Thứ Sáu, 17/01/2025 20:31 CH
“Biển đảo Việt Nam” - một tập sách quý
Thứ Bảy, 23/09/2017 11:00 SA

Tập sách Biển đảo Việt Nam do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ phát hành, cung cấp cho người đọc một cái nhìn khái quát và tương đối toàn diện về biển đảo nước nhà. Qua đó nâng cao lòng tự hào và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Tập sách Biển đảo Việt Nam - Ảnh: THẠCH BÍCH

Tập sách gồm 4 phần: Lịch sử và chủ quyền; Thủy quân và Hải thương; Văn hóa và tín ngưỡng; Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, với 43 bài viết, khảo cứu của các tác giả, nhà nghiên cứu trong nước và đang ở nước ngoài.

 

Cái nhìn bao quát về biển đảo

 

Trong phần thứ hai và phần thứ ba, qua 25 bài viết, khảo cứu của các tác giả, các vấn đề thủy quân và hải thương, văn hóa và tín ngưỡng biển đảo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã được trình bày khá phong phú. Trong Thủy quân triều Nguyễn những thời hoàng kim nhà nghiên cứu Vũ Hữu San (Hoa Kỳ), nêu rõ: “Không có một dân tộc nào trên thế giới có được những trang sử đấu tranh đậm đà màu sắc thủy chiến như của dân tộc Việt Nam. Đa số các trận đánh lớn trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta đều diễn ra trên chiến trường sông biển…

 

Trong quá trình đó, một nền nghệ thuật thủy chiến đã hình thành, mang những nét độc đáo. Trong quá khứ, Ngô Quyền mở nước bằng thủy chiến Bạch Đằng. Khi nhà Lý hùng cường, Lý Thường Kiệt cầm thủy quân đánh Tống, bình Chiêm. Nhà Trần đuổi Mông Cổ ra ngoài bờ cõi cũng bằng thủy chiến Bạch Đằng. Vua Gia Long thống nhất đất nước với kỳ tài và nỗ lực sử dụng thủy quân”. Liên hệ thực tiễn biển Đông hôm nay, ông viết: “Về tương lai, mối lo của dân ta sẽ lại đến từ mặt biển, từ Hoàng Sa, Trường Sa… Quân thủy vốn có khả năng đặc biệt là đánh nhanh, đánh bất ngờ, thọc sâu vào đất địch. Một chính quyền tốt phải lo việc xây dựng hải quân, bảo vệ đất nước”.

 

Trong khi đó, với bài viết Vai trò của môi trường biển đảo trong việc hình thành tính cách người miền biển, PGS-TS Nguyễn Duy Thiệu (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đã đi sâu phân tích, làm rõ tính cách của người dân miền biển nước ta với các đặc trưng là: “Ăn sóng nói gió”, “Ứng xử mềm” với thiên nhiên nghiệt ngã, tính cố kết cộng đồng cao, sống vì mọi người, tính quyết đoán và vai trò cá nhân. Vì thế có thể khẳng định rằng, hai đặc trưng “tính cố kết cộng đồng cao”, “tập quán sống mình vì mọi người” mà ông đã chỉ ra chính là cơ sở để ngày nay, trên các vùng biển nước ta, bà con ngư dân tập hợp lại thành các tổ tàu thuyền an toàn khi cùng nhau đi đánh bắt khơi xa. Khi gặp hoạn nạn do thiên tai hay nhân họa giữa biển cả bao la, các tổ này hỗ trợ lẫn nhau để bảo vệ tàu thuyền, bảo vệ ngư dân. Đồng thời góp phần cùng các lực lượng khác khẳng định, giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước…

 

Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam

 

Đặc biệt, tập sách dành phần thứ nhất và phần thứ tư để tập trung khẳng định một vấn đề cốt lõi: Hoàng Sa, Trường Sa luôn luôn và mãi mãi là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Với 5 bài viết có đầy đủ cứ liệu lịch sử đầy thuyết phục của Việt Nam, phương Tây và cả của Trung Hoa thời nhà Thanh, TS Trần Đức Anh Sơn và cử nhân Võ Văn Hoàng (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - kinh tế Đà Nẵng) đã chứng minh rằng Hoàng Sa, Trường Sa từ trước tới nay chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Hoa hàng trăm năm trước và Trung Quốc bây giờ. Qua nghiên cứu Hoàng Sa trong thư tịch cổ phương Tây, hai tác giả đã dày công khảo sát, giới thiệu 102 tư liệu và những nội dung liên quan bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Hà Lan hiện đang lưu giữ tại thư viện các nước châu Âu và Hoa Kỳ. Các tư liệu này đã “phản ánh những ghi nhận thực tế và khách quan của người phương Tây về việc người Việt Nam đã khám phá, khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa đã từ rất lâu. Đây là nguồn tư liệu quý góp phần vào việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa) là xác thực, không thể tranh cãi, với đầy đủ cơ sở lịch sử và cơ sở pháp lý. Không một quốc gia nào, một thế lực nào có thể tranh đoạt chủ quyền thiêng liêng ấy của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam”.

 

Trong bài Phản bác những luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Nam Hải (biển Đông), TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) bằng những chứng cứ lịch sử rất thuyết phục từ quá khứ đến hiện tại của Việt Nam, của các học giả quốc tế và của cả Trung Quốc từ cách đây mấy trăm năm đã chứng minh rằng Hoàng Sa, Trường Sa từ rất lâu rồi đã luôn là lãnh thổ của Việt Nam. Ông nói rõ: “Việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 là trái với Hiến chương và các nghị quyết của Liên Hợp Quốc; cũng như việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm 9 bãi đá ở quần đảo Trường Sa là vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Vì thế, chẳng có gì là lạ khi dư luận quốc tế kịch liệt lên án hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Về vấn đề này, trong tập sách, PGS-TS Trương Minh Dục (Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực III) đã có bài viết điểm lại phản ứng của dư luận quốc tế trước những hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc từ sau cuộc hải chiến Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay. Cụ thể, Báo Merdeca (Indonesia) nêu: “Việc đưa quân chiếm đóng các đảo ở vùng biển Nam Trung Hoa (biển Đông), trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chứng tỏ Trung Quốc đang thực hiện chính sách bành trướng của họ.” Còn GS Jean Pièrre Ferrier (Trường đại học Kinh tế, Luật và Khoa học xã hội Paris), nhận xét: “Đó là hành động vi phạm trắng trợn các quy tắc ngăn cản việc dùng vũ lực và việc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực. Việc xâm chiếm này về nguyên tắc là phi pháp. Hành động xâm chiếm bằng quân sự của Trung Quốc không giải quyết được vấn đề pháp lý”...

 

Biển đảo Việt Nam là một tập sách có nhiều tư liệu quý, giúp chúng ta có thêm hiểu biết, chia sẻ để từ đó càng yêu thương biển đảo của đất mẹ. Từ đó càng thấy rằng, góp phần giữ gìn vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam trong tình hình biển Đông chưa hết dậy sóng như hiện nay.

 

THIỆN VĂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek