Cục Hỗ trợ thực địa Liên Hợp Quốc vừa công bố kết quả thanh sát địa điểm huấn luyện gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo đó, Việt Nam cùng với ba nước là Campuchia, Indonesia, Thái Lan được chọn làm địa điểm huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế luân phiên.
Theo kế hoạch, khóa huấn luyện đầu tiên sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm 2018. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, đại tá Nguyễn Vân Hải, Tùy viên quân sự, Cố vấn Quân sự tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, ngày 27/6 cho biết khi trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của Việt Nam được khai trương năm 2014, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã đặt mục tiêu cho cơ sở phải trở thành một trung tâm hòa bình quốc tế.
Trong 4 năm qua kể từ khi được thành lập, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan đơn vị, đặc biệt là Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, Trung tâm Huấn luyện Gìn giữ Hòa bình của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện và hiện đã đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đại tá Nguyễn Vân Hải, việc Liên Hợp Quốc chọn Việt Nam làm địa điểm huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế đầu tiên trong số các nước ASEAN thể hiện đánh giá cao của Liên Hợp Quốc đối với sự tham gia chủ động, tích cực và khả năng đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
So với một số nước bạn trong ASEAN, sự đóng góp của Việt Nam đối với hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc còn mới và khá khiêm tốn, nhưng do cơ sở đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình khá tốt nên chất lượng cán bộ cử đi làm nhiệm vụ dưới cờ của Liên Hợp Quốc được ghi nhận và đánh giá cao.
Việc Việt Nam được chọn làm địa điểm huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế còn là một thành công trong hiện thực hóa đường lối chủ trương của Đảng về không ngừng hội nhập quốc tế và phấn đấu cho một thế giới an ninh và hòa bình.
Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Vân Hải nhấn mạnh rằng trong thời gian tới còn nhiều việc mà Việt Nam cần phải nỗ lực triển khai để khóa huấn luyện diễn ra vào cuối năm theo đúng kế hoạch. Cụ thể, phối hợp với Liên Hợp Quốc để ký bản ghi nhớ, xây dựng chương trình đào tạo và hoàn thiện các quy trình, thủ tục để đón học viên nước ngoài đến tham dự khóa học....
Đại tá Nguyễn Vân Hải cho biết, trong nhiều năm qua, Liên Hợp Quốc luôn chú trọng công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình. Đặc biệt là gần đây, Liên Hợp Quốc đã thực hiện thành công dự án huấn luyện gìn giữ hòa bình tại khu vực Trung Đông và châu Phi dưới hình thức hợp tác ba bên giữa Liên hợp quốc, nước tài trợ và các nước đăng cai.
Trong năm 2018, Liên Hợp Quốc mở rộng dự án này sang khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cùng với ba nước là Campuchia, Indonesia, Thái Lan được chọn làm địa điểm huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế luân phiên.
Hiện ngân sách cho hoạt động huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế do các nước đóng góp và độc lập với ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Hiện Nhật Bản là nước đóng góp tích cực nhất cho ngân sách này với 4,09 triệu USD/năm, tiếp đến là Israel, Thụy Điển và Brazil.
Theo TTXVN, Vietnam+