Thứ Bảy, 11/01/2025 23:59 CH
Trường Sa hai tiếng quê nhà
Thứ Bảy, 22/08/2020 07:00 SA

Tổ quốc ghi công các chiến sĩ mãi mãi nằm lại với Trường Sa vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Ảnh: TRẦN QUỚI

Cảm giác của tôi sau khi được đặt chân lên Trường Sa thân yêu, một phần máu thịt của Tổ quốc giữa trùng khơi, là sự rung cảm đặc biệt khó diễn tả thành lời. Giữa mênh mông sóng gió, tôi nhận thấy một tình yêu thiêng liêng từ đất, đá, san hô, từ những cành cây, ngọn cỏ, từ tiếng nói cười của các anh bộ đội ở đảo chìm, đảo nổi xa xôi…

 

1. Ý chí được đặt chân tại Trường Sa có lẽ là yếu tố tiên quyết giúp một “chiến sĩ tay ngang” như tôi hoàn thành chuyến hải trình đầy sóng gió.

 

Nhớ lại tháng Chạp năm ấy, khi nhận được quyết định tham gia đoàn công tác cuối năm với lực lượng Vùng 4 Hải quân, tại Cam Ranh (Khánh Hòa), tôi đã rưng rưng xúc động, giống như một thanh niên lần đầu xa gia đình nhập ngũ. Có điều tôi phải chủ động hơn trong việc tự chuẩn bị tư trang, hành lý và sức khỏe ở trạng thái tốt nhất để chống lại những cơn say sóng được dự báo trước khi rời quân cảng. Mặc dù, với tôi, sóng nước không phải là chuyện quá xa lạ, khi từ những năm học phổ thông tôi cũng đã trải nghiệm những chuyến biển với bạn thuyền. Nhưng hành trình đến Trường Sa rất khác, đó là một thử thách để đời.

 

Đêm trước khi xuống tàu, tôi và những người bạn làm báo ở nhiều tỉnh thành khác nhau được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chiêu đãi một bữa cơm ngon. Đêm đó, chúng tôi chuyện vãn đến khuya không sao ngủ được, vì ai cũng có chung niềm háo hức khi hình dung về chuyến hải hành, về cuộc sống nơi đảo xa, về những con sóng dữ của thiên nhiên và của cả lòng người…

 

Các chiến sĩ trên đảo vui mừng ra tận mép nước để đón những vị khách từ đất liền. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

2. Quân cảng Cam Ranh chiều cuối năm rộn ràng như Tết. Mà đúng hơn là không khí rộn rã, háo hức, khẩn trương chuẩn bị cho Tết. Tiếng quang quác của gà vịt, eng éc của heo, tiếng gọi nhau í ới của lính chuyển hàng, tiếng khua chạm loảng xoảng…, một không gian với nhiều âm thanh tràn ngập không khí Tết của đất liền chuẩn bị mang ra cho quân và dân ngoài đảo xa. Không chỉ là những món quà vật chất hiện hữu như nguyên liệu làm bánh chưng, bánh tét, dưa món, thịt heo, hoa tết các loại, đặc sản mọi miền... mà trong đó còn chứa đựng tình cảm của đất liền gửi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào nơi tiền tiêu.

 

Khi mọi thứ đã ổn định, tàu của đoàn công tác hụ 3 hồi còi dài chào đất liền rồi thẳng tiến hướng đông, rời bến cảng. Vịnh Cam Ranh êm như lụa, tàu không bị chao bởi gió. Nhưng ra khỏi vịnh là một trạng thái hoàn toàn khác, sóng bắt đầu vồ vập. Tàu Trường Sa với sức chứa cả nghìn người, chuyển mình lắc nhẹ khiến những cơn say sóng ùa tới với tất cả, trừ cánh thủy thủ. Với những người không quen sóng gió, đây quả thật là một thử thách không nhỏ… Riêng tôi, tôi luôn nghĩ đến Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc cần phải đặt chân ít nhất một lần, như một thứ vũ khí tinh thần để vượt qua cửa ải đầu tiên này.

 

3. Dù mệt lử vì say sóng nhưng khi thuyền trưởng thông báo tàu sắp đến đảo Song Tử Tây - hòn đảo ở phía mạn bắc quần đảo Trường Sa, đảo đầu tiên sau hành trình hai ngày đêm dằng dặc mệt rã rời - tất cả phóng viên ào ra khoang thuyền, không ít người lảo đảo đứng không vững vẫn giương máy ảnh hướng về đảo, “nổ” tanh tách, xoèn xoẹt để ghi lại những hình ảnh đầu tiên, có thể là đẹp nhất trong đời về mảnh đất thân thương nơi sóng gió nghìn trùng.

