Khắc phục điều kiện xa xôi, cách trở, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) thường xuyên bám địa bàn, gần gũi với quần chúng nhân dân, trở thành điểm tựa cho người dân vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng tuyến biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
GIÚP DÂN THOÁT NGHÈO
Đứng chân ở làng biển Vịnh Hòa, Đồn Biên phòng Xuân Thịnh được phân công quản lý tuyến biên phòng có chiều dài bờ biển 34km, với 16 thôn thuộc 4 xã Xuân Thịnh, Xuân Hòa, Xuân Cảnh, Xuân Hải. Toàn tuyến có gần 7.400 hộ dân với hơn 30.300 nhân khẩu sống rải rác dọc theo các bãi ngang từ thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh) đến thôn 2 (xã Xuân Hải). Người dân ở đây đa số sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản.
Nhớ lại 20 năm trước, Vịnh Hòa như một "ốc đảo", đứng ở đâu cũng thấy biển vô tận và cát cũng vô tận. Mỗi lần đến với Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, chúng tôi phải đi đò qua bến Xuân Cảnh hoặc men theo mép nước vượt qua những động cát dài để sang. Mùa nắng, đêm nằm nghe cát bay ràn rạt, sáng thức dậy sân đồn thấy toàn cát. Ở làng biển này, cái nghèo đói cứ đeo bám người dân, khiến không ít gia đình phải bỏ xứ đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Còn bây giờ, từ quốc lộ 1 đoạn đèo Nại, chạy xe máy theo con đường bê tông phẳng lì qua 2 thôn Nhà Ngòi, Phú Dương của xã Xuân Thịnh khoảng 7 đến 8 cây số là tới đồn. Hai bên đường, những ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo ngày nào được thay bằng những ngôi nhà mái ngói, nhà tầng khang trang tạo cho làng biển xa xôi này một diện mạo mới. “Làng biển này thay da đổi thịt từ sau khi có đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước; được cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) vận động, bàn cách thoát nghèo, bà con mạnh dạn đầu tư vốn, công sức nuôi trồng thủy sản”, chị Lương Thị Hoa, một người dân ở thôn Vịnh Hòa nhớ lại.
Còn theo ông Sáu Phong và nhiều người dân địa phương, chính con tôm hùm làm thay đổi cuộc sống của người dân làng biển này mà khởi điểm là từ những người lính biên phòng. Đó là vào giữa thập kỷ 90 thế kỷ XX, biết chuyện nhiều ngư dân ở Vịnh Hòa giàu lên nhờ nuôi tôm hùm thành công ở vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), đại úy Nguyễn Văn Lẽ, lúc ấy là Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, cũng là người bản địa đã tranh thủ những ngày phép, rủ một số ngư dân của Vịnh Hòa vào Cam Ranh học cách nuôi tôm hùm. Về lại địa phương, cùng với vận động, khích lệ tinh thần, anh và cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Thịnh còn tiết kiệm chi tiêu từ đồng lương, góp vốn cùng người dân nuôi thử. Ban đầu chỉ vài hộ nuôi, chủ yếu là tự khai thác con giống, thức ăn, lấy công làm lời. Nhờ môi trường trong lành, chịu khó bỏ công chăm sóc nên vụ nuôi nào bà con cũng thu lãi lớn. Người đầu tư vài trăm triệu có khi thu về đôi ba tỉ. “Nếu không có sự khởi đầu khi ấy; nếu không có sự chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới của những người lính quân hàm xanh thời gian gần đây, thì diện mạo, đời sống của người dân làng biển Vịnh Hòa - Xuân Thịnh không như ngày hôm nay", ông Huỳnh Ngọc Thử, Bí thư Chi bộ thôn Vịnh Hòa quả quyết.
VỮNG VÀNG THẾ TRẬN BIÊN PHÒNG
Cũng như các tuyến khác trên địa bàn tỉnh, an ninh trật tự trên địa bàn tuyến biển do Đồn Biên phòng Xuân Thịnh quản lý thời gian qua ổn định. Tuy nhiên, là tuyến biển có nhiều vịnh, vũng, gành, rạn… cá thường về trú ngụ, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản nên một số đối tượng dùng chất nổ, chất độc khai thác thủy sản mang tính hủy diệt đến khu vực này ẩn nấp, hoạt động trái phép. Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp ngư trường, tung va, mang lưới trên biển; việc khiếu kiện liên quan đến nuôi trồng thủy sản; tệ nạn rượu chè, cờ bạc, trộm cắp… vẫn còn xảy ra.
Thiếu tá Lê Hữu Thao, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, cho biết: Xác định công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là một nhiệm vụ thường xuyên, là mũi nhọn của đơn vị trên cơ sở gắn việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nhiệm vụ chính trị được giao; Đảng ủy - Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Xuân Thịnh đã tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp biên phòng; bố trí lực lượng bám sát địa bàn, nâng cao chất lượng công tác nắm, tổng hợp, dự báo tình hình. Đồng thời, đơn vị thường xuyên duy trì tốt mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng công an, quân sự, các đồn biên phòng giáp ranh và đảng ủy, chính quyền 4 xã trên địa bàn đồn phụ trách. Định kỳ hàng tháng, quý… đồn tổ chức giao ban trao đổi tình hình, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, gian lận thương mại, sử dụng hóa chất, chất nổ khai thác thủy sản. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân, nhiều đối tượng dùng thuốc nổ, hóa chất để khai thác thủy sản đã bị bắt quả tang, ngăn chặn kịp thời. “Ở tuyến biên phòng này, BĐBP với bà con ngư dân như người một nhà. Trách nhiệm bảo vệ bình yên cho tuyến biển là trách nhiệm chung của mọi người, mọi nhà, trong đó BĐBP là nòng cốt. Nếu có người lạ đến địa bàn hay có vấn đề gì về an ninh trật tự là bà con tìm cách báo ngay cho đồn biên phòng", Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Xuân Thịnh Mai Văn Toàn, cho biết.
Đến nay, trên địa bàn đồn phụ trách đã có 25 tổ Tàu thuyền an toàn với 271 phương tiện và 182 dòng họ/1.156 hộ gia đình tham gia. Để có được kết quả này, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Thịnh đã nối tiếp nhau làm chỗ dựa vững chắc, vừa chăm lo, hỗ trợ người dân thoát nghèo, xây dựng cuộc sống no ấm, vừa tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
LÊ VŨ