Việt Nam là mảnh đất sản sinh ra nhiều anh hùng đánh giặc cứu nước. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
Trong bài phát biểu tại buổi tiếp đại biểu các đơn vị anh hùng và chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước ngày 2/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng”.
Phát biểu tại Hà Nội vào ngày 12/9/1973 trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhấn mạnh: “Không có một phong trào giải phóng dân tộc nào, không một dân tộc nào đã từng đấu tranh để giành độc lập của mình mà đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài và anh hùng như nhân dân Việt Nam”.
Người nước ngoài duy nhất được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân
Ông Kostas Sarantidis sinh năm 1927 trong một gia đình công nhân ở TP Thessaloniki thuộc miền Bắc Hy Lạp. Năm 1943, mới 16 tuổi, ông bị bắt đi lính để đưa sang Đức phục vụ cho chế độ phát xít Hitler. Đến Nam Tư, ông trốn thoát, sống vật vờ trên những chuyến tàu lửa ngược xuôi dọc biên giới Nam Tư - Hy Lạp. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), ông không thể trở về Hy Lạp vì không có giấy tờ tùy thân. Sau đó, ông tham gia đội quân lê dương của Pháp vì bị thực dân Pháp tuyên truyền giả dối là sang Đông Dương để “giải phóng” các xứ ở đây khỏi phát xít Nhật.
Tuy nhiên, ngay khi tới Sài Gòn đầu năm 1946, ông Kostas Sarantidis tận mắt chứng kiến những hành động tàn phá, giết chóc của quân đội xâm lược đối với những người dân Việt Nam vô tội. Ông thấy được tội ác của thực dân Pháp chẳng khác gì tội ác của bọn phát xít Hitler. Sau này, ông nhớ lại: “Sang đến nơi mới biết mình bị lừa. Chả thấy người Nhật đâu. Thay vào đó là được lệnh đi bắn nhau với Việt Minh! Chúng tôi là người dân từng bị đô hộ gần 400 năm, từ người trẻ đến già có ai muốn đánh nhau, đi xâm chiếm ai đâu”.
Hiểu được bản chất chính nghĩa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ông Kostas Sarantidis đã tham gia giải cứu các chiến sĩ Việt Minh bị giam tại tỉnh Bình Thuận vào tháng 6/1946. Ra vùng tự do, ông gia nhập ngay hàng ngũ quân kháng chiến, lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, chính thức trở thành Bộ đội Cụ Hồ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập được Đảng, Nhà nước ta giao làm nhiều công việc trong các đơn vị quân chính quy Liên khu 5, có mặt trong nhiều trận chiến đấu ác liệt ở miền Trung. Tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, ông được cử tham gia công tác địch vận và trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi được điều về làm tổng giám thị Trại tù binh Âu Phi số 3 ở Quảng Ngãi, ông đã làm tốt công tác giáo dục, làm cho họ hiểu rõ chính nghĩa của Việt Nam chống xâm lược và chính sách nhân đạo của Chính phủ kháng chiến. Ba năm sau khi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập tập kết ra miền Bắc làm trung đội trưởng đội cung tiêu ở sân bay; làm lái xe tải ở các mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng; làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hòa Dân chủ Đức ở Nhà máy in Tiến Bộ.
Năm 1965, ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập và vợ cùng các con rời Việt Nam về Hy Lạp để chăm sóc mẹ già. Sau đó, ông tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE), làm nòng cốt sáng lập Hội Hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam, Hội Người Việt tại Hy Lạp, vận động quyên góp tiền gửi sang Việt Nam ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, người nghèo.
Đảng và Nhà nước ta đã tặng ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Hữu nghị. Vào ngày 9/11/2010, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết công nhận là công dân Việt Nam như mong đợi của ông trong nhiều năm. Tháng 5/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định 934-QĐ/CTN tặng ông danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Ngày 25/6/2021, ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập qua đời ở tuổi 94 tại Thủ đô Athens của Hy Lạp. Thông báo của Văn phòng Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) về sự ra đi của ông Kostas Sarantidis có đoạn viết: “Đảng Cộng sản Hy Lạp với nỗi buồn sâu sắc xin nói lời từ biệt với Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, một người cộng sản Hy Lạp khiêm tốn, một nhà quốc tế mẫu mực đã chiến đấu bên cạnh Việt Minh trong thời kỳ thực dân Pháp ở Việt Nam và trở thành anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”.
Tham dự tang lễ Anh hùng LLVT nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập ngoài gia quyến của ông còn có Đại sứ Lê Hồng Trường cùng toàn bộ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) cùng một số đồng chí thuộc Đảng Cộng sản Hy Lạp, Hội Hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam, bà con cộng đồng người Việt tại Hy Lạp và bạn bè thân hữu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và gia đình, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và gia đình đã gửi lời chia buồn và vòng hoa tới gia quyến Anh hùng LLVT nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Bộ trưởng Quốc phòng, thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cũng đã có điện, thư và vòng hoa chia buồn.
Người Việt duy nhất lập kỷ lục ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng
Phạm Tuân sinh năm 1947 tại tỉnh Thái Bình. Tháng 9/1965, ông nhập ngũ. Đầu năm 1966, ông được chọn vào học lái máy bay tiêm kích tại Trường dạy bay Krasnodar (Liên Xô). Cuối năm 1967, ông tốt nghiệp và chính thức trở thành phi công tiêm kích Mig-17 với kỹ năng bay đêm điêu luyện. Sau này, ông tiếp tục được chọn chuyển loại sang máy bay tiêm kích Mig-21.
Về nước vào năm 1968, Phạm Tuân tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Ông đi vào lịch sử khi trở thành người đầu tiên bắn hạ được máy bay B-52 từ trên không và trở về an toàn vào đêm 27/12/1972. Sau chiến công xuất sắc này, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 3/9/1973.
Năm 1980, Phạm Tuân - người Việt Nam và châu Á đầu tiên, bay vào vũ trụ cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Gorbatko. Chuyến bay lịch sử bắt đầu từ 21 giờ 33 ngày 23/7/1980 (theo giờ Moscow) từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô Viết khác. Sau đó, họ trở về Trái đất trên tàu Soyuz 36 lúc 18 giờ 15 ngày 31/7/1980.
Trong 8 ngày bay ngoài vũ trụ, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo Trái đất. Hai nhà du hành vũ trụ tiến hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ Intersputnik. Trong tình trạng không trọng lượng, hai nhà du hành vũ trụ cũng đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu… Ngoài ra, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân còn tiến hành chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo trái đất.
Với thành tích này, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1980. Cùng năm đó, ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lênin.
Năm 1982, Phạm Tuân tốt nghiệp Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô). Ông từng giữ chức Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng Không quân, Phó Chủ nhiệm về chính trị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Từ năm 2000, ông mang quân hàm trung tướng, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 2008, ông nghỉ hưu.
Phạm Tuân là người Việt Nam duy nhất lập kỷ lục ba lần được tặng danh hiệu anh hùng (Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam, Anh hùng Liên Xô).
Đúng như nguyện vọng của ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, tang lễ của ông được cử hành trang nghiêm theo nghi thức Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước linh cữu ông có bàn thờ cùng di ảnh ông trong bộ quân phục của Việt Nam, nến, bát hương, mũ quân phục, cùng các huân huy chương mà ông được Đảng, Nhà nước Việt Nam trao tặng. |
NGUYỄN VĂN TOÀN