Tiểu đoàn 13, Tỉnh đội Phú Yên (nay là Bộ CHQS tỉnh) vừa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là sự ghi nhận đối với những đóng góp to lớn và xứng đáng của đơn vị này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Tiểu đoàn 13 là đơn vị cơ động có nhiệm vụ chiến đấu, làm nòng cốt hỗ trợ phong trào cách mạng của Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trước khi sáp nhập vào Tỉnh đội Phú Yên tháng 7/1969, Tiểu đoàn 13 có tên gọi là Tiểu đoàn 6 trực thuộc Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), (tiền thân là Trung đoàn 95A, Sư đoàn 325, Quân khu 4) trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh Trung Trung Bộ.
Ra quân là đánh thắng
Ghi nhận những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 13, Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng 6 Huân chương Chiến công và Chiến công Giải phóng; các đại đội và trung đội được tặng 20 huân chương các loại. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ của đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng và nhiều bằng khen, giấy khen; 10 đồng chí được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng. Tiểu đoàn 13 vinh dự và xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. |
Trận đánh đầu tiên trên chiến trường miền Nam của đơn vị này diễn ra vào ngày 12/2/1965 (mùng 7 Tết Ất Tỵ), phục kích đánh một đại đội học viên hạ sĩ quan mới ra trường và lính bảo vệ từ Trung tâm Huấn luyện Knăk (Gia Lai) xuống Bình Định trên đường 19. Sau hơn 30 phút chiến đấu, tiểu đoàn đã tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch, phá hủy 8 xe (có 2 xe bọc thép), bắt 8 tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, mở đầu cho truyền thống đã ra quân là đánh thắng của tiểu đoàn trên chiến trường miền Nam.
Chiến công tiếp nối chiến công, tiểu đoàn tiếp tục giành thắng lợi liên tiếp trên các chiến trường Gia Lai, Bình Định… Sau khi chuyển địa bàn chiến đấu sang chiến trường Phú Yên, tiểu đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị và lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức đánh bại cuộc càn quét, cướp lúa của địch vào ngày 23/10/1965 ở địa bàn 2 xã Hòa Bình, Hòa Đồng (huyện Tuy Hòa 1); phục kích đánh đoàn xe chở lính ngụy từ TX Tuy Hòa đi Tuy An trưa 22/11/1965, tiêu diệt gần hết 2 tiểu đoàn địch thuộc Chiến đoàn 47, 1 đại đội bảo an, 1 trung đội thông tin, 1 trung đội pháo 105 ly, 1 trung đội hóa học, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 49 xe GMC, 7 xe M113 và phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly, thu gần 10 súng các loại… Đặc biệt sau trận đầu đánh Mỹ ở gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An), ngày 6/2/1966, Tiểu đoàn 13 tập kích tiêu diệt gọn 1 đại đội Mỹ thuộc Lữ đoàn Dù 101 đi càn quét ở Bến Đá (xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1); cơ động đánh địch đổ bộ đường không xuống khu vực sông Chống Gậy, dốc Phường (xã Sơn Thành) tiêu diệt nhiều lính Mỹ và Nam Triều Tiên; vận động tập kích, tiêu diệt hàng chục tên địch, bắn rơi 2 máy bay trực thăng đổ quân xuống Hòn Quanh (xã An Nghiệp, huyện Tuy An) ngày 22/6/1966; phục kích, đánh thiệt hại nặng 1 cánh quân Mỹ tại Đồng Kè (xã Sơn Định), diệt gọn 1 đại đội thuộc Sư đoàn Không vận số 1 của Mỹ đổ bộ đường không lên khu căn cứ của tỉnh ở huyện Sơn Hòa…
Những trận đánh tiêu biểu
Trận phục kích đánh địch trên quốc lộ 1 qua đèo Cù Mông (xã Xuân Lộc, Sông Cầu) trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 (đợt 1) là một trong những trận đánh tiêu biểu của Tiểu đoàn 13. Sáng 11/2/1968 (mùng 7 tháng Giêng), địch điều động lực lượng thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên từ Bình Định hành quân bằng cơ giới vào chi viện cho quân địch ở Phú Yên. Lúc 9 giờ cùng ngày, quân địch lọt vào đội hình phục kích của ta, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh nổ súng, địch chống cự rất quyết liệt; cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng chiến đấu, xung phong tiêu diệt địch. Sau đó, Tiểu đoàn 13 tiếp tục trụ lại đánh địch phản kích bằng đường bộ từ Bình Định vào và địch đổ bộ đường không ở các điểm cao trên đèo Cù Mông, cắt đứt quốc lộ 1, không cho địch từ Bình Định vào chi viện cho TX Tuy Hòa. Kết quả, ta tiêu diệt phần lớn tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên, phá hủy 42 xe quân sự, trong đó có 2 xe tăng và 4 xe bọc thép. Với những thành tích trong trận này, Tiểu đoàn 13 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.
Trong giai đoạn từ tháng 7/1969-4/1975, Tiểu đoàn 13 cơ động đánh địch trên khắp chiến trường Phú Yên và chiến đấu bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Tỉnh ủy, Sở chỉ huy Tỉnh đội ở căn cứ cao nguyên Vân Hòa; đồng thời giúp các địa phương, hỗ trợ cho các mũi công tác của các xã, xây dựng cơ sở cách mạng ở cơ sở, giữ vững các vùng giải phóng.
Một trong những chiến công xuất sắc tiêu biểu trong giai đoạn này của Tiểu đoàn 13 là tham gia chiến dịch giải phóng quận lỵ Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) ngày 19/6/1971 cùng các lực lượng của tỉnh. Do điều kiện nước lớn, Đại đội 25 không vượt được sông Ba, nên kế hoạch đánh chiếm quận lỵ Củng Sơn không thực hiện được; Đại đội 202 và Tiểu đoàn 96 không làm chủ được cứ điểm Hòn Ngang. Tiểu đoàn 13, dưới sự chỉ huy của Chính trị viên Nguyễn Văn Tưa và 2 tiểu đoàn phó Trần Đôn, Nguyễn Châu Diên, Đại đội 3 tập kích vào Trung đội Bảo an ở Chi khu Củng Sơn; Đại đội 2 tập kích và trụ lại đánh địch ở ấp Bắc Lý; Đại đội 1 đánh địch phản kích ở phía đông đồi Đu Đủ. Lúc 6 giờ ngày 19/6, địch tăng cường lực lượng từ TX Tuy Hòa lên Củng Sơn bằng máy bay trực thăng. Chúng tổ chức nhiều đợt phản kích vào đội hình của Đại đội 2, nhưng đều bị lực lượng của ta kiên cường đánh trả, giữ vững trận địa. Do điều kiện không có công sự và không có hỏa lực của cấp trên chi viện, ta bị thương vong nhiều, đến chiều tối vừa đánh địch, vừa tổ chức đưa thương binh rời khỏi trận địa. Trong trận này, hơn 100 tên địch bị tiêu diệt và 1 máy bay trực thăng bị bắn hạ; ta hy sinh 57 đồng chí.
Đặc biệt, trận đánh cứ điểm Cầu Cháy (xã Hòa Đồng, huyện Tuy Hòa 1) rạng sáng 19/3/1975 của Tiểu đoàn 13 là trận đánh then chốt, mở đầu chiến dịch mùa xuân 1975 trên chiến trường Phú Yên. Tối 18/3/1975, Tiểu đoàn 13 được tăng cường 2 súng cối 82 ly, 2 súng ĐKZ 75 ly và 2 khẩu trọng liên 12 ly 7, được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Cầu Cháy. Nhưng gần sáng, sương mù càng dày đặc, từ các vị trí đặt hỏa lực không nhìn thấy rõ lô cốt địch. Do vậy, súng ĐKZ không thể tiêu diệt lô cốt đầu cầu. Lúc này, vị trí chỉ huy của tiểu đoàn bị trúng đạn cối 81 ly của địch, một số đồng chí hy sinh và bị thương (trong đó đồng chí Sức - Chính trị viên hy sinh, đồng chí Nguyễn Châu Diên - Tiểu đoàn trưởng bị thương nặng), phương tiện thông tin liên lạc bị hỏng. Tuy nhiên, các hướng, mũi đều đánh theo mệnh lệnh hiệp đồng, tiếp tục phát triển chiến đấu tiến công theo phương án, đánh chiếm từng lô cốt, đoạn chiến hào... Đến 7 giờ ngày 19/3, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Cầu Cháy. Trận đánh này Tiểu đoàn 13 giành thắng lợi với hiệu suất chiến đấu cao, đã cổ vũ tinh thần của các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục chiến đấu giành thắng lợi, làm nên chiến thắng đường 5 lịch sử, góp phần giải phóng tỉnh Phú Yên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Danh hiệu cao quý
Sau ngày đất nước thống nhất, Tiểu đoàn 13 nhận nhiệm vụ đi rà phá bom mìn giải phóng hàng trăm hécta đất ở cánh đồng Lạc Chỉ (xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa), đưa dân về làng cũ làm ăn. Đến tháng 12/1976, Tiểu đoàn 13 giải thể, một số cán bộ, chiến sĩ bổ sung cho các đơn vị thuộc Tỉnh đội Phú Khánh, số còn lại phục viên, chuyển ngành.
Là đơn vị có bề dày truyền thống trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 13 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách ác liệt, không ngại hy sinh, gian khổ, anh dũng chiến đấu trên 350 trận lớn, nhỏ. Trong đó độc lập tác chiến trên 200 trận, phối hợp chiến đấu trên 150 trận, loại khỏi vòng chiến đấu trên 2.500 tên địch, trong đó có hàng trăm lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên và bắt sống hàng trăm tên địch. Đồng thời phá hủy trên 200 phương tiện chiến tranh, thu hàng trăm vũ khí trang bị các loại. Trên 500 cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn 13 đã anh dũng hy sinh (chiến trường Phú Yên 313 đồng chí); trên 200 đồng chí bị thương. Thành tích đặc biệt xuất sắc các trận đánh tiêu biểu của Tiểu đoàn 13 được ghi trong nhiều sách sử, ghi đậm ở sách Lịch sử Phú Yên 30 năm chiến tranh giải phóng và Lịch sử LLVT Phú Yên 1945-2005.
Đại tá HOÀNG PHI LONG
Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh