Thực hiện các mục tiêu của dự án “Xây dựng các mô hình thân thiện môi trường, giúp dân phát triển kinh tế, xã hội vùng ven biển tỉnh Phú Yên”, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên đã chọn thôn Xuân Hòa (xã An Hải, huyện Tuy An) thí điểm triển khai mô hình thân thiện với môi trường, nổi bật là mô hình thu gom rác thải.
Mô hình thu gom rác thải được triển khai ở thôn Xuân Hòa (xã An Hải, huyện Tuy An) đã phát huy hiệu quả thiết thực - Ảnh: P. OANH
DIỆN MẠO MỚI
Sau hai năm triển khai dự án này, thôn Xuân Hòa đã có một diện mạo mới. Ngày trước bãi biển nơi này ngập tràn các túi ni lông chứa rác. Rác chất thành từng đống lớn, nhỏ; rác dập dềnh lên xuống theo con nước, đến khi nước rút lại trơ lên ngay bãi cát hay tấp thành dãy dài sau nhà dân. Ai đi ngang qua cũng phải rùng mình bởi hít phải mùi hôi hám của rác, chất thải, xác động vật phân hủy.
Giờ đây, đường thôn, ngõ xóm được quét dọn thoáng đãng. Rác đã được thu gom tập trung tại các thùng chứa được đặt cách nhau một đến hai trăm mét hoặc tại các chốt ngã ba con đường lớn đi lại trong thôn. Điều dễ cảm nhận là đã có một sự thay đổi trong cung cách, trong mỗi hành động của người dân về công tác vệ sinh, cả từ trong nhà đến nơi công cộng.
Lom khom nhặt những vỏ hộp sữa bị gió thổi tung ra đường để bỏ vào thùng chứa, cụ Võ Thị Mùng cho biết: “Ngày trước, rác sinh hoạt, chất thải, thậm chí phân, xác động vật đều tấp xuống đầm. Thủy triều lên, nước biển vào kéo rác ra, thủy triều xuống, nước biển rút, rác lại trơ lên. Mùa mưa, lũ lụt về là vô số rác nổi lên theo nước tràn vào nhà. Khi BĐBP đưa những thùng, xe chứa rác về đây, tổ chức lại công tác vệ sinh, nhắc nhở mọi người làm theo quy ước bảo vệ môi trường thì rác đã được gom lại, bỏ gọn vào thùng chứa. Không ai dám đem rác vứt xuống đầm, mà nếu ai đó lén lút vứt rác bừa bãi thì cũng xấu hổ, ngại lắm”.
Men theo bãi cát ven biển, chúng tôi đi về phía cuối thôn, đây cũng là nơi họp chợ. Thượng úy Lê Đức Thuận, cán bộ công tác địa bàn của Đồn Biên phòng An Hải nói: “Chỉ một cụm chợ như thế này, nhưng trong một buổi sáng đã có vài tạ rác. Trước đây, cứ tan buổi chợ là rác ở hàng rau, hàng thịt, hàng cá… được đẩy hết xuống đầm. Còn 230 hộ dân trong thôn, mỗi gia đình một ngày 2-3kg rác, chất thải đổ xuống. Ước tính khu vực đầm này mỗi năm phải hứng chịu trên 1,5 tấn rác như thế. Nhưng giờ thì yên tâm rồi, chút nữa xe công nông đến gom hết chỗ rác này rồi đưa lên bãi tiêu hủy để đốt”.
CẦN NHÂN RỘNG
Theo đại tá Nguyễn Văn Thắm, Chính ủy BĐBP Phú Yên, “Xây dựng các mô hình thân thiện môi trường, giúp dân phát triển kinh tế, xã hội vùng ven biển tỉnh Phú Yên” là dự án đa mục tiêu. Trong đó, BĐBP tập trung thực hiện 5 nội dung trọng tâm như: Tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng về môi trường và phát triển bền vững; xây dựng quy ước bảo vệ môi trường, mô hình điểm về thu gom rác thải, mô hình hố xí hợp vệ sinh kết hợp công nghệ bioga. Thôn Xuân Hòa được chọn là địa bàn điểm để triển khai mô hình thu gom rác thải và xây dựng quy ước bảo vệ môi trường. Đây là “hình mẫu” để tiếp tục triển khai đến các địa phương khác.
Thiếu tá Phạm Ngọc Định, người theo dõi việc thực hiện dự án, cho hay: Lực lượng BĐBP đã liên tục tổ chức nhiều buổi tập huấn để phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường nhằm giúp người dân hiểu biết, nắm bắt và nhận thấy trách nhiệm của mình đối với việc tham gia bảo vệ môi trường. Trong quá trình triển khai mô hình điểm, ban thực hiện dự án đã nỗ lực, từng bước tháo gỡ những vướng mắc với nhiều phần việc như: quy hoạch bãi tập kết rác, làm đường đi cho xe gom rác đến điểm tập kết, họp dân bàn bạc về việc lập tổ thu gom rác, lệ phí để duy trì hoạt động… Trưởng thôn Xuân Hòa Trần Ngọc Vân bày tỏ: “Ban đầu chúng tôi không thể tin mô hình có thể duy trì được, vậy mà đến nay đã hoạt động hơn 6 tháng. Nhân dân trong thôn tâm đắc và đồng thuận rất cao với mô hình này”.
Theo chị Nguyễn Thị Ái Nhân, nhân viên Trạm Y tế xã An Hải, cũng như các thôn khác trong xã nghèo An Hải, ở Xuân Hòa, chuyện vận động dân góp tiền là hết sức khó khăn. Để có tiền chi trả trong việc duy trì mô hình thu gom rác, mỗi tháng một khẩu phải đóng 4.000 đồng, tức một hộ 4-5 người phải đóng là 16.000- 20.000 đồng (cao gấp 4 lần trong thành phố). “Tháng đầu, khi anh em trong đội thực hiện mô hình đi thu tiền đã gặp phải sự phản ứng của nhiều người. Tuy vậy, sau một thời gian thấy đường sá, bãi biển sạch sẽ, ruồi nhặng giảm hẳn, bà con vui mừng ra mặt. Bây giờ, nhiều gia đình còn tự nguyện góp thêm tiền để sửa chữa vật dụng, xe đẩy, thùng chứa rác và động viên những người trực tiếp thu gom”, chị Nguyễn Thị Ái Nhân cho hay.
“Để môi trường ở Xuân Hòa cải thiện được như hôm nay, cán bộ chiến sĩ BĐBP đã trực tiếp xuống địa bàn phối hợp cùng ban nhân dân thôn vận động, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân và theo dõi, duy trì việc thực hiện. Nhờ vậy, quy trình thu gom rác thải đã dần đi vào nề nếp. Bây giờ chuyện vệ sinh môi trường không còn là nỗi bức xúc của Xuân Hòa nữa”, Chủ tịch UBND xã An Hải Trần Ngọc Hân khẳng định.
PHƯƠNG OANH