Sau gần 50 ngày bị lực lượng chấp pháp của Brunei bắt giữ, tạm giam với 2 lần ra tòa vì xâm phạm vùng biển của nước họ, ngày 3/5 vừa qua, 10 ngư dân trên tàu cá PY-90541TS đã về đoàn tụ với gia đình trong niềm vui sướng và xúc động của người thân, bạn bè. Những giọt nước mắt trào tuôn như có vị mặn của muối biển và nỗi buồn trong những ngày tháng xa quê hương.
Thuyền trưởng Phan Hồng Đại (trái) và thuyền viên Lưu Văn Đức (phải) - Ảnh: XUÂN HIẾU |
Lần dò hỏi tìm, xuyên qua nhiều ngõ hẻm…, cuối cùng, tôi cũng tìm ra được mái ấm của anh Phan Hồng Đại (40 tuổi, thuyền trưởng tàu cá PY-90541TS) nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở khu phố 2, phường 6, TP Tuy Hòa. Căn nhà cấp 4 rộng chừng vài chục mét vuông, không có số, vợ chồng anh Đại cùng 3 đứa con sống chung với cha mẹ già. Đến một lần khó mà nhớ được lối ra - vào căn nhà này. Anh Đại thì nói nó thuộc hẻm/ngách/đường Bạch Đằng, nhưng hai cụ thân sinh của anh thì bảo nó thuộc đường Nguyễn Công Trứ. Đã hơn 3 giờ chiều nhưng không khí trong nhà vẫn rất oi nồng. Tôi ngồi nghe anh Đại thuật lại chuyến biển mà anh bảo là “nhớ đời” với ánh mắt thất thần.
Vì... mãi theo luồng cá
Anh Phan Hồng Đại cho biết chuyến biển “nhớ đời” này ngoài anh là thuyền trưởng còn có 9 anh em bạn (thuyền viên), gồm: Lưu Văn Đức (48 tuổi), Nguyễn Thanh Tùng (40 tuổi), Phan Văn Thừa (38 tuổi), Văn Đình Long (27 tuổi), Vũ Đình Luân (26 tuổi), đều trú phường 6, TP Tuy Hòa; Trần Xuân Diệu (32 tuổi), Nguyễn Văn Xoi (29 tuổi), Trần Xuân Mạnh (18 tuổi), cùng trú xã An Phú, TP Tuy Hòa và anh Huỳnh Xuân Cường (khoảng 40 tuổi, ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa). Tàu xuất bến vào ngày 7/2 tại cảng cá phường 6 đi câu cá ngừ đại dương. Chủ tàu là ông Nguyễn Văn Túy (51 tuổi, ở phường 6) chuẩn bị phí tổn cho chuyến biển này hết 200 triệu đồng, dự kiến thời gian đi về trong vòng 2 tháng.
Cũng như mọi khi, chiếc PY-09541TS và nhiều tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân TP Tuy Hòa tập trung khai thác ở vùng biển truyền thống là Hoàng Sa - Trường Sa và thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Tuy nhiên, do mật độ khai thác dày nên những ngư trường này gần đây lượng cá giảm đáng kể. Lần theo dòng chảy và đi tìm luồng cá tàu nhích dần, nhích dần đến vùng biển của Brunei lúc nào không ai để ý. Đến ngày 13/3 tàu ở vị trí 5,57 độ vĩ Bắc - 113,55 độ kinh Đông, cách đảo An Bang (quần đảo Trường Sa) về phía nam đông nam khoảng 150 hải lý và cách bờ biển Brunei (theo tuyên bố của nước này) về phía tây bắc khoảng 90 hải lý. “Lúc này khoảng 7 giờ tối và trăng rất sáng. Sau khi thả câu xong, anh em ngồi nghỉ ngơi trên boong, chờ khoảng 2 tiếng sau sẽ kéo câu thì tàu của Brunei xuất hiện. Họ áp sát và nhiều người mặc quân phục có trang bị súng nhảy lên tàu cá. Lúc đầu, mọi người rất hoang mang lo sợ vì tưởng là gặp cướp biển, sẽ bị cướp bóc, đánh đập. Nhưng nhìn qua trang phục, chúng tôi đoán họ là lính hải quân hoặc cảnh sát biển nên bình tâm trở lại. Còn cách nói và cử chỉ của họ cho biết, tàu cá của chúng tôi đã xâm phạm vùng biển của nước họ. Sau khi kiểm tra sơ bộ trên tàu, họ đưa 8 người sang bên tàu của họ và giữ lại 2 người là tôi (thuyền trưởng) và anh Cường (Huỳnh Xuân Cường - PV) để lái tàu đi theo họ. Tàu chạy suốt đêm và đến khoảng 3 giờ chiều hôm sau là cập bến”, anh Đại nhớ lại.
