Khác với đường biên giới quốc gia trên đất liền, đường biên giới quốc gia trên biển không được đánh dấu bằng các cột mốc quốc giới, mà được công bố bằng các bản kê tọa độ địa lý của đường biên giới đó trong các hiệp ước phân định lãnh hải hay gián tiếp bằng các bản kê tọa độ địa lý các điểm của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và được thể hiện trên các hải đồ có tỉ lệ thích hợp. Hải đồ và các bản kê tọa độ địa lý các điểm này phải được công bố theo đúng thủ tục và gửi Liên Hợp Quốc để lưu chiểu.
Với đặc điểm khác biệt đó nên việc quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển (KVBGB) trong thời gian qua, cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật của người và phương tiện hoạt động trong KVBGB còn bất cập, hạn chế. Đó là phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng chức năng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; trách nhiệm xây dựng, quản lý bảo vệ KVBGB của các cấp, ngành, các lực lượng còn thiếu cụ thể. Nhiều hoạt động của người, phương tiện ở KVBGB chưa được quy định chặt chẽ, thống nhất, tính khả thi không cao; vẫn còn một số trường hợp ngư dân hoạt động đánh bắt xâm phạm vùng biển của nước khác và ngược lại...
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở KVBGB, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2015 về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong KVBGB nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 72 triển khai nghị định này, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 01/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 147/2015 của UBND tỉnh về tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong KVBGB của tỉnh theo quy định của pháp luật. Các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia tại địa phương theo phân cấp; xây dựng KVBGB mạnh về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh; duy trì và phát triển các tổ, đội Tàu thuyền an toàn, kết hợp phát triển kinh tế gắn với tham gia đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, bảo vệ an ninh trật tự KVBGB của tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân địa phương nâng cao nhận thức và có ý thức tham gia bảo vệ tài nguyên, chủ quyền biên giới biển, cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời trong các trường hợp tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta; giáo dục và yêu cầu các chủ phương tiện, thuyền trưởng thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Nhà nước, quy định của pháp luật, cam kết không vi phạm vùng biển các nước tiếp giáp; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Đối với ngư dân, những người trực tiếp hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển thì thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp; thuyền viên phải có chứng chỉ chuyên môn. Tàu thuyền hoạt động trong KVBGB phải có đầy đủ các loại giấy tờ (bản chính) liên quan đến lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật; xuất trình giấy tờ và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của BĐBP và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
LẠC VIỆT