Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương 12 (mở rộng) ra Nghị quyết về vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, nghị quyết chỉ rõ: “Phương châm xây dựng quân đội của chúng ta là tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa”.
Quân đội chính quy, ngày càng hiện đại
Đến năm 1960, quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn nhiều thiếu thốn đã trở thành quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân. Đây là bước phát triển rất quan trọng, tạo nền móng cho xây dựng quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.
Ở miền Bắc, quân đội đã tích cực tham gia công tác tiếp quản các thành phố, thị xã và các vùng do quân Pháp chiếm đóng trước đây. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân quản, phối hợp với các lực lượng công an nhanh chóng thiết lập trật tự, trị an, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân, đấu tranh chống địch bắt người, cướp của, phá hoại tài sản công cộng.
Ở miền Nam, trong những năm 1954-1960, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (1/1959) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 đã mở đường cho cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi.
Chấp hành nghị quyết của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng quân đội. Việc chuẩn bị cho bộ đội ta vào Nam chiến đấu cũng được xúc tiến. Theo đó, Sư đoàn 338 bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã được tập trung huấn luyện trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc dãy Trường Sơn bảo đảm cho lực lượng ta vào Nam chiến đấu và vận chuyển lương thực, súng đạn từ miền Bắc vào miền Nam. Tiếp đó, Đoàn 759 cũng được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển.
Để đẩy mạnh cao trào cách mạng của quần chúng, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các LLVT nhân dân ở miền Nam. Đây là bộ phận của QĐND Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam.
Giải phóng Quảng Trị. Ảnh: TƯ LIỆU |
“Tìm Mỹ mà đánh”, “tìm ngụy mà diệt”
Từ năm 1961, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Được cố vấn Mỹ chỉ huy và dựa vào hỏa lực Mỹ chi viện, ngụy quân Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá vùng giải phóng, gom dân lập “ấp chiến lược”. Quân và dân ta đã liên tục chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Trong đó, tiêu biểu là chiến thắng Ấp Bắc (1/1963) mở đầu cho sự thất bại của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của ngụy quân Sài Gòn; đồng thời mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” sôi nổi khắp miền Nam.
Ngày 5/8/1964, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo Hải quân nhân dân Việt Nam cố ý tiến công tàu khu trục Mỹ ở vùng biển quốc tế nhằm đánh lừa dư luận, chính quyền Mỹ sử dụng không quân bất ngờ mở cuộc tiến công mang tên “Mũi tên xuyên”, đánh phá vào hầu hết các căn cứ của hải quân ta trên suốt dải ven biển miền Bắc.
Nhờ chuẩn bị từ trước, các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã kịp thời phát hiện, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương 2 chiếc khác, bắt sống 1 phi công. Trận đầu đánh thắng không quân Mỹ đã cổ vũ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân dân cả nước.
Trên cơ sở những thắng lợi trong năm 1963 và đầu năm 1964, tháng 10/1964, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các LLVT miền Nam mở đợt hoạt động Đông Xuân 1964-1965, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy, mở rộng vùng giải phóng. Sau các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài của ta giành thắng lợi, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ hoàn toàn bị phá sản.
Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân chiến đấu của Mỹ và đồng minh cùng khối lượng lớn phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam, đồng thời củng cố và tăng cường quân ngụy. Toàn bộ mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ trong giai đoạn này là “tìm và diệt” chủ lực Quân Giải phóng và cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam, “bình định” miền Nam, uy hiếp tinh thần kháng chiến của Nhân dân miền Nam, buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện áp đặt của Mỹ.
Trước tình hình đó, từ tháng 9-12/1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tại chiến trường miền Nam 5 sư đoàn bộ binh (9, 3, 2, 5, 1) và một đơn vị pháo binh tương đương cấp sư đoàn mang phiên hiệu Đoàn pháo binh 69. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - ngụy, mở ra phong trào “tìm Mỹ mà đánh”, “tìm ngụy mà diệt”.
Mùa khô 1965-1966, đế quốc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất trên chiến trường miền Nam. Qua nửa năm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, quân và dân miền Nam đã đánh bại cuộc phản công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục nghìn tên địch. Tháng 10/1966, đế quốc Mỹ quyết định mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai nhằm tiêu diệt chủ lực và cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, LLVT tại chỗ của ta đã trụ bám trận địa, tiến công rộng khắp, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực Quân Giải phóng mở các cuộc tiến công, gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh, buộc quân Mỹ phải chấm dứt cuộc phản công chiến lược lần hai mùa khô 1966-1967.
(còn nữa)