hưng, cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh được tăng cường làm nhiệm vụ truy vết tại phường 2, TP Tuy Hòa từ hơn nửa tháng nay, cũng luôn phải đối mặt với nguy hiểm vì thường xuyên tiếp xúc với các ca F0. Anh cho biết, việc truy vết có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp ngăn chặn quá trình lây lan của dịch bệnh, hạn chế sự phát tán virus ra cộng đồng. Do vậy, mỗi khi xuất hiện F0 mới, anh cùng 2 cán bộ y tế trong tổ truy vết của phường luôn trong trạng thái liên tục di chuyển. “Có lúc nửa đêm, ban chỉ đạo thông báo có ca F0 trên địa bàn, tổ công tác tức tốc mặc trang phục phòng hộ lên đường làm nhiệm vụ. Chúng tôi có nhiệm vụ gặp gỡ F0 để điều tra, nắm thông tin về lịch trình di chuyển, những nơi đã đến, những người đã tiếp xúc trong vòng 21 ngày; sau đó tiếp tục tìm số điện thoại, liên lạc, đến gặp các F1 để tìm các F2 và nhanh chóng báo cáo về ban chỉ đạo của phường để xử lý”, đại úy Trần Xuân Hưng chia sẻ.
Công việc truy vết luôn thực hiện theo phương châm “thần tốc, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đòi hỏi sự nhanh chóng, nỗ lực, tỉ mỉ để điều tra rõ căn nguyên, rà soát rộng và truy tận nguồn gốc mới có thể phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Đối với các ca F0 được phát hiện trong cộng đồng, việc truy vết càng vất vả, khó khăn hơn bởi yêu cầu truy vết phải được tiến hành ngay lập tức. “Chúng tôi phải sử dụng nhiều nguồn thông tin, từ truy xuất camera, khai thác các mối quan hệ gia đình, người thân, người quen, kêu gọi tự giác khai báo hoặc phát động tố giác các đối tượng trốn khai báo nhằm đảm bảo không bỏ sót các yếu tố dịch tễ, góp phần giúp ban chỉ đạo đánh giá đúng, phân loại phù hợp các nhóm đối tượng và yếu tố liên quan. Từ đó giúp các hoạt động phong tỏa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm… giảm áp lực và tiến hành hiệu quả, nhanh chóng”, đại úy Trần Xuân Hưng cho hay.
Phơi nắng, dầm sương
Nằm trong số CBCS tăng cường về cơ sở đợt 3 từ ngày 24/7 đến nay, đại úy Đỗ Như Đương, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh được giao nhiệm vụ là Tổ trưởng Tổ chốt chặn khu cách ly thôn Hội Sơn, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An. Những ngày qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp tại xã An Hòa Hải với 36 F0 đã được phát hiện tính đến ngày 2/8. Trong đó, thôn Hội Sơn có 19 F0, nên địa phương quyết định phong tỏa số lượng lớn hộ dân trong thôn để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Hơn 10 ngày qua, đại úy Đương cùng 5 đồng chí trong tổ liên tục bám chốt, không cho người dân ra vào khu vực cách ly để phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự tại chốt. Ngoài việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tổ công tác cũng đã xử lý nghiêm các trường hợp tự ý rời khỏi khu vực phong tỏa.
Đại úy Đỗ Như Đương chia sẻ: “Điểm chốt nằm ngay nghĩa trang thôn Hội Sơn nên việc ăn ở, vệ sinh của các thành viên gặp không ít khó khăn. Đêm tối, anh em luân phiên canh gác, tranh thủ chợp mắt nhưng thỉnh thoảng, những chiếc xe tang ra vào nghĩa trang trong đêm muộn càng làm không khí thêm phần ngột ngạt, nhiều người không ngủ được, sưng cả mắt”.
Tối 20/7, đối tượng Nguyễn Tấn Thạch (SN 1992, trú thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) không đeo khẩu trang, tự ý chở người ra khỏi khu vực phong tỏa. Khi bị tổ kiểm soát nhắc nhở, Thạch lớn tiếng đe dọa, chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ. Khoảng 5 phút sau, Thạch điều khiển xe quay lại chốt, tiếp tục lớn tiếng chửi bới và cầm dao tự chế đe dọa tổ trực chốt. Đối tượng ngay sau đó đã bị lực lượng công an bắt giữ.
Vụ việc trên phần nào cho thấy những hiểm nguy của lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Mỗi người một nhiệm vụ với những nguy hiểm, khó khăn, vất vả riêng, song CBCS công an được tăng cường luôn đặt quyết tâm cao nhất là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dù hằng ngày phải phơi nắng, dầm sương nhưng được chính quyền, người dân động viên tin tưởng, các anh như được tiếp thêm động lực để tiếp tục nhiệm vụ đầy gian nan. Ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa nhìn nhận: “Nỗi vất vả của anh em CBCS công an và các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch không thể kể hết. Bất kể thời tiết khắc nghiệt, ngày nắng nóng, đêm mưa giông nhưng họ vẫn kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ phòng chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự tại các chốt”.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Hải, Đội trưởng Phòng An ninh điều tra, được tăng cường làm Tổ trưởng Tổ bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực cách ly điểm Trường THCS Lương Thế Vinh (phường 7, TP Tuy Hòa). Đến nay, khu vực cách ly tại trường này đã tiếp nhận cách ly y tế hơn 70 trường hợp; cá biệt có người phải cách ly gần 30 ngày. Thông thường, những người phải cách ly lâu ngày tâm lý bức bối, không thoải mái, dễ xảy ra va chạm, cãi nhau vì những lý do nhỏ nhặt. Tuy nhiên, do thường xuyên được tuyên truyền, vận động nên mọi người ý thức, tinh thần tự giác rất cao. Mỗi ngày, bà con tự động làm vệ sinh, thu dọn phòng ốc, đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp, tưới cây trong khuôn viên trường. Khi hết thời hạn cách ly, họ tự giác thu dọn giường chiếu, đồ dùng, mang đến khu vực tập kết. Tinh thần tự giác và đoàn kết đó khiến những người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu cảm thấy được cảm thông, chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Hải bày tỏ: “Ban đêm, có lần tôi đang trực thì được một người dân mang bánh mì đến tặng, còn nói thấy chúng tôi vất vả ngày đêm rất thương. Những món quà bình dị đó chính là tình cảm, sự động viên, tin tưởng, đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Và vui nhất là có ngày, hơn 10 người hết thời hạn cách ly, trở về với gia đình”.
Từ ngày 29/6 đến nay, Công an tỉnh đã tăng cường 108 CBCS cho công an các địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp. Thống kê từ ngày 24/6-2/8, Công an Phú Yên cũng đã huy động hơn 600 CBCS thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại 421 điểm cách ly, điều trị tập trung, bệnh viện dã chiến, chốt phong tỏa, chốt kiểm soát giao thông, y tế. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã huy động hàng chục ngàn lượt CBCS tổ chức hơn 6.000 ca tuần tra kiểm soát, qua đó phát hiện, xử lý 779 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch. |
HOA SIÊM