Đảm trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tuyến biên phòng đi qua địa phận 3 phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam và xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa), cán bộ chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam luôn đồng hành, sát cánh cùng bà con ngư dân, nhất là trong hoạt động vươn khơi bám biển.
Trên toàn tuyến khu vực biên giới biển do Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam quản lý có khoảng 16.500 hộ dân, với trên 53.000 người sinh sống và 776 phương tiện đánh bắt, trong đó có 155 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên thường xuyên vươn khơi xa đánh bắt hải sản trên biển.
Phấn khởi vì sản lượng đánh bắt tăng, giá dầu hạ
Chúng tôi có mặt tại cảng cá Phú Lạc (phường Hòa Hiệp Nam) cũng là lúc hàng chục tàu cá vừa từ khơi xa trở về. Trung úy Phan Ngọc Dương, Trưởng trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông cho biết: Chuyến biển vừa qua, nhiều tàu trúng cá nục. Đơn cử, 2 chiếc PY-99669TS và PY-95282TS của 2 anh em Huỳnh Tấn Anh, Huỳnh Tấn Bình thuộc Tập đoàn 19 (Hòa Hiệp Nam) đánh bắt gần 200 tấn, bán được 5 tỉ đồng, chia cho bạn mỗi người 50 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Bảy, 38 tuổi, chủ tàu cá PY-95545TS cho hay: Kể từ đầu vụ cá nam 2022 đến nay, tàu tôi đã thực hiện 4 chuyến biển, nhìn chung là đủ tổn và có lãi. Tàu cá của tôi có chiều dài 19,6m, chuyên nghề lưới vây, rút đêm. Thủ tục nhập cảng, xuất bến luôn được Ban quản lý Cảng và Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh gọn.
Theo anh Nguyễn Bảy, bước vào đầu vụ đánh bắt cá nam, ngư dân gặp một số khó khăn do sản lượng sụt giảm, trong khi giá xăng dầu liên tục tăng. Nhiều tàu khó tìm đủ bạn để thực hiện chuyến đánh bắt. Gần đây, giá xăng dầu hạ nên bà con phấn khởi. Với mức giảm giá như vậy, mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ tiết kiệm, giảm chi phí trên dưới 15 triệu đồng/chuyến.
Ông Nguyễn Hữu Bi, Bí thư chi bộ, Khu phố trưởng khu phố Phú Thọ 3, phường Hòa Hiệp Trung, cho biết Phú Thọ 3 có 185 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có 110 phương tiện hoạt động đánh bắt xa bờ. Đầu vụ đánh bắt cá nam này, nhiều phương tiện, từ đánh bắt cá ngừ đại dương đến rút mùng (trủ), rút đêm… đều sụt giảm về sản lượng, lợi nhuận thu về không đáng kể. Tuy vậy, bà con vẫn kiên trì bám biển, vươn khơi và nhiều người đã được bù đắp. Hiện giá dầu đã hạ và những chuyến biển gần đây tàu cá nào cũng có lãi.
Nhiều tàu cá của ngư dân cập cảng Phú Lạc với sản lượng cao. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Sẵn sàng hỗ trợ ngư dân
Sáng 16/7, sau một đêm neo đậu ở khu vực cảng cá Phú Lạc, tàu cá PY-50156TS của ông Trà Trọng Chới ở khu phố Phú Thọ 1, phường Hòa Hiệp Trung bị vô nước, có dấu hiệu sắp chìm. Ông Chới gọi điện thoại đề nghị hỗ trợ; Đồn phó, đại úy Phạm Văn Huân đang trực chỉ huy phát điện báo, xin ý kiến Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Được cấp trên đồng ý, đại úy Phạm Văn Huân điều động gần 10 CBCS và sử dụng xe cá nhân tức tốc lên đường, có mặt tại hiện trường để giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân.
Đây không phải là lần đầu ngư dân cần sự giúp đỡ của BĐBP. Thiếu tá Võ Văn Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam cho biết phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng giúp Nhân dân vượt nghèo, xây dựng địa bàn bình yên, no ấm, vững mạnh”, luôn song hành cùng bước chân mỗi người lính biên phòng nói chung, CBCS Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam nói riêng. Trước đây, Hòa Hiệp Nam có hơn 300 hộ nghèo, nhiều nhất TX Đông Hòa. Ngoài một số gia đình có tàu thuyền hành nghề khai thác thủy sản, đa phần người dân đi làm thuê, nhiều em học sinh nghèo bỏ học giữa chừng để mưu sinh phụ giúp cha mẹ. Được sự tuyên truyền vận động, giúp đỡ bằng những việc làm thiết thực của các cấp, các ngành; lực lượng BĐBP trực tiếp nhận đỡ đầu các gia đình nghèo, chú trọng việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Chẳng hạn, hộ có đất, có điều kiện tổ chức chăn nuôi, trồng trọt thì sẽ giúp chọn vật nuôi, xây dựng chuồng trại, hỗ trợ con giống tốt. Hộ không có đất thì giúp họ tìm việc làm… Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, phần lớn tàu cá của ngư dân trên địa bàn do đồn quản lý đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Đồng thời, việc ghi, nộp nhật ký khai thác cũng được các thuyền trưởng thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, tàu cá của các ông Huỳnh Tấn Anh, Hà Ngọc Hiệp (Hòa Hiệp Nam) và nhiều tàu cá khác còn trang bị thiết bị siêu dò luồng cá với giá 4-5 tỉ đồng/máy, có thể phát hiện đàn cá ở cách xa 2-3 hải lý. Để có được kết quả này, CBCS Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đã nỗ lực cùng các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, cung cấp kiến thức, giúp ngư dân tiếp cận nhiều thông tin, văn bản pháp luật liên quan. Nhiều năm liền, địa bàn đồn phụ trách không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm chặt chẽ nghiệp vụ, đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của BĐBP, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam luôn chú trọng tuyên truyền pháp luật, nhất là cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Qua đó giúp ngư dân nắm bắt, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong khi khai thác hải sản; củng cố thêm niềm tin, vững tâm vươn khơi bám biển.
Thiếu tá Võ Văn Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam |
XUÂN HIẾU