Từng hai lần công tác ở Trường Quân sự địa phương trên hai cương vị khác nhau, đọng lại trong tôi là tình cảm ấm áp của những năm tháng cùng sống, cùng công tác với những người anh, người đồng chí nơi đây. Khoảng thời gian ấy tuy không dài, nhưng cũng đủ để lưu lại trong tâm trí tôi những bài học sâu sắc về hình ảnh người thầy mặc áo lính.
Lần đầu bỡ ngỡ
Tháng 1/1990, khi nhận quyết định của Bộ CHQS tỉnh về công tác tại Trường Quân sự tỉnh với chức vụ Phó Đại đội trưởng về chính trị Đại đội Quản lý học viên, tôi rất âu lo. Nhưng hơn 7 năm chiến đấu ở chiến trường K đầy gian nan vất vả đã rèn luyện cho tôi bản lĩnh, quyết tâm cao nhất để nhận nhiệm vụ trên “mặt trận” mới.
Đúng như những gì tôi lo lắng, thời gian đầu là thời gian đầy khó khăn vất vả, nhiệm vụ khác hoàn toàn với những nhiệm vụ của một người lính chiến. Cơ sở vật chất của nhà trường thiếu thốn mọi bề, giáo viên thì chưa được đào tạo về sư phạm, chủ yếu từ các chiến trường về đảm nhiệm công tác giảng dạy. Cán bộ làm công tác quản lý như tôi cũng phải kiêm nhiệm để lên lớp. Bên cạnh đó, điều kiện giảng dạy còn rất khó khăn, hầu như không có tài liệu, giáo trình nên giáo viên phải vừa dạy vừa tự nghiên cứu biên soạn giáo án, vừa làm các mô hình học cụ; nhiều lúc tưởng chừng như không vượt qua được. Nhưng với quan điểm: “Sống ở đời không có đường cùng, chỉ có những ranh giới, vấn đề cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy”, tất cả khó khăn, trở ngại ấy cũng trôi qua, nhường chỗ cho những tiếng cười khi mà tôi đã hòa nhịp được với những người anh, đồng đội, những học viên mến yêu của nhà trường.
Vừa mới làm quen và thấy cuộc sống dần ổn định, một thời gian ngắn sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ, tôi được điều chuyển sang đơn vị khác. Tôi cảm thấy hụt hẫng, nhưng nhiệm vụ của một người lính là thế. Hành trang cá nhân là chiếc ba lô và những tình cảm thân thiết lại theo tôi về đơn vị mới.
Vững tin trên cương vị mới
Năm 2003, tôi trở lại nhà trường nhận nhiệm vụ trong một tâm thế khác. Với chức trách là Phó Hiệu trưởng về chính trị, tôi được công tác cùng anh Lê Văn Nghiên, người hiệu trưởng đầy kinh nghiệm. Anh thuộc thế hệ đi trước, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chuẩn mực về tác phong quân sự nhưng lại không cứng nhắc trong công tác chỉ huy; ít sử dụng mệnh lệnh mà thay vào đó là dùng uy tín và biện pháp nêu gương trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị; gần gũi, giản dị trong sinh hoạt và cuộc sống đời thường nhưng kiên định, dũng cảm trong việc bảo vệ lẽ phải. Thực tế cho thấy hiệu quả của phong cách lãnh đạo chỉ huy mà anh thực hiện và duy trì đã giúp nhà trường ổn định tổ chức, đoàn kết và có được không khí làm việc cởi mở, thân thiện. Là người chỉ huy đơn vị với rất nhiều công việc phải quan tâm, đồng thời vẫn tham gia giảng dạy với khối lượng công việc không hề nhỏ, nhưng anh vẫn đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh, trình độ chuyên môn cũng như những mặt ưu, khuyết điểm, hạn chế của từng người để giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Được tiếp thêm sức mạnh tinh thần từ anh, tôi càng vững tin trên cương vị mới.
Với kinh nghiệm từng làm công tác quản lý học viên, tôi đã cùng các anh trong Đảng ủy - Ban Giám hiệu nhà trường đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT quản lý học viên. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chúng tôi và những người thầy mặc áo lính luôn nêu cao ý thức và tinh thần tự học, tự rèn, tự đào tạo để nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm. Trong giảng dạy, giáo viên phải hết lòng vì người học, vì chất lượng đào tạo và công bằng trong thi cử luôn được duy trì và trở thành nguyên tắc của nhà trường. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên vận dụng nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt là phương pháp giảng dạy tích cực: thầy và trò cùng nghiên cứu, thảo luận, tập bài; trong đó tập trung bồi dưỡng kỹ năng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị quân sự địa phương cho học viên. Đồng thời tăng cường giờ huấn luyện thực hành các môn kỹ chiến thuật, công tác tham mưu tác chiến của dân quân tự vệ, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phương pháp huấn luyện; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện bản lĩnh, năng lực chỉ huy. Bên cạnh đó, việc chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nhà trường vững mạnh toàn diện, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, chiến sĩ, học viên cũng được Đảng ủy - Ban Giám hiệu quan tâm. Nhờ đó, việc vi phạm kỷ luật của nhà trường ngày càng giảm, 100% học viên ra trường đều đảm nhiệm tốt chức trách theo chuyên môn đào tạo, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 2006, tôi được cấp trên điều động nhận nhiệm vụ ở một đơn vị mới. Thời gian công tác ở trường tuy chưa phải là nhiều, nhưng chính tại nơi này đã trang bị cho tôi những bài học quý giá và sâu sắc, giúp tôi trưởng thành hơn trong lãnh đạo, trong công tác quản lý, trong phương pháp sư phạm và trong cuộc sống. Trường Quân sự tỉnh đã trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng tôi mà là còn của tất cả các thế hệ cán bộ, giáo viên, chiến sĩ, học viên đã từng học tập, công tác.
Tận tâm, tận lực vì học viên thân yêu
Qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với muôn vàn khó khăn, gian khổ, trong chiến tranh cũng như thời bình, khi đội hình phân tán cũng như tập trung, qua nhiều lần di chuyển địa điểm đóng quân, nhà trường đã từng bước phát triển ngày càng vững chắc. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, tôi nhận thấy các thế hệ cán bộ, giáo viên, chiến sĩ, công nhân viên của trường đã tận tâm, tận lực vì học viên thân yêu, đoàn kết, gắn bó với sự nghiệp GD-ĐT, thực hiện theo lời Bác dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”; luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GD-ĐT. Trong suốt chặng đường hai phần ba thế kỷ, Trường Quân sự tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ cho quân đội và LLVT Phú Yên; đào tạo hàng ngàn sĩ quan dự bị, cán bộ chỉ huy quân sự cấp xã; bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng cho các đối tượng và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng LLVT Phú Yên ngày càng vững mạnh.
Những dòng tâm sự trên không phải để tô điểm cho thành tích cá nhân hay kể lể công lao trong xây dựng nhà trường, mà đó vừa là kỷ niệm, vừa là tình cảm và là trách nhiệm của những người đã từng học tập, công tác dưới mái trường mến yêu. Tôi rất mong cán bộ, giáo viên, chiến sĩ nhà trường qua các thời kỳ sẻ chia, cùng nhau phấn đấu, cùng nhau xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần tích cực vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng vững chắc.
Đại tá HOÀNG PHI LONG
Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh