Theo nguyện vọng của nhiều cựu chiến binh (CCB) - hầu hết đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức cuộc gặp mặt những người lính của Trung đoàn 10 Ngô Quyền năm xưa, nhân kỷ niệm 50 năm những người lính của đơn vị này vào Nam chiến đấu trên mảnh đất Phú Yên anh hùng.
Đại tá Đặng Phi Thưởng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn Ngô Quyền, người trực tiếp tham mưu, đề xuất tổ chức cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa và xúc động này cho biết: Ban đầu dự kiến số lượng chỉ khoảng 80 người nhưng con số đăng ký cứ tăng lên dần, đến gần 150 người, đang sinh sống ở hơn 20 tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, trong đó có nhiều nữ CCB. Lịch đón các đại biểu ở xa là từ ngày 17/7, nhưng trước đó nhiều ngày đã có người đến vì họ nói “nhớ Phú Yên quá, muốn đến sớm để được ở lại lâu, thăm lại chiến trường xưa xem đã thay da đổi thịt như thế nào”.
Cũng theo đại tá Đặng Phi Thưởng, Trung đoàn Ngô Quyền (tên đầy đủ là Trung đoàn 10 Ngô Quyền) là phiên hiệu sau khi đơn vị này vào Nam chiến đấu ở chiến trường Phú Yên. Tên ban đầu của đơn vị là Trung đoàn 95 (tiền thân là Chi đội Nguyễn Thiện Thuật), lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được thành lập đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 55 của Bác Hồ, 19/5/1945, chuẩn bị lực lượng cùng cả nước cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Cuối năm 1964, sau khi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân xâm lược nước ta, để tăng cường cho chiến trường miền Nam, Trung đoàn 95 được lệnh lên đường vào Nam, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Phú Yên.
Sau gần 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất và đằng đẵng nửa thế kỷ từ khi rời mảnh đất Phú Yên nay mới gặp lại nên nhiều người ôm chầm lấy nhau, người này nắm chặt tay người kia, chuyện trò không dứt. Trong cuộc gặp mặt đầy xúc động, ấm tình đồng chí đồng đội, đại tá Lê Duy Trí (đến từ Thanh Hóa), nguyên Chính trị viên Trung đoàn Ngô Quyền nhớ lại: “Hồi ấy, chúng tôi còn là những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi, là sinh viên hoặc mới ra trường xung phong lên đường nhập ngũ, mang trong mình bầu nhiệt huyết với lòng căm thù giặc sâu sắc và thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nay hầu hết đã ngoài 70, nhưng trước âm mưu xâm lấn, bành trướng của nước lớn đối với vùng biển, vùng trời Tổ quốc của chúng ta, bầu nhiệt huyết ấy vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, ký ức về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Phú Yên và tình cảm mà người dân dành cho bộ đội vẫn còn khắc sâu trong tâm trí chúng tôi”. Nguyên Trung đoàn trưởng Phạm Thanh Mười (quê Nghệ An, đến từ Cần Thơ), tự hào cho biết: “Sau khi đặt chân đến Phú Yên, ngay trận đầu đánh Mỹ tại thôn Mỹ Cảnh, xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa), chúng tôi đã lập công vang dội, diệt gọn 1 đại đội thuộc Lữ đoàn dù 173 của Mỹ. Trong những năm chiến đấu trên đất Phú Yên, đơn vị tổ chức và tham gia đánh hơn 300 trận, có lúc một người lính Ngô Quyền phải chiến đấu với 20 đến 25 lính Mỹ và Nam Triều Tiên, tiêu diệt hàng ngàn tên địch. Đặc biệt, trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, đơn vị đã hiệp đồng cùng bộ đội địa phương tổ chức 3 đợt tiến công vào tỉnh lỵ Phú Yên, làm tiêu hao nhiều binh lực địch, khiến chúng khiếp sợ. Đến năm 1969, trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ, rời Phú Yên nhận nhiệm vụ mới”. “Ngày ấy trang thiết bị y tế, thuốc men rất thiếu thốn; cán bộ bệnh xá làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn động viên nhau làm tốt nhiệm vụ tiếp nhận, cứu chữa thương binh, nhường phần ăn, chăm sóc tốt nhất để các anh sớm hồi phục sức khỏe trở lại trận địa tiếp tục tham gia chiến đấu theo nguyện vọng” - bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê (TP Tuy Hòa, Phú Yên), nguyên Bệnh xá trưởng Y13 - đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang - chia sẻ.
Trước buổi gặp mặt, trong không khí cả nước hướng đến kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, các CCB Ngô Quyền cũng đã về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, viếng Nhà thờ Bác Hồ… tận mắt chứng kiến sự thay da, đổi thịt của từng địa phương, nơi đơn vị đóng quân, chiến đấu. Đại tá Nguyễn Văn Thùy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hải Dương, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền bùi ngùi bày tỏ: “Những ngày vừa qua, được về thăm lại chiến trường xưa, tận mắt nhìn thấy quê hương Phú Yên đổi thay chúng tôi rất vui mừng. Những tên đất, tên làng, tên trận địa, như gò Thì Thùng, Phú Thứ, Mỹ Cảnh, Suối Phẩn, Phú Tân, Hòa Đa… và tên của những đồng chí, đồng đội đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất này không bao giờ phai mờ trong tôi”. CCB Võ Cao Sang (đến từ Nam Định) bộc bạch: “Chúng tôi là những người may mắn còn sống, được hưởng hòa bình, độc lập tự do. Chúng tôi có quyền tự hào đã đóng góp một phần công sức, xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và không bao giờ quên những đồng đội đã ngã xuống để mọi người có cuộc sống như ngày hôm nay”.
CCB Nguyễn Thế Truyền (đến từ TP Hồ Chí Minh) người cuối cùng bày tỏ tình cảm của mình trong ngày gặp mặt bằng những vần thơ: “Ờ! Đã năm mươi năm rồi cuộc chia ly/ Miền đất 2.000 ngày nước mắt tràn mi/ Hôm nay trở lại mảnh đất đã khắc ghi/Từ sỏi đá, nhành cây trộn máu xương đồng đội/ Đây rồi! Đến đây rồi! Phú Yên ơi! Nhớ quá!/ Tình đất tình người vẫn thổn thức cuộc chia ly/… Năm mươi năm rồi hôm nay về hội tụ/ Người nằm đấy, nhân chứng sống về đây/ Ta tri kỷ nỗi đau người đi, người nằm lại/ Dâng nén hương lòng mà lệ trào khóe mắt/ Tình hiện về đói khát vượt Trường Sơn/ Vẫn bên nhau như sức mạnh trùng dương/ Một lời hứa, một lời thề hy sinh cho Tổ quốc…”. Giọng người CCB không sợ đạn bom, không sợ bất cứ kẻ thù nào bỗng chùng xuống khi đọc những dòng cuối cùng của bài thơ: “Phú Yên ơi! Còn bút nào ghép nên hết niềm ký ức/ Hơn một ngàn bảy trăm chiến sĩ Ngô Quyền nằm lại nơi đây/ Thắp lửa hào hùng trên miền đất trung kiên/ Từng mảnh đất linh thiêng đang rộ hoa kết trái/ Cho hôm nay Tuy Hòa - Phú Yên xanh mãi/ Đẹp sắc, đẹp màu để chỗ anh nằm ấm mãi/ Lại lỗi hẹn một lần nguyện ước về quê…!”.
LẠC VIỆT