Thứ Hai, 13/01/2025 14:43 CH
“Mỹ tôn trọng chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam“
Thứ Năm, 09/06/2016 16:53 CH

Đại sứ Osius nhấn mạnh: "Hai nước đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương cho ít nhất 50, 60 năm nữa".

Một loạt các vấn đề trong quan hệ Việt - Mỹ, từ quốc phòng, biển Đông cho đến tranh cãi về cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey đã được thảo luận trong buổi nói chuyện tại Washington DC vào sáng 9/6 giữa đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius với các học giả Mỹ và quốc tế. Sự kiện được Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế (CSIS) tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

 

Trước hàng trăm cử tọa ngồi kín phòng hội nghị lớn nhất của CSIS, đại sứ Ted Osius điểm lại những dấu mốc quan trọng trong chuyến thăm của Tổng thống Obama như tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, các thỏa thuận cam kết đẩy mạnh hợp tác an ninh, ứng phó thảm họa, giải quyết hậu quả chiến tranh, chống buôn bán động vật hoang dã…

 

Đại sứ Osius chia sẻ, ông từng nói với nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cách đây một năm rằng, nếu cố gắng hết sức và thực sự may mắn thì ông chỉ hy vọng đạt được tối đa là 8 trong số 12 thỏa thuận chung giữa hai bên trước thời điểm Tổng thống Obama thăm Việt Nam, nhưng trên thực tế thì con số này là 20.

 

“Điều đó chứng tỏ rằng Việt Nam đã sẵn sàng hợp tác toàn diện với Mỹ trong mọi lĩnh vực. Tôi thấy rằng hai nước đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương cho ít nhất 50, 60 năm nữa”, Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh.

 

Một trong những vấn đề được cử tọa quan tâm nhất là hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ. Trước câu hỏi về khả năng tiếp cận vịnh Cam Ranh đối với Mỹ, đại sứ Osius tái khẳng định Mỹ tôn trọng chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam: không gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, và không dựa vào nước này để chống nước kia.

 

Theo đại sứ Osius, nếu điều kiện cho phép thì Mỹ có thể sẽ tận dụng các dịch vụ trả phí ở cảng quốc tế Cam Ranh, bao gồm tiếp dầu hay sửa chữa như tàu của Singapore và Nhật Bản đã làm, nhưng sẽ không tìm cách đặt căn cứ quân sự tại đây.

 

Theo Ted Osius, Mỹ hoàn toàn không trông đợi tiếp cận căn cứ Hải quân của Việt Nam, luân chuyển quân hay đặt căn cứ quân sự tại Cam Ranh. Mọi đồn đoán về những vấn đề này đều không đúng sự thực. Liên quan đến tình hình biển Đông, đại sứ Osius cho biết Mỹ muốn có những đối tác mạnh, có khả năng tốt nhất để xác định và đối phó với những thách thức tại tuyến hàng hải trọng yếu này.     

 

“Chẳng mấy ai nghi ngờ rằng những hành động của Trung Quốc đã đẩy một số nước Đông Nam Á lại gần hơn với Mỹ. Trung Quốc sẽ phải tự mình xem xét liệu các hành động của họ có mang lại lợi ích lâu dài cho họ hay không. Chúng ta không nên để Trung Quốc dễ dàng hành xử đơn phương trái với luật pháp quốc tế tại biển Đông”, Đại sứ Ted Osius nói.

 

Đại sứ Osius cũng cho rằng, ASEAN cần có phản ứng thống nhất trước phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc trong tranh chấp tại biển Đông. 

 

Trả lời câu hỏi về giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, đại sứ Osius cho biết Mỹ đang tích cực đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong rà phá bom mìn còn sót lại từ thời chiến. Ông Osius hy vọng bom mìn và vật nổ còn lại tại Quảng Trị sẽ được làm sạch trong khoảng 5 hoặc 6 năm nữa và mô hình này sẽ được nhân rộng ra các tỉnh khác như Hà Tĩnh hay Thừa Thiên - Huế.

 

Nỗ lực tiếp theo sẽ là tẩy độc dioxin tại Biên Hòa, một dự án mà Đại sứ Mỹ mô tả là thách thức rất lớn do khu vực ô nhiễm rộng gấp 5 lần tại Đà Nẵng. Ông Osius cũng cho biết Mỹ đang hỗ trợ nạn nhân tại 10 tỉnh nhiễm độc dioxin nặng nhất và sẽ tiếp tục làm nhiều hơn nữa.

 

Chuyển sang hợp tác kinh tế, trước câu hỏi về những rủi ro có thể xảy ra đối với doanh nghiệp Mỹ đang và sẽ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đại sứ Osius khẳng định không nơi nào trên thế giới có thể tránh được 100% rủi ro. Lợi thế lớn của Việt Nam là sự ổn định và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với pháp quyền và sự phát triển của doanh nghiệp.

 

Ông Osius nhấn mạnh: “Nếu chúng ta nhìn vào một đất nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, người dân có học thức, chi phí nhân công thấp hơn một số nước trong khu vực, là thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương thì đó là những sự lựa chọn hấp dẫn đối với rất nhiều công ty. Tôi cho rằng cơ hội của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam nhìn chung là rất tốt”.

 

Về những tranh cãi liên quan đến cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey, người được lựa chọn làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của Trường đại học Fulbright Việt Nam, Đại sứ Ted Osius khẳng định đại học Fulbright Việt Nam là một thực thể độc lập và do vậy Hội đồng Tín thác của trường không phải do Chính phủ Mỹ hay Việt Nam lựa chọn.

 

Ông Osius cho rằng những tranh luận hiện nay là một dấu hiệu rất tích cực và việc thành lập trường đại học Fulbright Việt Nam là cơ hội tạo ra những tranh luận lành mạnh về quá khứ cũng như về một tương lai mà Việt Nam mong muốn.   

 

"Người Việt Nam độ lượng và tư tưởng tiến bộ"

 

“Không nơi nào trên thế giới mà người dân có tư tưởng tiến bộ và khoan dung hơn Việt Nam. Họ thật phi thường nếu như chúng ta nhìn lại chặng đường quan hệ và những cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác mới giữa hai nước. Người Việt Nam độ lượng và có tư tưởng tiến bộ tới mức không thể tin nổi. Tôi cho rằng cuối cùng thì người Việt Nam cũng sẽ hướng tới tương lai và tha thứ”, Đại sứ Ted Osius cho biết.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek