Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho học sinh, sinh viên (HSSV) là nội dung học tập đặc thù trong các nhà trường, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, công tác này càng trở nên quan trọng, cấp thiết.
Luật Giáo dục QP-AN quy định rõ: Giáo dục QP-AN trong trường tiểu học, THCS được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình; trong trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học là môn học chính khóa.
Nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc
Ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết: Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp về QP-AN, nhất là Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và triển khai Luật Giáo dục QP-AN.
Sở luôn xác định, công tác giáo dục QP-AN là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đó là đào tạo con người của thế hệ tương lai có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; hình thành nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước.
Thời gian qua, cùng với bồi dưỡng, nâng cao kiến thức QP-AN cho đối tượng của các đơn vị trực thuộc, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho giáo viên giảng dạy môn Giáo dục QP-AN; Sở GD-ĐT đã tổ chức giảng dạy môn Giáo dục QP-AN cho HSSV đạt hiệu quả cao. 100% HSSV được học tập môn Giáo dục QP-AN đầy đủ, đúng quy định.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn phối hợp với Trường Quân sự tỉnh tổ chức định kỳ 2 năm/lần Hội thao Quốc phòng cho học sinh THPT và sinh viên các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
“Quá trình học tập môn Giáo dục QP-AN đã góp phần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trong học sinh, rèn luyện cho học sinh có tác phong nhanh nhẹn, nghiêm túc trong các sinh hoạt nhà trường. Đồng thời tu dưỡng rèn luyện những phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức trách nhiệm cao hơn với Tổ quốc; rèn luyện những kỹ năng để sẵn sàng tham gia trên các mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Ngô Ngọc Thư khẳng định.
Trường THPT Nguyễn Văn Linh là một trong những trường có sự đổi mới trong giảng dạy môn Giáo dục QP-AN theo hướng giảm thời gian dạy lý thuyết, tăng thời gian học thực hành kỹ năng quân sự, kết hợp với tham quan thực tế tại các đơn vị, gắn với truyền thống của bộ đội, địa phương. Ngoài dạy kiến thức theo chương trình quy định, nhà trường đã đưa nội dung tuyên truyền về biển đảo vào chương trình dạy học tích hợp liên môn: Giáo dục công dân, Văn học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục QP-AN…
Đặc biệt, nhà trường đã tổ chức giao lưu giữa thầy và trò nhà trường với các cựu chiến binh bộ đội Trường Sa với các chủ đề như “Người lính và biển đảo”, “Vì Trường Sa thân yêu”; tổ chức tọa đàm về Ngày Biên phòng toàn dân, mời cán bộ Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam nói chuyện về truyền thống BĐBP và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…; xây dựng mô hình “Chủ quyền biển đảo về Hoàng Sa - Trường Sa” trong khuôn viên trường…
Em Nguyễn Thành Đạt, học sinh lớp 11 của Trường THPT Nguyễn Văn Linh thổ lộ: “Những hoạt động ngoài chính khóa này đã bồi đắp cho chúng em về tình yêu quê hương đất nước nói chung và tình yêu biển đảo, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Qua đó, chúng em nâng cao nhận thức, nêu cao ý thức trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy
Tuy nhiên, theo ông Ngô Ngọc Thư, công tác giáo dục QP-AN cho HSSV hiện nay còn những khó khăn, bất cập. Đó là, đội ngũ giáo viên chuyên trách hầu hết từ bộ môn Thể dục và các môn văn hóa khác được Sở GD-ĐT tuyển chọn và gửi đi đào tạo ngắn hạn (6 tháng) để đảm nhiệm dạy môn Giáo dục QP-AN nên còn một số hạn chế về chuyên môn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy môn học này. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy môn Giáo dục QP-AN của một số trường còn nhiều hạn chế như phòng học, sân bãi…, nhất là súng để thực hành việc tháo lắp.
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN cho HSSV, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cơ sở GD-ĐT cần tiếp tục đổi mới phương pháp, chú trọng đặc thù kỹ năng quân sự; kết hợp giảng dạy lý thuyết với tổ chức tham quan thực tế, sinh hoạt chuyên đề; mời cán bộ sĩ quan quân đội, công an báo cáo chủ đề, chủ điểm nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức QP-AN cho giáo viên và học sinh.
Cùng với chú trọng đào tạo văn bằng 2 môn Giáo dục QP-AN cho giáo viên đã qua đào tạo ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn, thông qua các ngày lễ trong năm, các trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, hội thao QP-AN tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh. Bởi phương pháp giảng dạy tốt sẽ làm cho HSSV đam mê học tập, qua đó rèn luyện cho HSSV những kỹ năng quân sự, phát huy tinh thần yêu nước, có trách nhiệm cao với Tổ quốc, tạo cơ sở để phát hiện, tuyển chọn, đào tạo nguồn cho lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu.
LẠC HỒNG