Chủ Nhật, 13/10/2024 03:19 SA
Cuộc hội ngộ sau 40 năm
Thứ Sáu, 17/04/2015 07:30 SA

Sau 40 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, những cựu tù binh Trại giam Cần Thơ sau Hiệp định Paris mới có dịp gặp nhau. Cuộc hội ngộ giữa lòng TP Tuy Hòa - nơi khúc ruột miền Trung yêu thương - do UBND tỉnh Phú Yên tổ chức.

 

Cựu tù binh Trại giam Cần Thơ trong ngày hội ngộ sau 40 năm - Ảnh: L.HỒNG

 

SỐNG TRONG TÙ KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT

 

Chiến tranh đã lùi xa 4 thập kỷ, nhưng những ký ức về “địa ngục trần gian” của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vẫn còn khắc sâu, khó phai trong tâm trí của những cựu tù chính trị yêu nước Trại giam Cần Thơ - một phân trại của nhà tù Phú Quốc. 40 năm sau ngày ra tù, cũng là mừng ngày chiến thắng, đất nước thống nhất, giờ mới có dịp gặp lại nhau, những bạn tù ôm ghì lấy nhau, mắt ngấn lệ trong niềm vui ngày hội ngộ ngập tràn hạnh phúc. Những vòng tay thật chặt, những nụ cười và cả những giọt nước mắt lẫn trong câu chuyện lúc nhớ, lúc quên về một thời bi hùng sống, chiến đấu trong sự giam cầm, tra tấn dã man của kẻ thù… lần lượt, đan xen hiện về.

 

“Sáng 30/4/1975, máy bay địch bất ngờ cất cánh từ phía sân bay Trà Nóc gần đó như đang tháo chạy. Anh em tù nhân còn chưa hiểu chuyện gì, thì thấy viên thiếu tá Hoàng Đình Hoạt mang theo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, cùng chiếc radio đi mở từng buồng giam, giọng thiểu não: “Các ông đã là người chiến thắng, giờ tôi xin đầu hàng”. Qua tên Hoạt, anh em tù được biết Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Tuy vô cùng phấn khởi, nhưng anh em không mất kỷ luật mà ngay lập tức thành lập một tiểu đoàn, một mặt cử người canh gác trại giam bảo vệ thương, bệnh binh, một mặt bắt tên Hoạt mở kho lấy súng và tiến về TP Cần Thơ trong “quân trang” là những bộ quần áo tù cùng lực lượng tại chỗ tiếp quản nguyên vẹn các công sở của địch. Hai ngày sau, đại quân ta mới tiến vào giải phóng TP Cần Thơ”- ông Phan Văn Lợi nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Thứ (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân), cựu tù binh Trại giam Cần Thơ, chia sẻ: “Tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ và không may bị sa vào tay giặc, bị kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn, đàn áp rất dã man nhưng chúng tôi vẫn không khuất phục, luôn kề vai sát cánh bên nhau đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chia nhau từng hạt muối và tin tưởng vào ngày thắng lợi”.

 

