Sau 25 ngày triển khai đường dây nóng, Thanh tra Chính phủ đã nhận được 329 cuộc điện thoại, tin nhắn tố giác tham nhũng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Thông tin trên được Thanh tra Chính phủ đưa ra sáng 7/1 tại họp báo quý IV/2015 thông tin về kết quả chủ yếu công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng năm 2015 diễn ra ở Hà Nội.
Thông tin với báo chí về đường dây nóng để người dân tố cáo tham nhũng mà Thanh tra Chính phủ triển khai trong thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết những vấn đề, vụ việc được phản ánh qua đường dây nóng chủ yếu là về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, thuế, tài chính và công tác cán bộ; về lực lượng chức năng, cán bộ, công chức có dấu hiệu nhận mãi lộ, hối lộ, tham nhũng; lĩnh vực xuất nhập khẩu, "chạy" việc làm; về giải quyết chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo...
Trong đó, 120 tin phản ánh những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí đã được Thanh tra Chính phủ ghi nhận và đề nghị cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ và trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng. 6 nguồn tin đã được Cục Chống tham nhũng nghiên cứu, xác minh và đề xuất với Tổng Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra trong thời gian tới.
Thông qua đường dây nóng, Cục Chống tham nhũng đã giải thích pháp luật về phòng chống tham nhũng, thủ tục khiếu nại, tố cáo cho người dân biết và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Cục trưởng Phạm Trọng Đạt đánh giá thu thập nguồn tin tố giác tham nhũng là chức năng, nhiệm vụ và là công việc thường xuyên của ngành thanh tra. Việc mở đường dây nóng, trong đó có số liên lạc của lãnh đạo Cục là giải pháp để thu thập được nhiều nguồn tin thực tế, nhất từ người dân và cả cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền.
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu xây dựng, hình thành bộ phận chuyên trách tiếp nhận và xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng như mô hình nguồn tin tố giác tội phạm của lực lượng công an, nhằm phát huy vai trò của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2015, toàn ngành đã triển khai hơn 6.500 cuộc thanh tra hành chính và hơn 243.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện vi phạm với hơn 97.400 tỉ đồng, gần 16.460 ha đất, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 24.000 tỉ đồng và hơn 6.700 ha đất.
Toàn ngành kiểm tra, đôn đốc thực hiện 3.365 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi 2.825,5 tỷ đồng (đạt 58,3%), 7.141 ha đất (đạt 71%), đôn đốc xử lý 688 tập thể, 1.619 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 40 vụ, 133 đối tượng.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, năm 2015, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 385.526 lượt công dân (có 5.174 đoàn đông người) với 188.340 vụ việc; tiếp nhận, xử lý 252.108 đơn thư; có 41.782 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 26.870 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 84%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 129 tỉ đồng, 159 ha đất; trả lại quyền lợi cho 2.528 người, kiến nghị xử lý hành chính 419 người.
Trong năm 2016, Thanh tra Chính phủ sẽ từng bước đổi mới công tác thanh tra, không ngừng nâng cao hiệu quả thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đồng thời tăng cường hoạt động đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỉ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh, trật tự nhất là trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo TTXVN, Vietnam+