 

Trường Sa đây rồi! Thật khác xa với những gì trước đây tưởng tượng. Ý niệm đầu tiên của tôi về Trường Sa là nơi đây thật yên bình, lãng mạn như chính đất liền vậy. Những điểm đảo trên hành trình ghé lại như Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Đá Tây… lần lượt hiện ra xanh ngát với những cây phong ba, bão táp, bàng vuông, bàng dày lá chạy dài ngút ngát. Các đảo chìm là những pháo đài vững chãi trên bãi cạn san hô, được đại dương bao bọc nổi lên như thế trận Bạch Đằng năm xưa.

 

Mỗi đảo mang một đặc trưng riêng mà những người lần đầu tiên và có thể là duy nhất đặt chân lên đảo đều ghi nhớ. Đảo Song Từ Tây với những cây phong ba cổ thụ bao bọc xung quanh, sân vận động to, xanh cỏ ngay trước nhà chỉ huy đảo và những con bò, chú chó thỉnh thoảng “gừ” nhau nhưng đa phần thời gian thì chung sống hòa bình. Đảo Sơn Ca với bãi biển cát trắng tinh và công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp bốn mùa cây xanh, hoa thắm. Nơi đây như một khu rừng nhỏ để chim chóc tìm về. Đảo Nam Yết xanh ngát rừng dừa, bốn mùa rì rào cùng gió biển. Đảo Sinh Tồn thì hiện đại, khang trang với khu neo đậu và nơi thực hiện các khâu hậu cần cho tàu cá của ngư dân bám biển khơi xa… Xa xa kia là đảo chìm như những pháo đài vững chãi trước sóng dữ và cả bão táp bủa vây.

 

Dù đảo chìm hay đảo nổi đều có chung một điểm là nơi đây tồn tại sức sống mãnh liệt của quân và dân ta, đánh dấu chủ quyền của Việt Nam bằng những hình ảnh thân thương nhất của cuộc sống. Bộ đội và nhân dân cùng sống và bảo vệ chủ quyền, bảo vệ mảnh đất phên dậu của đất nước. Trên đảo còn có tiếng chuông chùa, tiếng sư thầy tụng kinh, gõ mõ, và những thanh âm gần gũi, thân thiết với mọi miền quê Việt Nam như tiếng chó sủa, gà gáy, heo la…

 

20 ngày cho chuyến hải trình rong ruổi trên các đảo chìm, đảo nổi của quê hương, một phần máu thịt không thể tách rời của đất mẹ. Những câu chuyện về cuộc sống của bộ đội, ngư dân, những câu chuyện về tình yêu biển đảo, về những người canh gác đèn biển, thông tin khí tượng và cả những câu chuyện về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đảo xa của lực lượng hải quân, phòng không không quân, dân quân biển… lần lượt được ghi nhận.

 

Ở đó có những câu chuyện đầy ắp tình người trên biển xa trong hoạn nạn. Bộ đội cứu ngư dân, giúp ngư dân lai dắt tàu thuyền khi bị sóng đánh hỏng máy trôi dạt trên biển. Bộ đội cứu người trên biển khi họ bị bệnh đột xuất hay tai nạn bất ngờ. Ở đó có những câu chuyện về niềm vui được mùa, trúng luồng cá lớn hay câu chuyện sẻ chia lương thực giúp ngư dân, giúp tàu ngư dân nước bạn lúc lâm nạn hết dầu, hết lương thực, nước ngọt duy trì sự sống… Ở đó có những câu chuyện bộ đội mưu trí đấu tranh với kẻ thù quấy nhiễu để bảo vệ chủ quyền. Ngoài ra còn có cả câu chuyện về những ngôi mộ chí của các chiến sĩ, ngư dân bám biển mãi mãi nằm lại nơi chân sóng quanh năm rì rào hay dưới lòng đại dương sâu thẳm…

 

Nơi đó là quê hương máu mủ thân thương và thiêng liêng vô ngần mà từ nghìn đời, bao lớp cha ông đã khai dựng, giữ gìn cho muôn đời. Trường Sa hai tiếng quê nhà!

 

20 ngày cho chuyến hải trình rong ruổi trên các đảo chìm, đảo nổi của quê hương, một phần máu thịt không thể tách rời của đất mẹ. Những câu chuyện về cuộc sống của bộ đội, ngư dân, những câu chuyện về tình yêu biển đảo, về những người canh gác đèn biển, thông tin khí tượng và cả những câu chuyện về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đảo xa của lực lượng hải quân, phòng không không quân, dân quân biển… lần lượt được ghi nhận.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek