Trong mục tiêu “tiếp sức” để ngư dân vững tin, bám biển làm ăn và sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bảo vệ an ninh và chủ quyền vùng biển, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng An Hải không ngừng đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, nâng cao nhận thức về biển đảo cho ngư dân trên địa bàn quản lý…
Chính trị viên phó Đồn Biên phòng An Hải Nguyễn Thanh Phương (đứng) nói chuyện về biển, đảo với ngư dân Mỹ Quang Bắc - Ảnh: P.OANH
GIÚP DÂN HIỂU PHÁP LUẬT
Chứng kiến một buổi họp dân tuyên truyền về biển đảo do Đồn Biên phòng An Hải cùng với Ban nhân dân thôn Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn, Tuy An) tổ chức mới đây, chúng tôi không khỏi bất ngờ và xúc động. Trong hội trường nhỏ, chật chội, hơn 50 người gồm các cụ cao tuổi, hội viên phụ nữ và bà con ngư dân đã chăm chú theo dõi trên bản đồ Tổ quốc, lắng nghe từng câu, từng lời, các thông tin về biển đảo do đại úy Nguyễn Thanh Phương, Chính trị viên phó của đồn truyền đạt.
Những lời giới thiệu, chú giải với hình ảnh cụ thể, sinh động; những phân tích tình hình đã giúp người nghe hiểu một cách rõ ràng, tường tận các vấn đề lãnh thổ, vùng biển đảo thuộc chủ quyền của đất nước; vị trí địa lý của các quốc gia, lãnh thổ và những vùng biển đảo lân cận; về tình hình biển Đông và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông Đặng Lối, một trong những lão ngư kỳ cựu của làng biển Mỹ Quang Bắc không giấu được niềm phấn chấn. Ông bảo rằng, bấy lâu nay, nghe tin tức, biết chuyện tàu thuyền nước này, nước khác lấn vào vùng biển nước mình rất lo lắng và sốt ruột. Nay được nghe BĐBP tuyên truyền, giải thích về chủ trương của Đảng và Nhà nước, ông đã rõ chuyện đấu tranh bằng con đường ngoại giao để giữ vững hòa bình. Ông còn biết bây giờ, Nhà nước rất quan tâm đến việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, nhiều nơi bà con ngư dân vẫn đoàn kết, kiên cường làm ăn, giữ biển. Vì thế, ông càng yên tâm về con đường làm ăn của lớp trẻ sau này. “Hơn 40 năm mưu sinh trên biển, bây giờ giao lại nghề cho con để nghỉ ngơi, nhưng biển đã ăn sâu vào máu thịt, là lẽ sống không thể tách khỏi cuộc đời tôi. Vậy nên, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển không chỉ là chuyện của Đảng, Nhà nước mà cũng là của mỗi ngư dân chúng tôi”, ông Lối nói.
QUÂN VỚI DÂN MỘT Ý CHÍ
Có một thời nổi tiếng là “sát thủ” đánh cá bằng thuốc nổ, anh Nguyễn Dũng ở Mỹ Quang Bắc hiện là một ngư dân làm ăn chân chính và khá giả. Nhắc chuyện cũ, anh thẹn thùng kể: Ngày đó, mỗi lần có mấy anh biên phòng đến thăm, bọn trẻ trong nhà đều vui mừng, riêng tôi cứ nơm nớp lo “lỡ chẳng may những túi thuốc nổ giấu trong góc nhà bị lộ”. Không chỉ vậy, mỗi ngày ra biển, anh Dũng đều lo sợ. Đi biển về, cá đầy thúng mà vẫn không vui. Việc đi bán cá cũng phải lén lút khổ sở.
Được thiếu tá Nguyễn Văn Sinh ở Đồn Biên phòng An Hải nhiều lần thuyết phục, anh Dũng từ bỏ việc đánh bắt hải sản trái phép. Sau đó, địa phương và đồn lại đứng ra bảo lãnh cho anh vay vốn để mua lưới mành đánh cá. Hơn 5 năm làm nghề lưới, trừ chi phí hàng ngày, anh dành dụm, tích góp sửa lại căn nhà cấp 4 khang trang hơn. “Bây giờ cứ tối xuống giong thúng ra biển, thả lưới, mờ sáng quay về bờ, gỡ cá đem bán, tiền tuy không nhiều nhưng trong tâm thấy thanh thản. Cá đánh về, cứ đem thẳng ra chợ, ngẩng đầu lên mà bán, không phải giấu giếm như trước”, anh Dũng bộc bạch.
Phó chủ tịch UBND xã An Chấn Võ Hoàng Bá cho biết, thôn Mỹ Quang Bắc nằm áp biển, vùng bờ trải dài hơn 1km. Thôn có 660 hộ dân thì có gần 200 hộ làm nghề khai thác thủy sản. Hơn 10 năm trước, địa bàn có không ít hộ chuyên đánh bắt cá bằng thuốc nổ. Với quyết tâm lập lại an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, Đồn An Hải và các ngành chức năng xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh truy quét các đối tượng đánh cá bằng thuốc nổ. “Sau một thời gian nỗ lực siết chặt hoạt động của các đối tượng, chúng tôi nhận ra, việc truy quét chỉ là giải pháp trước mắt, cốt lõi của vấn đề phải là xây dựng ý thức tự giác của người dân và một “lối ra” cho họ khi đã bỏ nghề”, ông Bá nói.
Ông Bá nhớ lại, lúc đó anh em Đồn Biên phòng An Hải xung phong đảm nhận vai trò “chủ công” trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Hàng ngày, các tổ công tác của đồn tỏa xuống địa bàn, nắm bắt tình hình, nói chuyện với dân. Biết gia đình nào sử dụng thuốc nổ đánh cá, các anh đến nhà đó nhiều hơn. Không phải là “răn đe” mà là thăm hỏi sức khỏe, giúp đỡ nhiều việc từ nhỏ đến lớn. Dần dần, chủ nhà và khách thân tình với nhau, thì mới bắt đầu khuyên giải, vận động.
Một thời gian thâm nhập, tìm hiểu, các anh biết khá nhiều người “bám” theo nghề đánh cá bằng thuốc nổ chỉ vì họ không có vốn để đổi nghề. Vậy là chỉ huy đồn đề đạt với chính quyền địa phương, rồi cùng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đào tạo nghề. Từ năm 2009, khá nhiều hộ đã dần chuyển nghề từ chuyên đánh bắt cá bằng thuốc nổ sang đánh lưới và làm ăn khá hiệu quả. Từ đó đến giờ, nạn khai thác thủy sản bằng chất nổ của người dân Mỹ Quang Bắc gần như được loại bỏ.
Mới đây, khi phát hiện địa bàn có dấu hiệu quay trở lại của “nạn” đánh thuốc nổ, bà con ngư dân đã kịp thời thông báo cho anh em BĐBP và chính quyền xã. Đã có nhiều ý kiến của bà con đề đạt nguyện vọng được tham gia, hỗ trợ cho lực lượng chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, truy quét tội phạm gây hủy diệt môi trường biển này. “Vậy mới biết, khi tư tưởng đã thông, đã thấu hiểu luật thì chính bà con là “tai, mắt” cho BĐBP và lực lượng chức năng trong cuộc đấu tranh giữ bình yên trên biển”, ông Võ Hoàng Bá khẳng định.
PHƯƠNG OANH