Thứ Tư, 22/01/2025 20:50 CH
“Quả ngọt” của những thầy giáo mang quân hàm xanh
Thứ Sáu, 08/08/2014 15:00 CH

Bộ đội biên phòng tham gia bồi dưỡng hè cho học sinh vùng biển- Ảnh: L.SƠN

Nhờ những thầy giáo mang quân hàm xanh mở lớp học tình thương, dạy cho con chữ mà những trẻ em con nhà nghèo ở các làng biển tuy không được cắp sách đến trường vẫn biết đọc, biết viết, biết cách làm ăn, hòa nhập với cuộc sống đời thường.

 

LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG

 

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, đến một số làng biển ở TX Sông Cầu, chúng tôi gặp lớp học tình thương và những học sinh bất đắc dĩ. Gọi “học sinh bất đắc dĩ” vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể đến lớp, đến trường như bạn bè cùng trang lứa nên các em theo học các lớp này. Và những người tình nguyện dạy chữ, giúp các em biết đọc, biết viết chính là cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng mà người dân địa phương gọi bằng cái tên thân mật, trìu mến thầy giáo mang quân hàm xanh.

 

Đồn Biên phòng Xuân Thịnh đóng quân tại xã bán đảo Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) và phụ trách, quản lý địa bàn gồm 4 xã: Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Hòa, Xuân Hải. Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển gắn với xây dựng phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, cán bộ chiến sĩ của đơn vị còn làm tốt công tác phổ cập, xóa mù chữ cho con em các gia đình đặc biệt khó khăn, không có điều kiện đến trường bằng việc mở lớp học tình thương. Để vận động các gia đình cho con em mình đi học, gần như ngày nào các chiến sĩ biên phòng cũng cùng với cán bộ các ban, ngành, đoàn thể đến từng ngóc ngách, ngõ hẻm của làng chài tìm đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Với sự kiên trì, bền bỉ bằng tấm lòng và trách nhiệm, cuối cùng, các lớp học tình thương lần lượt ra đời. Học sinh đến lớp không chỉ được dạy chữ miễn phí mà còn được cấp sách, vở, bút mực từ tiền túi của thầy giáo, tiền tiết kiệm của đồn. Lớp học thì mượn phòng học của trường tiểu học và phải bố trí giờ học lệch giờ học của trường, thường là vào buổi trưa hoặc cuối buổi chiều.

 

Anh Nguyễn Ngọc An, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thịnh, nguyên chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, một trong những thầy giáo mang quân hàm xanh của hơn 20 năm về trước, nhớ lại: “Hồi đó, đời sống của người dân quá khó khăn, nhận thức của bà con cũng còn hạn chế. Nhiều người có suy nghĩ, trẻ em sinh ra không đau ốm, bệnh tật, lớn lên biết theo cha anh đi biển đánh cá là tốt rồi nên không muốn cho đến lớp. Một số gia đình thấy con em mình muốn đi học như bạn bè trang lứa, nhưng bản thân họ lo cái ăn, cái mặc chưa xong, không có tiền lo sách vở, bút mực nên cũng “cấm”. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động mở lớp học tình thương gặp rất nhiều khó khăn”.

 

Ngoài việc vận động các em đến lớp, những thầy giáo mang quân hàm xanh còn gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác. Thường mỗi lớp học không chỉ có một mà nhiều nhóm lớp ghép lại với nhau, có lúc trong một lớp có cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Các “thầy giáo” cũng tùy theo học lực của từng em mà dạy cho phù hợp. Theo “thầy giáo” Nguyễn Ngọc An, thời điểm đó, được phân công giảng dạy lớp học tình thương là điều vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm. Để có thể đứng lớp, bản thân anh cũng như những “thầy giáo” khác phải tự nghiên cứu sách giáo khoa, rồi đến “dự giờ” học tập phương pháp lên lớp của các thầy cô ở trường tiểu học, tự trau dồi kỹ năng, kiến thức sư phạm để dạy cho học sinh của mình. Chưa hết, lớp học đang được duy trì, nhiều em tiến bộ thấy rõ, thì bỗng dưng cha mẹ các em đến gọi về để phụ giúp công việc gia đình, không cho học tiếp. Lúc này, các “thầy giáo” phải làm lại từ đầu, phải đến từng ngóc ngách, đến từng nhà để thuyết phục vận động.

 

ĐƠM HOA, KẾT TRÁI

 

Anh Đỗ Trọng Đạo, năm nay 38 tuổi, một trong những học sinh học lớp tình thương do “thầy giáo” An trực tiếp đứng lớp, cho biết, sau khi học đến lớp 5, vì nhà quá xa trường, không có điều kiện học tiếp nên anh đành ở nhà phụ giúp gia đình làm ăn, phát triển nghề đánh bắt hải sản do cha truyền lại. Năm 2002, sau khi lập gia đình, anh Đạo vay mượn người thân mua một chiếc xuồng máy D15 hành nghề đánh bắt tôm hùm giống ven bờ. Dành dụm được một số vốn tương đối, năm 2011, anh mua tàu cá chuyển sang làm nghề chà tôm ở vùng biển xa hơn. Hiện vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà mới khang trang, riêng năm 2013 thu nhập 120 triệu đồng. “Tuy không có điều kiện học lên cao hơn nhưng với những kiến thức mà các thầy giáo biên phòng truyền dạy đã giúp tôi mở mang đầu óc và biết cách học hỏi để làm ăn hiệu quả” - anh Đạo tâm sự.

 

Tương tự, chị Lê Thị Kim Chuyển (37 tuổi) cũng là một trong những học sinh học lớp tình thương của những “thầy giáo mang quân hàm xanh” Đồn Biên phòng Xuân Thịnh ngày nào. Nhờ được học chữ, biết đọc, biết viết, lớn lên, chị Chuyển biết tính toán và có tư duy làm ăn phù hợp. “Chính những con chữ của các chú, các anh Bộ đội Biên phòng đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Sau khi lập gia đình, tôi mạnh dạn làm đơn vay vốn đầu tư cửa hàng mua bán gas và nước uống, nhờ vậy mà gia đình đã thoát nghèo” - chị Chuyển chia sẻ.

 

Ông Huỳnh Ngọc Thử, Bí thư Chi bộ thôn Vinh Hòa khẳng định: Việc Đồn Biên phòng Xuân Thịnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở lớp học tình thương đã tạo điều kiện cho con em ở vùng bán đảo này có cơ hội biết đọc, biết viết. Bây giờ các cháu đã trưởng thành và hầu hết đều biết cách làm ăn, kinh tế gia đình tương đối ổn định.

 

Từ năm 1993 đến năm 1999, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Thịnh đã phối hợp mở 5 lớp học tình thương, dạy chữ cho 187 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5; đồng thời mở 2 lớp xóa mù chữ và phối hợp vận động trên 1.500 học sinh bỏ học giữa chừng trở lại lớp. Những việc làm trên giúp nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo và xây dựng địa bàn biên giới biển của đồn phụ trách từng bước vững mạnh, góp phần huy động sức lực của nhân dân vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo.

 

LÊ VŨ - LAM SƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek