UBND tỉnh vừa tổ chức rút kinh nghiệm công tác tuyển quân năm 2017 và đánh giá kết quả qua 2 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (Luật NVQS). Trong đó, về Luật NVQS, nhiều ý kiến cho rằng, luật đã quy định rõ ràng về trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và mỗi công dân trong công tác tuyển quân cũng như các chế độ, chính sách đối với công dân trong việc đăng ký NVQS lần đầu, khám sức khỏe…
Qua tổ chức thực hiện Luật NVQS, công tác tuyển quân bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực, song cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Đó là việc ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện luật chưa đồng bộ hoặc còn chậm, dẫn đến các địa phương bị động, lúng túng. Cụ thể, công tác chuẩn bị cho giao quân 2016 phải tiến hành chậm nhất là từ giữa năm 2015, nhưng đến ngày 1/1/2016 Luật NVQS mới có hiệu lực. Còn thông tư quy định tiêu chuẩn chính trị thì ban hành ngày 15/4/2016; thông tư quy định việc khám sức khỏe ban hành ngày 30/6/2016, gây khó khăn cho các địa phương trong công tác xét duyệt chính trị - chính sách và khám sức khỏe tuyển quân năm 2016.
Điều đáng nói là, ngày 19/2/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13, quy định về trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe NVQS, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này.
Ngoài ra, một số điều luật khi thực hiện cũng gặp khó khăn. Điều 30 quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ “công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”. Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp sinh viên đã được tạm hoãn 2 năm để trả nợ môn, khi đó đã 26 tuổi, nhưng vẫn chưa tốt nghiệp. Những trường hợp này, các đơn vị nhận quân không nhận vì lý do: chưa tốt nghiệp, trên 25 tuổi. Mặt khác, cũng là sinh viên chưa tốt nghiệp cao đẳng, đại học vì lý do nợ môn, nhưng có trường cho phép sinh viên được thi lại để tốt nghiệp tối đa 5 năm. Như vậy, theo Luật NVQS thì trong trường hợp này, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường đã hết tuổi phục vụ NVQS. Hay đối với những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: cha, mẹ thường xuyên đau bệnh (chưa hết tuổi lao động), trong hộ khẩu gia đình còn có 1 chị gái và 1 em gái, Luật NVQS không quy định tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ. Nhưng trên thực tế, những trường hợp này các đơn vị nhận quân không nhận vì lý do: gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Còn Điều 40 quy định “khám sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân”, nhưng trên thực tế, công an các địa phương không tổ chức khám sức khỏe cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân mà lấy kết quả khám sức khỏe NVQS để tuyển chọn…
Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, sớm bổ sung, chỉnh sửa, ban hành các thông tư hướng dẫn kịp thời, phù hợp với thực tế để công tác tuyển quân thuận lợi, đạt kết quả cao.
LẠC VIỆT