Sắt son đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa tình đồng chí, đồng đội, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần vào công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hậu phương quân đội.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng hiện vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; không ít gia đình chính sách, người có công… còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Ấm áp nhà Tình nghĩa, nhà Đồng đội
Cuối tháng 6 vừa qua, giữa những ngày hè nóng bức, nhưng cô học trò nhỏ mắc bệnh trầm cảm Nguyễn Hà Quỳnh Hương ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa cảm thấy vô cùng mát mẻ khi được ở trong căn nhà mới khang trang do cán bộ chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ xây tặng. Hương là con gái của đại úy Nguyễn Huy Hiệu, Ban CHQS huyện Tây Hòa. Gia cảnh của đại úy Hiệu hết sức khó khăn. Vừa công tác, anh vừa theo học hoàn thiện đại học, trong khi vợ không có việc làm ổn định nên không có điều kiện chăm lo gia đình, chăm sóc con gái đang bị bệnh. Thu nhập chính từ đồng lương đại úy không đủ để vừa lo cái ăn cái mặc, vừa chạy thuốc thang cho con…
Ngôi nhà mới mà bé Quỳnh Hương cùng gia đình đón nhận là ngôi nhà cấp 4, tường gạch, mái ngói, nền lát gạch men với kinh phí xây dựng hơn 100 triệu đồng, trong đó cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh đóng góp, hỗ trợ 85,4 triệu đồng. Trung tá Trương Minh Hồng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, Bộ CHQS tỉnh đã vận động cán bộ chiến sĩ của đơn vị và các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ cháu Quỳnh Hương cùng gia đình đại úy Nguyễn Huy Hiệu vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm học tập, công tác.
Tại thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, chị La Thị Mỹ Hẹ cũng ngập tràn niềm vui khi mỗi ngày tận mắt nhìn ngôi nhà Đồng đội đang dần dần hình thành và giờ đây đã thành hiện thực. Trong từng ánh mắt, nụ cười, chị Hẹ không giấu được niềm hân hoan. Là “hậu phương” - vợ của đại úy Lê Mo Quý, Trợ lý dân quân Ban CHQS huyện Tuy An, chị Hẹ luôn cố gắng chăm lo, quán xuyến việc nhà để chồng yên tâm công tác. Nhưng vì không có việc làm ổn định, con nhỏ thường xuyên đau ốm, nên với tiền lương của chồng, tằn tiện lắm gia đình chị mới không thiếu đói. Ngôi nhà cấp 4 gia đình chị trú ngụ nhiều năm đã xuống cấp trầm trọng. Được Bộ CHQS tỉnh cùng các tổ chức chính trị và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đóng góp hỗ trợ 70 triệu đồng, vợ chồng chị mới có điều kiện xây ngôi nhà mới. “Kể từ nay tôi chỉ cần chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái để chồng yên tâm công tác. Tôi nghĩ và tin chắc rằng anh ấy sẽ hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn khi không còn phải lo lắng về việc vợ con phải sống trong ngôi nhà tạm bợ”.
Hơn 1 tháng qua, bà Trần Thị Mai ở thôn Phú Khê 2, xã Hòa Xuân Đông, TX Đông Hòa, cũng được sống trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hy sinh cả tuổi thanh xuân; là thương binh hạng 3/4, hàng chục năm qua, bà Mai sống một mình trong căn nhà nhỏ chỉ tạm che nắng, che mưa. Sức trẻ và sức khỏe đã dành cho những năm tháng “nếm mật nằm gai” nên mặc dù cố gắng làm lụng, bà Mai vẫn không đủ khả năng để tự xây cho mình ngôi nhà đúng nghĩa. Đến khi Bộ CHQS hỗ trợ 80 triệu đồng, cán bộ chiến sĩ Ban CHQS TX Đông Hòa giúp hàng trăm ngày công thì căn nhà mới với diện tích 50m2, kinh phí 180 triệu đồng, mới hoàn thành. Trong ngày vui về nhà mới, bà Mai xúc động bày tỏ: “Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS TX Đông Hòa mà tôi có được ngôi nhà mới khang trang, ấm áp như thế này. Đây là ngôi nhà mà bao năm qua tôi hằng mơ ước nhưng không làm sao có được”. Còn theo ông Huỳnh Minh Thường, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông, ngôi nhà Tình nghĩa này có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn cũng như trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước những hy sinh to lớn của lớp lớp cha anh.
Đi tìm đồng đội
Cùng với chăm lo tốt công tác hậu phương quân đội, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng cơ quan đơn vị vững mạnh “mẫu mực tiêu biểu”, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng được cán bộ chiến sĩ trong LLVT tỉnh đặc biệt quan tâm. “Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Công tác này ở tỉnh ta trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân liệt sĩ và tình cảm của nhân dân”, đại tá Phan Anh Khoa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định.
Với phương châm “còn thông tin về liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”, từ năm 2013-2020, toàn tỉnh đã quy tập được 50 hài cốt liệt sĩ, trong đó 16 hài cốt liệt sĩ có đầy đủ thông tin, đưa về các nghĩa trang an táng chu đáo, trang trọng theo đúng nghi thức. Hài cốt liệt sĩ sau khi cất bốc được lập hồ sơ quản lý và lấy mẫu sinh phẩm để xét nghiệm ADN theo quy định. Những khu vực có mộ tập thể, các địa phương đã kịp thời báo cáo xác minh thông tin, xây dựng kế hoạch tìm kiếm, quy tập, đồng thời xử lý kết quả quy tập theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 214 của Bộ Quốc phòng. Cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức truy điệu, an táng đưa vào nghĩa trang liệt sĩ hoặc bàn giao cho gia đình trang trọng, chu đáo, góp phần giảm bớt nỗi đau mất mát đối với thân nhân các gia đình liệt sĩ. Đồng thời, cơ quan chuyên trách cũng đã phân tách, chuyển giao 4.504 liệt sĩ an táng ban đầu tại Phú Yên, 1.264 liệt sĩ quê Phú Yên an táng trên địa bàn cả nước; thống kê, kiểm đếm 10.977 mộ liệt sĩ và chuyển giao danh sách 12.390 liệt sĩ cho địa phương quản lý. Qua đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta.
Theo trung tá Nguyễn Văn Hảo, Chính trị viên Ban CHQS huyện Sông Hinh, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được các cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang huyện Sông Hinh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Gần đây nhất, từ thông tin người dân cung cấp, Ban CHQS huyện Sông Hinh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Hội Cựu chiến binh tổ chức khảo sát, tìm kiếm, quy tập 3 hài cốt liệt sĩ được đồng đội và người dân chôn cất trên địa bàn các xã Ea Trol, Ea Bia và Ea Bá, cùng các di vật kèm theo như ba lô, võng, dép cao su, bi đông nước, dây lưng, vòng đeo tay.… Cả ba liệt sĩ này đều đã xác định được danh tính, đơn vị và thời gian hy sinh. “Hiện tại, chúng tôi cũng đã tìm và xác định được 3 phần mộ liệt sĩ (chưa rõ danh tính) ở địa bàn xã Ea Ly. Đơn vị dự kiến sẽ tiến hành cất bốc vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 này”, trung tá Nguyễn Văn Hảo cho biết.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là chủ trương lớn có ý nghĩa chính trị xã hội nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với nhân thân gia đình liệt sĩ. Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền, địa phương, công tác này được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được một số kết quả nhất định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ |
LẠC HỒNG