Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Lương, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm lên 18 tuổi, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ kính yêu và tiếng vọng thiêng liêng của Tổ quốc, với nhiệt huyết của tuổi xuân, tôi xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành Thanh niên xung phong của Đoàn 559.
Thời gian đầu (năm 1965), đơn vị tôi đóng quân ở giáp biên giới Lào, rồi chuyển sang Tà Khống (Trung Lào) - một trong những chiến trường ác liệt nhất vào thời điểm đó. Đến đầu năm 1969, tôi được điều động vào chiến trường B3 - Tây Nguyên, phục vụ tại Bệnh viện 211 của quân đội. Sau hơn 4 năm làm nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc thương binh giữa lằn tên mũi đạn của quân thù, sự sống và cái chết gần như không có ranh giới, ngày 30/7/1973, tôi được cấp trên giải quyết cho phục viên, trở về địa phương, công tác tại Trạm Y tế xã Phú Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình).
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam - Bắc thống nhất, tôi theo chồng về Phú Yên, sinh sống tại thôn Bàn Nham Nam, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa. Chồng tôi nguyên là bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559. Mặc dù sức khỏe suy giảm, nhưng tôi vẫn tích cực tham gia cấp ủy, là đại biểu HĐND xã ba nhiệm kỳ liền và làm bí thư chi bộ, trưởng thôn gần 20 năm liên tục. Nhưng oái ăm thay, chiến tranh đã qua nhưng nỗi đau của nó thì vẫn cứ đeo bám dai dẳng. Do ảnh hưởng của chất độc da cam, chồng và hai đứa con của tôi bệnh đau liên miên và lần lượt ra đi, để lại cho tôi nỗi trống vắng và niềm đau không dứt. Cuộc sống đã khốn khó, sau đó lại càng khốn khó hơn do đã dồn tất cả vào bệnh u não cùng với hai lần mổ thận cho chồng và thuốc thang cho các con với hy vọng “còn nước còn tát”, nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi. Căn nhà mái lá bà con góp công xây cất từ năm 1981 làm nơi trú mưa, trú nắng đã xiêu vẹo lâu ngày cũng muốn đi theo những người đã khuất, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Với trợ cấp hàng tháng một triệu đồng do nhiễm chất độc da cam, tôi không còn nguồn thu nhập nào khác, lo cho cái ăn đã khó, làm gì có của ăn của để mà sửa lại, trước là để ở, sau thờ cúng ông bà, cha mẹ, chồng con? Tôi gần như suy sụp hoàn toàn. Nếu không có cái chất “Thanh niên xung phong”, “Bộ đội Trường Sơn” trong người chắc tôi không thể đứng vững trong những ngày tháng khó khăn tột cùng ấy.
Theo đề xuất của Chi hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn (Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh) tỉnh, được sự quan tâm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và trung tướng Lê Văn Hoàng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, đầu năm 2015, tôi được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà ở. Đây là món quà từ tấm lòng, nghĩa tình cao quý mà đồng chí, đồng đội đã dành cho tôi. Có ngôi nhà mới khang trang, vững chắc, nay tôi không còn phải lo lắng vào mỗi mùa mưa đến. Được ở trong ngôi nhà mới ấm tình đồng chí, đồng đội tôi như khỏe và trẻ lại, bớt đi nỗi lo toan vào những năm tháng cuối đời.
Cám ơn trung tướng Lê Văn Hoàng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đông Hòa, các chị trong Chi hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn (Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh) tỉnh cùng các cấp lãnh đạo đã quan tâm đến tôi và những hoàn cảnh như tôi.
BÙI THỊ BÔNG