Thứ Bảy, 27/04/2024 10:13 SA
Mãi mãi tự hào về Tiểu đoàn 375
Chủ Nhật, 24/02/2019 07:00 SA

Cách đây 65 năm, ngày 25/2/1954, Tiểu đoàn 375 - tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Phú Yên được thành lập. Đây là thời điểm gay go, quyết liệt nhất của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày đầu tiên thành lập, Ban chỉ huy tiểu đoàn gồm các đồng chí: Phạm Dưng, Tiểu đoàn trưởng; Nguyễn Hoanh, Chính trị viên trưởng; Đôn Thanh, Tiểu đoàn phó; Nguyễn Lầu, Chính trị viên phó.

 

Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 375 gặp mặt truyền thống (ảnh do tác giả cung cấp)

 

Trước đó, đầu tháng 2/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch Đông - Xuân - Hè 1953-1954 ra quyết định: Rút Đại đội 4, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108; rút Đại đội 10, Tiểu đoàn 19 Tỉnh đội Quảng Nam; rút Đại đội 389 Tỉnh đội Phú Yên đổi thành Đại đội 1, Đại đội 2 và Đại đội 3 để thành lập Tiểu đoàn 375 trực thuộc Tỉnh đội Phú Yên.

 

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

 

Sáng 25/2/1954 nhận được quyết định thành lập, ngay đêm hôm đó, đồng chí Phạm Dưng với cương vị là Tiểu đoàn trưởng đã đưa Đại đội 1 và Đại đội 2 từ miền Tây Quảng Ngãi hành quân cấp tốc, suốt đêm băng rừng lội suối rồi theo đường tắt xuyên Bình Định - Vân Canh - Cây Vừng - Xuân Quang tránh La Hai về Xuân Sơn để liên lạc với Tỉnh đội Phú Yên. Cuộc hành quân thần tốc vô cùng gian khổ.

 

Chiều tối 6/3/1954, hai đại đội vừa đến Xuân Sơn Nam chưa kịp liên lạc với Tỉnh đội Phú Yên thì được trinh sát báo tin: Ngày mai 7/3 sẽ có đoàn xe địch chở 1 đại đội lính Âu Phi và quân dụng từ TX Tuy Hòa ra La Hai. Sau khi xác minh nguồn tin là sự thật, Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng trao đổi với Ban chỉ huy và quyết định bố trí trận địa tiêu diệt đoàn xe của địch rồi liên lạc với Tỉnh đội Phú Yên sau.

 

Trận đánh diễn ra tại khu vực Bầu Vườn (trên đường Phong Niên - La Hai) vào sáng 7/3/1954. Quân ta tiêu diệt 24 xe và 1 đại đội lính Âu Phi. Đó là trận chiến đấu và chiến thắng đầu tiên của Tiểu đoàn 375 trong ngày mới thành lập trên chiến trường Phú Yên trong chiến dịch Át-lăng. Lúc đó tuy chưa xác định được đơn vị nào đánh tiêu diệt đoàn xe 24 chiếc cùng 1 đại đội lính Âu Phi, nhưng tin chiến thắng loan nhanh khắp tỉnh. Tỉnh đội Phú Yên cũng như Quân khu 5 vô cùng phấn khởi và có điện khen quân và dân Phú Yên.

 

Chiều hôm đó (7/3/1954) tại xã An Định, Đại đội 389 của Tỉnh đội Phú Yên sáp nhập thành Đại đội 3 của Tiểu đoàn 375. Ba đơn vị ở các tỉnh khác nhau, chưa hề quen biết nhưng cùng chung một lý tưởng, một nhiệm vụ, cùng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, nên mới vừa gặp nhau ngày đầu thành lập tiểu đoàn, họ đã trở thành anh em ruột thịt một nhà. Cũng trong đêm đó, sau khi hội quân đầy đủ, tiểu đoàn hành quân về xã An Hiệp (Tuy An) nghỉ chân làm công tác tổ chức sẵn sàng cho những trận chiến đấu tiếp theo với một tinh thần và khí thế rất cao.

 

Từ ngày thành lập đến khi ngừng bắn theo Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954, khoảng thời gian không dài nhưng là một chặng đường chiến đấu hy sinh gian khổ, chói lọi chiến công. Trải qua 146 ngày đêm quần nhau với giặc trong chiến dịch Át-lăng trên chiến trường Phú Yên, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Liên khu ủy 5 và Tỉnh đội Phú Yên, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 375 đã đồng tâm hiệp lực, với tinh thần quyết chiến quyết thắng, với lòng yêu nước nồng nàn và lòng căm thù giặc sâu sắc, đã vượt qua mọi gian khổ hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Tiểu đoàn đã đánh 22 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, phá hủy hàng trăm xe quân sự và phương tiện chiến tranh khác, góp phần quan trọng cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích làm thất bại âm mưu chiếm đóng vùng tự do Liên khu 5 của thực dân Pháp. Có 4 trận đánh của tiểu đoàn được đưa vào sách “Những trận đánh tiêu biểu của LLVT Phú Yên”.

 

Là đơn vị được sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Yên, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 375 đã được Đảng bộ và nhân dân Phú Yên hết lòng thương yêu, nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở, quý trọng như những đứa con đẻ của mình. Mối tình quân dân cá nước đó là nguồn động viên cổ vũ làm nên sức mạnh to lớn để cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 375 hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

 

Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh Liên khu 5, Tỉnh đội Phú Yên chỉ đạo rút một số đồng chí có kinh nghiệm chiến đấu đưa về Tỉnh đội Khánh Hòa làm nòng cốt thành lập tiểu đoàn chủ lực mới, chuẩn bị cho tổng tấn công trên toàn mặt trận Liên khu 5.

 

Từ cuối tháng 6/1954, quân địch có nhiều biểu hiện muốn rút khỏi An Khê về cố thủ Pleiku. Ở Bình Định, quân địch bỏ Diêu Trì về cố thủ Quy Nhơn. Ở Phú Yên, địch bỏ Chí Thạnh về cố thủ TX Tuy Hòa. LLVT Phú Yên tập trung bao vây khép chặt quyết không cho địch ở TX Tuy Hòa rút chạy.

 

Giữa lúc lực lượng ta trên khắp chiến trường thắng lớn dồn dập với khí thế tiến công như vũ bão; mặt trận Tây Nguyên và đồng bằng Khu 5, quân ta đã chuẩn bị sẵn sàng tiến công đánh địch, thì tin Hiệp định Giơnevơ đã ký kết ngày 20/7/1954 ngừng bắn, đất nước tạm thời chia cắt làm 2 miền chờ 2 năm tổng tuyển cử. Miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời sống dưới sự kiểm soát của quân đội Pháp và tay sai. Hiệp định cũng quy định: Quy Nhơn - Bình Định là khu tạm kết 300 ngày của Quân đội nhân dân Việt Nam; Hải Phòng là nơi tạm kết 300 ngày của đối phương.

 

Tiểu đoàn 375 cùng một số đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ khu tạm kết 300 ngày Quy Nhơn.

 

Ngừng bắn, hòa bình được lập lại, nhưng những người lính của Tiểu đoàn 375 vẫn đeo bên mình ống muối, hộp lương khô, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ khu ly cách: phía tây đèo Mang Giang trên đường 19; phía bắc trên đèo Bình Đệ - Quảng Ngãi; phía nam trên đèo Cù Mông. Tiểu đoàn vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu vừa tranh thủ thời gian hiếm hoi còn lại trước ngày lên đường đi tập kết, tiến hành giúp dân đắp đê ngăn mặn ở Tuy Phước. Hình ảnh đó đã để lại trong lòng nhân dân mối tình quân dân khó phai mờ.

 

Khó khăn nào cũng vượt qua

 

Sau lễ mừng Quốc khánh 2/9 tại sân bay Phù Cát - Bình Định, Quân khu 5 có Nghị quyết “Tổ chức lại các lực lượng để tập kết ra Bắc”. Tiểu đoàn 375 nằm trong đội hình Trung đoàn 84 và đi tập kết chuyến cuối cùng trên tàu Kilinki - Ba Lan, lên bãi Sầm Sơn - Thanh Hóa ngày 19/5/1955 và hành quân về đóng tại huyện Tỉnh Gia - Thanh Hóa.

 

Ngày 1/7/1955 tại huyện Tiêu Dương - Thanh Hóa, Sư đoàn 324 được thành lập. Tiểu đoàn 375 trở thành Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 90 của sư đoàn này. Cùng với Sư đoàn 305, Sư đoàn 324 là một trong hai sư đoàn chủ lực của Quân khu 5 trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian này, đơn vị tiến hành học tập chính trị, chỉnh huấn cải cách ruộng đất, huấn luyện quân sự. Sau đó, đơn vị chuyển về Nghệ An xây dựng doanh trại làm nơi ăn ở tập trung; rồi tinh giản biên chế, một số về nông trường, nhà máy, một số đi đào tạo ở các quân binh chủng, xây dựng quân đội chính quy hiện đại.

 

Thời gian thấm thoát trôi qua, người chiến sĩ Tiểu đoàn 375 cũng như những người con miền Nam trên đất Bắc sống trong tình cảm ngày Bắc đêm Nam. Tin Mỹ - ngụy tay sai lê máy chém đi khắp miền Nam khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ đã dấy lên lòng căm thù, anh em càng hăng say luyện tập trên thao trường mặc cho mùa đông rét buốt, cá chết đầy đồng với một tinh thần sẵn sàng về Nam sát cánh cùng đồng bào quê hương chiến đấu.

 

Sau ngày hòa bình, những cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 375 năm xưa còn sống, người chuyển ngành, người về hưu, giải ngũ, có người tiếp tục tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam và nước bạn Lào đã lập công xuất sắc. Một số đồng chí được chọn đi đào tạo trở thành những cán bộ của không quân, hải quân, pháo binh, hóa học, là chính trị viên, chính ủy... làm nòng cốt để xây dựng quân đội chính quy hiện đại.

 

Qua phấn đấu rèn luyện, từng bước trưởng thành, nhiều đồng chí được đề bạt trung tướng, thiếu tướng, giám đốc công an tỉnh…; có người trở thành nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ và có 3 đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Dù ở trận tuyến nào anh em cũng đều giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống quyết chiến quyết thắng của quân đội ta, của Tiểu đoàn 375 anh hùng làm tốt nhiệm vụ ở vị trí công tác mới.

 

Hiện nay các chiến sĩ trẻ tuổi nhất của Tiểu đoàn 375 cũng đã ở tuổi 80. Nhưng dù tuổi cao sức yếu, họ luôn tâm nguyện phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, còn sống thì còn cống hiến, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, góp phần nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Thời gian càng lùi xa, truyền thống của Tiểu đoàn 375 càng ngời sáng như một mốc son lịch sử. Truyền thống ấy mãi mãi là niềm tự hào của tất cả chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.

 

HỒ ĐẮC THẠNH

Anh hùng LLVT nhân dân,

Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn 375

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek