Qua 8 năm triển khai thực hiện Luật Dân quân tự vệ (DQTV) trên địa bàn tỉnh, công tác tổ chức và hoạt động của lực lượng DQTV được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các mặt và đạt được kết quả quan trọng. Song bên cạnh đó, một số vướng mắc, bất cập cần khắc phục nhằm phát huy vai trò quan trọng của lực lượng này đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Luật DQTV do UBND tỉnh tổ chức mới đây, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều thống nhất đánh giá, Luật DQTV ra đời đã khẳng định vị trí, vai trò của lực lượng DQTV trong tình hình hiện nay, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý, chỉ huy, tổ chức, biên chế, hoạt động và bảo đảm tốt hơn về chế độ chính sách đối với DQTV.
Tổ chức biên chế của lực lượng DQTV đi vào nền nếp hơn; chất lượng chính trị, độ tin cậy của lực lượng “ngụ binh ư nông” (gửi binh vào nông) này cũng được nâng lên. Đa số quần chúng nhân dân nhận thức đúng, trách nhiệm cao hơn trong xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật DQTV cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Theo Điều 10, Luật DQTV, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tham gia DQTV nòng cốt là 4 năm. DQTV nòng cốt có thể kéo dài đối với dân quân không quá 2 năm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều cán bộ, chiến sĩ dân quân tâm huyết, nhiệt tình trong công tác, sức khỏe tốt rất muốn tham gia thời gian lâu hơn nhưng “vướng” bởi quy định này. Hay khoản 1, Điều 8, Nghị định 03/2016 hướng dẫn thi hành Luật DQTV, quy định: “Cấp xã trọng điểm về quốc phòng - an ninh là cấp xã biên giới, hải đảo, ven biển…”, nhưng trên thực tế, nhiều xã, phường, thị trấn ven biển có chiều dài bờ biển ngắn, không có tàu thuyền hoạt động trên biển…; điều này rất cần phải xác định phương pháp hoạt động của lực lượng DQTV.
Hơn nữa, theo quy định xã trọng điểm về quốc phòng - an ninh phải thành lập lực lượng dân quân thường trực (trong lực lượng dân quân cơ động), trong khi có rất nhiều xã đang hưởng chính sách bãi ngang, khả năng bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng dân quân thường trực của các xã này rất khó khăn, không thể hỗ trợ đầy đủ ngày công, tiền ăn, tiền huấn luyện hoạt động và bảo đảm xây dựng nhà làm việc, phòng trực và các trang thiết bị khác.
Theo đại tá Đỗ Quốc Đạt, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, khái niệm về DQTV biển quy định tại khoản 4, Điều 5 (Luật DQTV) chưa phù hợp, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, thực hiện thiếu thống nhất, vì thực tế DQTV biển không chỉ hoạt động trên biển mà cả trên bờ và trên đảo.
Mặt khác, theo quy định tại điểm b, c Điều 18 Luật DQTV, DQTV biển được tổ chức ở cấp xã, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, quy mô chủ yếu cấp tiểu đội, trung đội là chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình, nhiệm vụ của DQTV biển trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển, đảo Việt Nam.
“Trên thực tế, cấp xã không đủ khả năng chỉ đạo, quản lý, chỉ huy khi dân quân hoạt động trên biển. Vì vậy, cần thiết phải tổ chức DQTV biển ở cấp huyện, cấp tỉnh với quy mô cấp hải đội, hải đoàn”, đại tá Đỗ Quốc Đạt nêu quan điểm. Bên cạnh đó, Luật DQTV hiện hành cũng chưa quy định chính sách cho chủ phương tiện tàu thuyền có tổ chức DQTV trong thời gian được huy động huấn luyện và hoạt động trên biển. Còn tại Điều 10, Điều 11 Luật DQTV quy định việc mở rộng lực lượng DQTV trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, toàn bộ không quy định tổ chức đối với lực lượng DQTV biển là không phù hợp.
Theo lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố ven biển, hiện nay việc tổ chức xây dựng dân quân biển gặp nhiều khó khăn về tuyển chọn (nhất là trình độ học vấn), quản lý, chỉ huy. Các đơn vị dân quân biển thường không ổn định về nhân sự, tổ chức, biên chế do hoạt động khai thác thủy sản có tính thời vụ; chủ tàu thường thuê mướn lao động từ nhiều địa phương, dẫn tới nhiều xã, phường, thị trấn ven biển trên danh nghĩa có thành lập đơn vị dân quân biển, nhưng thực tế không gắn với phương tiện tàu thuyền. Do đó, việc huấn luyện, hoạt động và phản ánh tình hình trên biển hiệu quả còn hạn chế.
Một số vướng mắc, bất cập nữa là: Tại khoản 1, Điều 28 Luật DQTV không quy định thẩm quyền thành lập trung đội dân quân thông tin; nhưng tại khoản 3, Điều 9 Thông tư 33/2016/TT-BQP lại quy định cấp huyện “có thể tổ chức trung đội thông tin”. Cũng Thông tư 33, tại Điều 7 quy định về tổ chức biên chế DQTV, có nhiều điểm chưa phù hợp, nhất là đối với các xã vùng cao, xã ít dân số và các cơ quan, tổ chức cần xây dựng lực lượng tự vệ nhưng không đủ quân số theo yêu cầu tổ chức lực lượng DQTV của thông tư.
Từ thực tế triển khai thực hiện tại địa phương, các đại biểu kiến nghị Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung Luật DQTV và các văn bản dưới luật, tập trung vào những vấn đề cơ bản, như: vị trí, chức năng; nguyên tắc tổ chức hoạt động; thành phần, tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị, nhất là đối với tổ chức tự vệ trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, tổ chức DQTV biển; thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV; đăng ký, quản lý công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV và nguồn mở rộng DQTV; quy định về Ban CHQS bộ, ngành Trung ương, Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã, Thôn đội trưởng.
Đồng thời quy định và có hướng dẫn cụ thể về thời gian và bảo đảm huấn luyện hàng năm cho các đối tượng DQTV, nhất là DQTV biển, dân quân thường trực; cơ chế chỉ đạo, chỉ huy quản lý hoạt động của DQTV biển, tự vệ trong các doanh nghiệp. Định mức trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn cho cán bộ chiến sĩ DQTV, phụ cấp đối với cán bộ Ban CHQS cấp xã, Ban CHQS cơ quan, tổ chức cơ sở, cán bộ đơn vị DQTV; phân cấp nhiệm vụ chi cho công tác DQTV; chế độ chính sách về thai sản đối với cán bộ chiến sĩ nữ DQTV…
“Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan xem xét, bổ sung chức danh Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã vào công chức Nhà nước, nhằm kiện toàn chức danh công tác, nâng cao năng lực tham mưu của Ban CHQS cấp xã. Dân quân thường trực được hỗ trợ bảo hiểm xã hội và công tác liên tục cho đến hết độ tuổi quy định. Đồng thời có chế độ đãi ngộ cho lực lượng dân quân biển tham gia trên các tàu thuyền dân sự; quy định rõ nhiệm vụ chi của từng cấp chính quyền về trách nhiệm cấp ngân sách bảo đảm cho lực lượng DQTV các địa phương khó khăn về ngân sách…”, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Nguyễn Văn Khoa kiến nghị.
LẠC HỒNG