Ông Phạm Văn Lợi, Phó trưởng ban liên lạc Cựu tù binh Việt Nam Trại giam Cần Thơ, bùi ngùi nhớ lại: Sau Hiệp định Pari (27/1/1973), tại Trại giam Cần Thơ kẻ thù đã giam cầm hơn 1.000 người yêu nước, trong đó Phú Yên có 11 người, như anh Cự, chị Thứ… Hàng ngày, các tù nhân bị kẻ thù đàn áp, tra tấn rất dã man. Chúng dùng nhiều biện pháp thâm độc để giết dần, giết mòn về thể xác cũng như tinh thần chiến đấu của anh em tù. Nhưng địch càng đàn áp, khủng bố thì các tù binh Trại giam Cần Thơ càng nung nấu ý chí căm thù, càng đoàn kết, đấu tranh quyết liệt bằng nhiều hình thức. Vũ khí chỉ có tấm lòng kiên trung với Đảng và niềm tin tất thắng, nhưng những chiến sĩ cách mạng đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Trong quá trình đấu tranh, nhiều đồng chí đã giữ vững khí tiết, anh dũng hy sinh, như Chú Tám (Nghệ An), Chú Hữu (Nam Bộ); các anh Lê Đình Khiêm, Nguyễn Xuân Thuyết… “Tôi vẫn còn nhớ đợt đấu tranh tuyệt thực kéo dài gần nửa tháng của anh em phòng giam số 19 phản đối chính sách ngược đãi tù binh của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Để chuẩn bị cho buổi đấu tranh cách mạng đó, anh em đã rải một lớp tro bếp ngay dưới chỗ nằm của mình để… vệ sinh tại chỗ. Trần mái tôn thì đục thủng để hứng nước mưa hàng đêm… Đến ngày thứ 9 có anh em hy sinh vì kiệt sức nhưng cả phòng vẫn không nản. Đến ngày thứ 11, khi một số anh em phòng giam 19 rạch bụng đấu tranh, địch khiếp sợ tháo lui và cho một phái đoàn vào thương lượng…”, ông Lợi nhớ lại. Sau buổi đấu tranh tuyệt thực đó, cuộc sống trong trại cũng dễ chịu hơn. Ngay cả tên thiếu tá ngụy Hoàng Đình Hoạt được điều từ Phú Quốc về hòng trấn áp, lung lạc ý chí người tù cách mạng cũng phải khoanh tay đứng nhìn ta tổ chức các lớp học dạy văn hóa, ngoại ngữ và dạy đàn trong tù. Cựu tù Trịnh Văn Đạo (quê Bình Dục, Hà Nam), bị địch bắt khi đang hoạt động tại Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, vào Trại giam Cần Thơ ngày 8/10/1973, kể: “Khi vô tù tôi mới 21 tuổi, biết đàn ghi ta, măng đô lin. Hồi đó, không có đàn, chúng tôi có sáng kiến gò tôn và tận dụng những thanh gỗ thông dán tường làm đàn ghi ta, đàn măng đô lin. Không có dây đàn, anh em cũng có sáng kiến làm ra máy se dây “rề”, dây “mi”… từ những đoạn dây điện. Vào dịp sinh nhật Bác, thành lập Đảng, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động…, cùng với tổ chức sinh hoạt văn nghệ, anh em còn tổ chức bích báo, treo cờ Tổ quốc và ảnh Bác. Giấy làm bích báo được tận dụng từ bìa các tông, vỏ kem đánh răng bóc tách ra rồi ghép lại thành khổ lớn. Màu vẽ được các “nghệ sĩ” lấy từ những viên thuốc chống sốt rét, thuốc kháng sinh giã ra… Nhờ đó mà tập hợp, đoàn kết được anh em, đấu tranh có hiệu quả với bọn cai tù”.

 

Cựu tù binh Trại giam Cần Thơ, sau Hiệp định Pari trong ngày hội ngộ sau 40 năm - Ảnh: L.HỒNG

 

SỐNG NGOÀI ĐỜI TÌNH NGHĨA THỦY CHUNG

 

Sau ngày chiến thắng 30/4, được thoát khỏi vòng kìm kẹp của kẻ thù, các cựu tù binh Trại giam Cần Thơ phần lớn trở về địa phương, đơn vị cũ tiếp tục học tập công tác, một số đồng chí trở thành Bộ đội Cụ Hồ làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế. Phát huy phẩm chất kiên trung, một lòng theo Đảng, nhiều đồng chí trở thành những cán bộ cấp cao trong quân đội, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, là những doanh nhân làm ăn giỏi… Tuy nhiên, có không ít người do phải hứng chịu những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, sức khỏe bị giảm sút, mất sức lao động. Đa số những trường hợp này đã được hưởng các chế độ của Nhà nước, nhưng có một số trường hợp do thất lạc giấy tờ gốc nên chưa được hưởng, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Tại cuộc hội ngộ này; với sự vận động của Ban liên lạc Cựu tù binh Việt Nam Trại giam Cần Thơ sau Hiệp định Pari và cựu tù Phạm Đình Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ 100 triệu đồng trao tặng 11 đối tượng chính sách trong tỉnh và 22 cựu tù hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn. Việc làm này cho thấy, dù bất kỳ cương vị, lĩnh vực công tác nào các cựu tù binh Trại giam Cần Thơ sau Hiệp định Pari vẫn gìn giữ và phát huy phẩm chất đã được tôi luyện trong nhà tù; thực hiện tốt di huấn của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: “Sống trong tù kiên trung bất khuất/Sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”.

 

“Chúng tôi nguyện phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, nêu gương sáng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho các thế hệ con cháu; tiếp tục đóng góp trí tuệ, sức lực, làm nòng cốt và là chỗ dựa vững chắc cho các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp” - cựu tù Lê Xuân Hòa (Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) thổ lộ.

 

LẠC HỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek