Thời gian gần đây, khi đang vào cao điểm mùa đánh bắt cá nam, trên nhiều vùng biển của tỉnh cũng gia tăng tình trạng khai thác, đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, chất độc, xung điện mang tính tận diệt, hủy hoại môi trường.
Sử dụng thuốc nổ, kích điện
Vào 8 giờ 30 ngày 23/4, tại khu vực Mũi Điện (thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa), lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đã phát hiện và bắt giữ 5 đối tượng (đều là người ở Khánh Hòa) có hành vi sử dụng chất nổ khai thác hải sản trái phép. Tiếp đó, vào 14 giờ ngày 8/5, tổ tuần tra Đồn Biên phòng An Hải phối hợp với Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh phát hiện và bắt quả tang Lê Văn Giai (SN 1965, trú thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, huyện Tuy An) cùng con trai là Lê Tấn Thống (SN 1995) sử dụng thuốc nổ trái phép để đánh bắt cá tại vùng biển An Chấn. Ngày hôm sau (9/5), tổ tuần tra Đồn Biên phòng Xuân Thịnh lại phát hiện, bắt giữ tàu cá QNg-50280TS do ông Lê Hồng Vũ làm chủ, cùng 3 lao động (đều trú tỉnh Quảng Ngãi) đang sử dụng kích điện công suất lớn để khai thác hải sản trên vùng biển thôn 3, xã Xuân Hải, TX Sông Cầu. Cũng trên vùng biển xã Xuân Hải, vào 2 giờ ngày 18/5, trên đường tuần tra, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Thịnh phát hiện, bắt quả tang Phạm Văn Minh (35 tuổi, trú thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) điều khiển tàu cá (chưa có đăng ký) cùng 3 lao động sử dụng kích điện để khai thác hải sản.
Theo trung tá Trần Anh Long, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, bên cạnh hoạt động khai thác thủy hải sản bằng chất nổ, xung điện…, tình trạng các phương tiện hành nghề giã cào ở khu vực biển gần bờ cũng còn diễn ra. Các phương tiện này thường hoạt động vào đêm tối, vừa tận diệt nguồn lợi thủy sản, có khi cào mất ngư cụ của ngư dân. Bên cạnh đó, việc một số ngư dân sử dụng bóng Thái Lan trong khai thác đánh bắt cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và sự phát triển bền vững của các loài thủy hải sản ven bờ và ở các đầm, vịnh.
Cần giải pháp đồng bộ, căn cơ
Theo kinh nghiệm của bà con ngư dân, hàng năm, bắt đầu từ tháng 3 trở đi, khi có gió từ hướng đông nam mang hơi nước từ đại dương thổi vào đất liền mát rượi (người miền Trung gọi là gió nồm), những đàn cá cũng theo đó mà vào gần bờ để kiếm ăn, sinh sản. Ca dao vùng Bình Định, Phú Yên có câu “Cho dù ăn chín mười heo/ Không bằng ngọn gió trong đèo thổi ra…” chính là để chỉ ngọn gió nồm mát lành này. Đây cũng là thời điểm biển có nhiều luồng cá áp bờ. Nắm bắt được quy luật này, một số người đã sửdụng các chất cấm như hóa chất, thuốc nổ, xung điện để khai thác, đánh bắt trái phép, nhất là ở những vùng biển có những bãi rạn san hô - nơi nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao trú ngụ. Các hình thức khai thác đánh bắt theo kiểu tận diệt này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, mà còn trực tiếp tác động xấu tới môi trường biển, gây mất an ninh trật tự. Mặc dù BĐBP đã phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền trong ngư dân rằng việc sửdụng xung điện, chất nổ để đánh bắt, khai thác thủy sản là trực tiếp hủy hoại môi trường nước khiến các loài thủy hải sản bị tiêu diệt tận gốc, không phát triển được; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Theo ông Nguyễn Lù (67 tuổi, ngư dân ở làng biển Vũng Chào, thôn Dân Phú 1, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu), nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác, đánh bắt hải sản bằng chất nổ, kích điện và những ngư cụbị cấm vẫn tái diễn và gần đây có chiều hướng gia tăng, một phần do chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Một số người vì lợi ích trước mắt nên vẫn lén lút sử dụng, bất chấp luật pháp quy định, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng ngăn cấm, xử phạt. Trong khi đó, việc tìm mua các công cụ, vật liệu nổ trôi nổi trên thị trường phục vụ cho việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản bằng cách hủy diệt đối với những người làm ăn bất chính này không quá khó khăn.
Chính vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi nạn khai thác, đánh bắt thủy hải sản bằng cách hủy diệt cần phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ. Đó là cùng với phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại khi sử dụng xung điện, chất nổ và các ngư cụ thuộc diện cấm để khai thác, đánh bắt thủy hải sản, vận động các hộ ngư dân ký cam kết không sửdụng các hình thức này trong khai thác, đánh bắt thủy sản, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ở các đầm, vịnh, vùng biển gần bờ, nhất là vào mùa cá sinh sản. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc mua bán hóa chất, vật liệu nổ…, rà soát, theo dõi thường xuyên các đối tượng nghi vấn; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn kịp thời. Phát huy vai trò của các tổ, đội ngư dân sản xuất bền vững, tàu thuyền an toàn làm “tai mắt” cho BĐBP và cơ quan chức năng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xửlý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các tổ chức quần chúng ở xã, phường, thị trấn tích cực phối hợp vận động ngư dân ở các làng biển nói không với khai thác thủy hải sản bằng cách hủy diệt.
VĂN LANG