10 tháng tù giam = 10.000 đô la Brunei
Mặc dù không hề bị đánh đập hay đối xử tệ gì nhưng chuỗi ngày “xuất ngoại” bất đắc dĩ ở xứ người là khoảng thời gian mà theo anh Đại và các anh em bạn là thời gian… dài chưa từng thấy. “Suốt ngày chúng tôi chỉ quanh quẩn trong khu nhà giam, ngóng chờ tin tức của gia đình, chủ tàu và mong được sớm trả tự do”, anh Lưu Văn Đức ở khu phố 2, phường 6 - người lớn tuổi nhất trong số 10 ngư dân trên tàu PY-90541TS bị lực lượng chức năng của Brunei bắt giữ - cho biết. Sau khi vào đến bờ, họ đưa mọi người đến đồn cảnh sát để kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu… Mỗi người chỉ được mang theo đồ dùng cá nhân, còn tất cả mọi thứ đều để lại trên tàu. Thông qua hai người là đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei (họ tự giới thiệu), thuyền trưởng Phan Hồng Đại được phép gọi điện thoại về báo tin cho chủ tàu Nguyễn Văn Túy. Hai ngày sau, họ đưa 10 người ra tòa xét xử, lấy lời khai. Mọi người đều thành khẩn trình bày, do cuộc sống nghèo khó, không có phương tiện làm ăn nên phải đi làm thuê, mong tòa của nước sở tại xem xét giảm nhẹ hình phạt và trả tự do để được về nước, đoàn tụ với gia đình. Phiên xét xử lần tiếp theo cách lần đầu hai tuần và cũng là phiên xử cuối cùng, nhà chức trách Brunei tuyên phạt thuyền trưởng Phan Hồng Đại 10 tháng tù giam, tương đương với tiền chuộc là 10.000 đô la Brunei (162 triệu đồng Việt Nam). Còn mỗi thuyền viên bị phạt 1 tháng tù giam tương đương với tiền chuộc 500 đôla Brunei. Riêng đối với chủ tàu Nguyễn Văn Túy nếu muốn lấy lại tàu và ngư cụ phải nộp phạt 22.000 đô la Brunei. Ngày 2/5, sau khi ông Túy đã nộp tiền phạt và đứng ra bảo lãnh, 10 ngư dân được trả tự do và được phép hồi hương. “Suốt gần 50 ngày ở trong trại giam, chúng tôi đều được họ đối xử tử tế, được ăn ba bữa mỗi ngày. Suất ăn buổi sáng thường là bánh đậu xanh hoặc bánh mì kẹp thịt. Còn buổi trưa và chiều được ăn cơm. Thức ăn thường xuyên thay đổi và khá hợp với khẩu vị của mọi người. Có điều, những ngày đầu họ chỉ phát cơm và thức ăn đựng trong hộp nhưng không có chén đũa nên anh em phải bốc tay để ăn (như cách ăn của người Brunei). Về sau, mỗi bữa ăn họ phát cho mỗi người một cái muỗng. Trong phòng giam có nhà vệ sinh, nhà tắm đủ để mọi người dùng chung. Ngoài số ngư dân Việt Nam chúng tôi còn có nhiều người mang quốc tịch các nước Trung Quốc, Philippines…cũng bị bắt vào đây với cùng “tội danh” xâm phạm, khai thác hải sản trái phép trong vùng biển của họ”, anh Đức kể.
Tiếp tục vươn khơi bám biển
Theo anh Phan Hồng Đại, trong gần 20 năm theo nghề biển giã, trong đó có gần 10 năm làm thuyền trưởng, đây là lần đầu tiên anh “gặp xui xẻo”. Giữa trời nước mênh mông, vì chủ quan nên anh đã để phương tiện lấn sang vùng biển của nước bạn, phải bỏ tiền nộp phạt để không bị ngồi tù. “Gia đình tôi hiện có 7 người, gồm cha mẹ già, vợ chồng tôi và 3 đứa con đều ở tuổi vị thành niên. Vợ tôi chỉ ở nhà lo việc nội trợ, chăm sóc cha mẹ già và các con. Nguồn thu nhập chính đều trong cậy vào một mình tôi. Để có tiền nộp phạt, gia đình phải đi vay mượn nhiều người. Nghỉ ngơi một thời gian, chờ ông Túy lấy tàu về tôi sẽ tiếp tục ra biển, cố sức làm để trả nợ. Rút kinh nghiệm về bài học xương máu này, trong khi vươn khơi bám biển tôi sẽ chỉ đánh bắt ở ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam, không để phương tiện xâm phạm vùng biển của các nước bạn”, anh Đại bày tỏ. Còn anh Lưu Văn Đức chia sẻ: “Mỗi chuyến biển kéo dài 1-2 tháng, trung bình mỗi người được chủ tàu trả công từ 5-7 triệu đồng, chưa kể ăn uống. Gặp buổi xui rủi như lần này, chủ tàu, thuyền trưởng và anh em bạn không chỉ trắng tay mà còn đổ nợ. Tuy vậy, được lành lặn trở về là anh em còn cơ hội để “kéo cày trả nợ”. Nếu gặp cướp biển hoặc xâm phạm vùng biển của Indonesia thì hậu quả sẽ còn lớn hơn”.
Ngày 8/5, ông Nguyễn Văn Túy cùng một số tài công đã lên máy bay sang Brunei nộp phạt và làm các thủ tục để chuộc lại tàu cá PY-90541TS. Dự kiến khoảng một tuần sau, tàu cá này sẽ về đến cảng phường 6 sau gần 2 tháng bị lực lượng chức năng của nước này bắt giữ. Ông Túy cho biết, nguồn sống của gia đình ông và nhiều anh em bạn là chiếc tàu này nên ông sẽ sửa chữa lại rồi tiếp tục cho tàu ra khơi hoạt động đánh bắt, vừa để giữ gìn nghề truyền thống của cha ông, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và để trả dần số nợ đã vay mượn nộp phạt cho Brunei.
Thời gian qua, một lượng lớn tàu thuyền và ngư dân Việt Nam, trong đó có ngư dân Phú Yên xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác cá trái phép. Nguyên nhân chính là do một số tàu cá, ngư dân Việt Nam trong quá trình khai thác hải sản, mãi bám theo luồng cá hoặc không biết thông tin về ranh giới các vùng biển nên đã vô tình xâm phạm vùng biển nước ngoài. Cũng có nhiều ngư dân Việt Nam vì lợi ích kinh tế trước mắt, mặc dù đã nắm được quy định của pháp luật, biết rõ ranh giới các vùng biển nhưng vẫn cố tình vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép. Riêng cơ quan chức năng của Indonesia đang giam giữ gần 580 ngư dân thuộc 72 tàu của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (328 ngư dân), Bình Định (62 ngư dân), Khánh Hòa (58 ngư dân), Tiền Giang (66 ngư dân), Kiên Giang (44 ngư dân), Bình Thuận (13 ngư dân) và Phú Yên (6 ngư dân). Ngoài hình thức phạt tù và phạt tiền, Indonesia đã áp dụng các biện pháp cứng rắn như cho tiêu hủy toàn bộ số tàu, thuyền vi phạm. Điều này không những gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho ngư dân và xã hội, mà còn ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam đối với các nước trong khu vực và quốc tế. Cùng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng chủ thuyền, thuyền trưởng, giúp họ nhận thức và hiểu biết sâu kỹ về các vùng biển, ranh giới biển, về các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước, BĐBP khuyến cáo bà con ngư dân hoạt động khai thác trên biển phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam và của các nước, không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời vận động các thuyền trưởng viết cam kết, áp dụng các biện pháp tịch thu bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác, tịch thu phương tiện nếu tái phạm.
LẠC VIỆT