Ngày 31/8 vừa qua, tại gò Điền, thuộc thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, công trình Nhà bia ghi tên 169 liệt sĩ Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) hy sinh trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 được khánh thành sau 25 ngày khởi công xây dựng. Công trình thể hiện sự tâm huyết, tình đồng chí, đồng đội của các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn Ngô Quyền anh hùng.
Công trình văn hóa tâm linh
Công trình Nhà bia tưởng niệm 169 liệt sĩ Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 10 Ngô Quyền tại gò Điền đặc biệt thu hút sự quan tâm của người dân địa phương. Sau lễ khánh thành vào ngày 31/8, trong ngày Tết Độc lập của dân tộc, cán bộ chiến sĩ LLVT và rất đông người dân, già có, trẻ có không hẹn mà cùng đến đây để thắp hương tưởng niệm, tri ân những người “lính Mậu Thân” đã yên nghỉ trên mảnh đất quê hương mình từ hơn 50 năm trước.
Bà Trình Thị Phương Liên ở thôn Mỹ Hòa, nói: “Kể từ nay, những liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gò Điền - Mỹ Thành năm nào được sum họp trong ngôi nhà chung này. Người dân địa phương có nơi để thăm viếng, tưởng niệm các anh”. Còn đại tá Phan Anh Khoa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Đây là công trình văn hóa tâm linh để tôn vinh những tấm gương anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân địa phương hôm nay và các thế hệ mai sau”.
Ngày 5/4/1968, trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tại thôn Mỹ Thành diễn ra một trận chiến đấu cực kỳ ác liệt với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11, Trung đoàn Ngô Quyền. 169 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 11 đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.
Để tưởng nhớ những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại và yên nghỉ tại đây, Ban liên lạc Trung đoàn Ngô Quyền đã vận động, quyên góp xây dựng tại đây một nhà bia tưởng niệm. Khuôn viên nhà bia có chiều rộng 11m, dài 16m. Tấm bia bằng đá hoa cương với những chi tiết tinh xảo, khắc tên 169 liệt sĩ đặt ở vị trí trung tâm.
Công trình được khởi công vào ngày 5/8 với tổng kinh phí xây dựng 250 triệu đồng do Ban liên lạc Trung đoàn Ngô Quyền vận động trong cán bộ chiến sĩ, CCB và thân nhân các gia đình liệt sĩ có điều kiện đóng góp.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về trận đánh Mỹ Thành - Hòa Thắng không phai mờ trong tâm thức những CCB Tiểu đoàn 11, Trung đoàn Ngô Quyền - đơn vị 2 lần vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Hòa Thắng luôn ghi nhớ, trân trọng về những chiến tích lịch sử hào hùng của Tiểu đoàn 11.
CCB Phạm Trung Mạo, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) cảm xúc khi về dự lễ khánh thành nhà tưởng niệm 169 liệt sĩ: “Trận chiến Mỹ Thành - Hòa thắng là một trận chiến không cân sức giữa ta và địch, địch mạnh, ta yếu. 169 đồng chí trong độ tuổi 20 đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh, trong đó có cán bộ chỉ huy tiểu đoàn. Hôm nay được trở lại nơi này, tôi vô cùng xúc động, lòng bùi ngùi tiếc thương những đồng đội đã mãi mãi ra đi, góp phần làm nên chiến thắng Mậu Thân 1968.
Từ khi trở về với đời thường, chúng tôi - những người may mắn còn sống sót sau trận chiến ấy luôn đau đáu suy nghĩ, làm thế nào xây dựng một nhà bia tưởng niệm, ghi danh đầy đủ 169 liệt sĩ để người dân địa phương cũng như đồng bào cả nước khi có dịp đến đây thắp hương, tưởng nhớ… Đây cũng là nguyện vọng của người dân địa phương. Chúng tôi rất vui mừng khi tâm nguyện xây dựng một nhà bia để tưởng niệm, tri ân những người đã ngã xuống sau 50 năm nay đã thành hiện thực”.
Đánh giá về công trình này, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nói: “Tôi rất xúc động khi về đây chứng kiến một công trình tâm linh được khánh thành. Xúc động nhất, đó là bằng tình cảm của những người lính, các CCB đã dành dụm, đóng góp đồng lương ít ỏi của mình cùng xây dựng một công trình có ý nghĩa đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Mậu Thân và cũng là dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Công trình này tuy quy mô không lớn, nhưng ý nghĩa chính trị, ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau rất lớn. Tôi đã giao cho địa phương, các cấp, ngành liên quan sớm xác lập hồ sơ đề nghị công nhận đây là di tích lịch sử cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia; để nơi đây trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh của địa phương. Sắp tới Hòa Thắng, Phú Hòa sẽ có một điểm du lịch mới và địa chỉ này là trung tâm. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương, tôi rất biết ơn tình cảm chân tình của những người lính, các CCB của Trung đoàn Ngô Quyền đã dành cho Phú Yên và công trình tâm linh này”.
HIẾU NGHĨA