Thứ Bảy, 11/01/2025 01:30 SA
Đảo chìm Đá Thị: Điểm chốt tiền tiêu vững chắc
Thứ Bảy, 10/07/2021 15:00 CH

Nằm ở tọa độ 10024’40’’ vĩ độ Bắc - 114034’48’’ kinh độ Đông, cách đảo Sơn Ca khoảng 7 hải lý về phía đông - đông bắc và cách bán đảo Cam Ranh khoảng 335 hải lý về phía đông - đông nam thuộc cụm đảo Nam Yết, đảo chìm Đá Thị có vị trí quan trọng trên quần đảo Trường Sa.

 

“Hẹn ngày gặp lại!” - Đó là lời chào tạm biệt cán bộ chiến sĩ (CBCS) đảo Đá Thị (quần đảo Trường Sa) từ 3 năm trước khi tôi tháp tùng cùng đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân thăm hòn đảo nhỏ này. Và đúng là “quả đất tròn” khi tôi được gặp lại nguyên Chính trị viên đảo Đá Thị thượng úy Nguyễn Hữu Son - người con của quê hương “đất võ trời văn” Bình Định tại xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”.

 

Chính trị viên đảo Đá Thị Nguyễn Hữu Son ký tặng cờ Tổ quốc cho Báo Phú Yên. Ảnh: LẠC VIỆT

 

Nơi chỉ có hai mùa: mưa và khô

 

Thượng úy Nguyễn Hữu Son nay đã mang quân hàm đại úy và hiện là Trợ lý chính trị của Lữ đoàn Tên lửa bờ 682 Vùng 4 Hải quân, đứng chân ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Gặp lại, chúng tôi nhận ra nhau ngay và những kỷ niệm, hình ảnh về Đá Thị lại hiện về.

 

Đã nhiều năm trôi qua nhưng trong tôi vẫn còn ấn tượng sâu sắc khi lần đầu tiên đặt chân lên Đá Thị - một trong hai đảo chìm ở xa nhất về phía đông, trong số 21 đảo, 33 điểm đóng quân của bộ đội Trường Sa. Kỷ niệm sâu sắc ở hòn đảo tiền tiêu giữa trùng khơi này là Chính trị viên Nguyễn Hữu Son gửi tặng Báo Phú Yên lá cờ Tổ quốc đã bạc màu vì nắng gió Trường Sa, kèm theo câu nói quả quyết: “Màu cờ tuy đã bạc vì nắng gió nhưng niềm tin và lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân của những người lính đảo Trường Sa chúng tôi thì không bao giờ phai nhạt. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn luôn đoàn kết, kiên trung, quyết tâm bám đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

Theo đại úy Nguyễn Hữu Son, là đảo nhỏ nhưng Đá Thị có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn những hoạt động của nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, canh giữ sườn cho cả quần đảo Trường Sa. Thời tiết ở đây có hai mùa rõ rệt. Mùa khô (từ tháng 2 đến tháng 4) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau). Mỗi năm đảo phải hứng chịu ít nhất 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Trong đó, từ tháng 5 đến tháng 10 là gió tây nam, còn từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là gió mùa đông bắc.

 

Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm bão thường đi qua khu vực đảo, sóng cao từ 4-5m, có những tháng cao điểm mưa to, gió lớn gây khó khăn cho tàu ra neo đậu làm nhiệm vụ tại đảo. Hôm chúng tôi gặp nhau ở Đá Thị là cuối tháng 12/2018, đúng vào lúc thời tiết xấu, mưa lớn và sóng cao nên việc lên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Bằng kinh nghiệm của một người từng xuôi ngược với sóng gió Trường Sa, đại tá Bùi Đình Dương (thời điểm đó là Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa), Trưởng đoàn công tác trực tiếp chỉ huy, đưa từng người lần lượt xuống xuồng lên đảo và trở lại an toàn.

 

Ngày truyền thống 15/3

 

“Ngày 15/3 hàng năm là Ngày truyền thống của đảo Đá Thị”, đại úy Nguyễn Hữu Son cho biết. Lịch sử của Lữ đoàn 146 ghi rõ: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, hải đảo rộng lớn từ Móng Cái đến Hà Tiên của Quân chủng Hải quân trở nên hết sức nặng nề, đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng và phát triển rất nhanh các thành phần lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu hải quân, trong đó quần đảo Trường Sa là một trong những trọng điểm.

 

Chính trị viên đảo Đá Thị Nguyễn Hữu Son ký tặng cờ Tổ quốc cho Báo Phú Yên. Ảnh: LẠC VIỆT

 

Để đáp ứng yêu cầu đó, cuối tháng 5/1975, Bộ Tổng Tham mưu điều Trung đoàn Bộ binh 46 của Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Đến tháng 9/1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 làm nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa và sẵn sàng cơ động chiến đấu bảo vệ vùng biển.

 

Từ cuối năm 1986-1988, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến mới phức tạp, căng thẳng, xảy ra tranh chấp chủ quyền trên một số bãi đá ngầm giữa các nước ở xung quanh khu vực quần đảo. Đặc biệt, đầu năm 1988, Trung Quốc đưa lực lượng lớn hải quân ngang nhiên chiếm đóng các bãi đá Chữ Thập, Gơ Ven, Huy Gơ, Xu Bi và dùng sức mạnh quân sự tiến chiếm trái phép bãi đá Châu Viên và Gạc Ma, gây ra sự kiện 14/3, bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải của ta (HQ604, HQ605, HQ450 của Lữ đoàn 125), làm 64 CBCS bộ đội công binh của ta hy sinh và mất tích…

 

Ngày 15/3/1988, theo mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, một lực lượng CBCS của Lữ đoàn 146 đã triển khai nhiệm vụ đóng giữ, bảo vệ đảo Đá Thị. Từ đó, ngày 15/3 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của đảo Đá Thị.

 

Tăng cường phòng thủ, bảo vệ đảo

 

Thực hiện chủ trương tăng cường sức phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa, ngay những năm đầu tiên, chi bộ, chỉ huy đảo Đá Thị tập trung lãnh đạo đơn vị từng bước tiếp nhận, nắm vững vị trí đóng quân và quán triệt nhiệm vụ của trên giao tới từng CBCS. Theo đó, CBCS đặc biệt chú trọng công tác sẵn sàng chiến đấu.

 

“Đảo luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong mọi tình huống, lúc nào và ở bất kỳ đâu cũng sẵn sàng đánh bại âm mưu, thủ đoạn của các nước có ý đồ xâm chiếm Trường Sa nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, đại úy Nguyễn Hữu Son khẳng định.

 

Ngày cũng như đêm, đảo luôn duy trì chặt chẽ việc canh gác, quan sát phát hiện các mục tiêu trên không, trên biển, nhất là tàu thuyền nước ngoài từ xa dù là bằng mắt thường, bằng ra đa, bằng tin tức của trên hay bằng phán đoán của chỉ huy đảo. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy đảo luôn giáo dục cho CBCS ý thức cảnh giác, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đơn vị cũng luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

 

Trong huấn luyện, đơn vị tập trung đẩy mạnh, đổi mới phương pháp, nội dung sát với những diễn biến mới của thực tiễn; thực hiện đúng phương châm “Toàn diện, cơ bản, thiết thực và vững chắc”, coi trọng huấn luyện thực hành, huấn luyện ban đêm và trong điều kiện thời tiết phức tạp.

 

Hầu hết CBCS ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn nắm chắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đảo khi tác chiến xảy ra, nghiêm chỉnh chấp hành 8 quy định về giữ gìn bí mật bảo đảm an toàn ở Trường Sa. Máy bay, tàu thuyền qua lại hoạt động trong khu vực đảo đều được kiểm soát và xử lý theo đúng quy định, không để bất ngờ trong mọi tình huống. Thông tin liên lạc giữa đảo với chỉ huy các cấp luôn được giữ vững. Công tác hậu cần, kỹ thuật được tiến hành toàn diện trên các mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Đóng quân ở nơi đầu sóng ngọn gió, cách xa đất liền nên đơn vị đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS, phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của Đoàn Trường Sa anh hùng (Lữ đoàn 146 Hải quân ngày nay).

 

Đại úy Nguyễn Hữu Son

 

 LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek