Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển (KVBGB) của tỉnh đã được chú trọng đặc biệt.
Theo thống kê của BĐBP, toàn tỉnh hiện có 4.108 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên với khoảng 20.520 lao động trực tiếp khai thác đánh bắt hải sản trên biển. Trong đó, 2.676 chiếc có chiều dài dưới 12m hoạt động vùng ven bờ; 786 chiếc chiều dài từ 12-15m khai thác thủy sản vùng lộng; 664 chiếc chiều dài trên 15m hoạt động khai thác vùng khơi.
Phát triển kinh tế biển
Ông Lê Kim Dần ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, chủ tàu cá PY-93557TS cho biết: Để thuận lợi cho hoạt động khai thác đánh bắt hải sản ở vùng khơi, ngoài trang bị ngư cụ phục vụ nghề câu cá ngừ đại dương, tôi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Thiết bị này không chỉ cung cấp thông tin về vị trí hoạt động của tàu cá mà còn hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, được thông báo thường xuyên về tình hình thời tiết trên các vùng biển, giúp chủ động ứng phó với các tình huống trong quá trình đánh bắt hải sản…
Theo thượng tá Huỳnh Văn Đính, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, từ khi tỉnh triển khai việc lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá từ 15m trở lên, tình trạng ngư dân vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề đã giảm, giúp ngư dân và các chủ phương tiện tránh được những rủi ro trong quá trình hoạt động trên biển. Đến nay, trong 644 tàu cá hoạt động khai thác vùng khơi, đã có 642 phương tiện lắp đặt thiết bị VMS. Nghề khai thác thủy sản chủ lực của tỉnh chủ yếu là câu cá ngừ đại dương, lưới vây kết hợp ánh sáng, lưới rê…, hoạt động ở các ngư trường truyền thống như Trường Sa, vùng DK1 - thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Trong những năm qua, với mục tiêu xây dựng vùng biển và ven biển của tỉnh trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, là địa bàn kinh tế động lực, tỉnh đã ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế biển, kết cấu hạ tầng vùng ven biển, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân.
Thực hiện Quyết định 48, ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt 10 đợt/36 tàu cá đủ điều kiện khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Lũy kế đến thời điểm hiện nay có 553 tàu cá trong danh sách đủ điều kiện khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Năm 2022, theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 20 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới (theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ) với mức đầu tư 289,793 tỉ đồng và nâng cấp thiết bị khai thác 5 tàu với mức đầu tư 10,7 tỉ đồng. Theo đó, có 19 tàu đóng mới và 5 tàu nâng cấp đã đi vào hoạt động. Các tàu đóng mới, gồm 4 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ composite với 2 nghề chính là lưới vây và lưới chụp, với tổng số tiền vay hơn 281,7 tỉ đồng. Đồng thời có 32 lượt chủ tàu được vay vốn lưu động với số tiền hơn 8,5 tỉ đồng. Đến cuối tháng 9/2022, có 3 tàu đã tất toán khoản vay với dư nợ 315 triệu đồng; 21 tàu còn dư nợ với số tiền 244,12 tỉ đồng.
Cùng với hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, bà con ngư dân trong tỉnh cũng đã chú trọng hoạt động nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 2.676ha. Năm 2022, tổng số lồng bè nuôi trồng thủy sản đạt 146.242 lồng, tăng 32,5% so cùng kỳ. Trong đó, huyện Tuy An 14.130 lồng (giảm 1,2%); TX Sông Cầu 115.326 lồng (tăng 44,9%); TX Đông Hòa 16.786 lồng (tăng 1,8%).
Theo thống kê, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt 80.700 tấn, tăng 2,3% so với năm 2021. Trong đó, khai thác 63.700 tấn, bằng cùng kỳ (cá ngừ đại dương 3.200 tấn); nuôi trồng thủy sản đạt hơn 16.900 tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ, trong đó tôm hùm 1.750 tấn, tăng 16,4%. Về chế biến xuất khẩu thủy sản, sản lượng chế biến năm 2022 đạt 17.500 tấn, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hải sản các loại đạt 123 triệu USD, vượt 59,7% kế hoạch, tăng 38,7% so với cùng kỳ.
Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt
Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, KVBGB của tỉnh, trong thời gian qua, BĐBP tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế về biển đảo, nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân, nhất là ngư dân trực tiếp hoạt động trên biển tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Theo đó, công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển đảo được tăng cường. Tình hình an ninh, trật tự xã hội trên biển và ven biển ổn định, đảm bảo phục vụ có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thao, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết: Cùng với tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ địa bàn, biên giới biển, BĐBP đặc biệt chú trọng hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh KVBGB; duy trì phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Toàn tỉnh đã thành lập 5 nghiệp đoàn nghề cá, 117 tổ/đội sản xuất trên biển với 861 tàu cá và 7.530 lao động tham gia. Đồng thời thành lập 13 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 1.612 người tham gia. Riêng trong năm 2022, BĐBP tỉnh đã tổ chức 164 buổi tuyên truyền về biển đảo cho gần 5.000 lượt ngư dân và hơn 2.450 lượt học sinh THCS, THPT trên KVBGB. Đồng thời phối hợp tổ chức 27 buổi tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết cho hơn 2.550 cán bộ, quần chúng nhân dân, chức sắc, chức việc, tăng ni, phật tử trên địa bàn; vận động 4.714 lượt thuyền trưởng, chủ tàu cá ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài; 231 hộ ký cam kết chấp hành các quy định về nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, BĐBP tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Nghị định 30 và Nghị định 130 của Chính phủ cho 191 học viên là thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên trên KVBGB. Tình hình an ninh trật tự, các vấn đề phát sinh ở KVBGB được dự báo từ sớm, từ xa, các vụ việc được giải quyết đúng đắn với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, pháp luật quốc tế.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thứ tư là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên. |
LẠC HỒNG