Thứ Năm, 23/01/2025 03:02 SA
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 27/06/2014 10:13 SA

Trên thực tế, khi trở lại Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong vùng chiếm đóng của mình, nhà cầm quyền Pháp đã phái chiến hạm ra quần đảo Hoàng Sa, xây dựng lại trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa và chống lại các hành động lấn chiếm của Trung Quốc. Năm 1953, tàu Ingenieur en elef Girod của Pháp khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương, địa chất, địa lý, môi sinh.

 

Chính phủ Sài Gòn, sau đó là cả Chính phủ Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (1).

 

Dưới đây là một số minh chứng cụ thể:

 

Tháng 4/1956, khi Pháp rút quân khỏi Đông Dương kể cả ở Hoàng Sa và Trường Sa, chính quyền Sài Gòn tiếp quản các quần đảo Trường Sa và nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa (nhóm đảo Lưỡi Liềm - Nguyệt Thiềm). Còn nhóm đảo phía đông Hoàng Sa (nhóm An Vĩnh), do phía Việt Nam chưa kịp ra tiếp quản, đã bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng.

 

Ngày 8/6/1956, Bộ trưởng Ngoại giao Sài Gòn ra tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Năm 1956, Sở Hầm mỏ, kỹ nghệ và tiểu công nghiệp Miền Nam tổ chức một cuộc khảo sát với sự giúp đỡ của hải quân Chính quyền Sài Gòn trên 4 đảo: Hoàng Sa (Pattle), Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật (Robert), Duy Mộng (Drumond).

 

Ngày 22/10/1956, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.

 

Ngày 13/7/1961, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang và đặt dưới quyền một phái viên hành chính.

 

Từ 1961 đến 1963, chính quyền Sài Gòn lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây, Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta.

 

Ngày 21/10/1969, chính quyền Sài Gòn sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long cũng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

 

Tháng 7/1973, Viện Khảo cứu nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển nông nghiệp và điền địa Sài Gòn tiến hành khảo sát Nam Ai (Nam Yit) thuộc quần đảo Trường Sa.

 

Tháng 8/1973, với sự hợp tác của công ty Nhật Maruben Corparation, Bộ Kế hoạch và phát triển quốc gia Sài Gòn tiến hành khảo sát phốt phát ở quần đảo Hoàng Sa.

 

 Ngày 6/9/1973, Chính quyền Sài Gòn sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai, Sinh Tồn và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

 

Có ý thức về chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, các chính quyền miền Nam Việt Nam đều bảo vệ chủ quyền đó mỗi khi có nước ngoài biểu thị ý đồ tranh giành hay xâm chiếm đảo nào đó trong hai quần đảo.

 

Ngày 16/6/1956, khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và Cộng hòa Philippines đều nhận quần đảo Trường Sa là của họ, Bộ trưởng Ngoại giao chính quyền Sài Gòn tuyên bố một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó.

 

Ngày 22/2/1959, Chính quyền Sài Gòn bắt giữ một thời gian 82 người dân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hòa trong quần đảo Hoàng Sa.

 

Ngày 20/4/1971, Chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, đáp lại đòi hỏi về chủ quyền của Malaysia đối với một số đảo trong quần đảo đó.

 

Nhận lời tuyên bố của Tổng thống Philippines về quần đảo Trường Sa, trong cuộc họp báo ngày 10/7/1971, Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn ngày 13/7/1971 khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó.

 

Tháng 1/1971, khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dùng lực lượng quân sự xâm chiếm nhóm đảo phía tây nam của quần đảo Hoàng Sa, ngày 19/1/1974 chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố lên án Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tiếp đó, ngày 14/2/1974, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, ngày 26/1/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng đã tuyên bố lập trường ba điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ngày 28/6/1974, đại diện Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố tại khóa họp thứ nhất Hội nghị luật biển lần thứ 3 ở Caracas rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ngày 5 và 6/5/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thông báo việc giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Tháng 9/1975, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị khí tượng ở Colombo tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và yêu cầu Tổ chức khí tượng thế giới tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam (trước đây đã được đăng ký trong hệ thống các trạm của OMM dưới biểu số 48.860) trong danh mục trạm khí tượng của Tổ chức khí tượng thế giới.

Sau khi nước Việt Nam thống nhất, năm 1976, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các công hàm gửi các bên có liên quan, trong cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao ở Bắc Kinh bắt đầu tháng 10/1977, trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, trong các hội nghị của Tổ chức khí tượng thế giới Giơ-ne-vơ (tháng 6/1980), của Đại hội địa chất thế giới ở Paris (tháng 7/1980)...

 

Mặc dù quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép hoàn toàn từ năm 1974, nhưng Việt Nam vẫn không ngừng các hoạt động nhằm xác định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa.

 

Từ năm 1976, Nhà nước Việt Nam thống nhất dưới tên gọi mới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, có trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngày 12/5/1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã khẳng định rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam.

 

Tháng 10/1978, trong chuyến thăm chính thức Malaysia, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo An Bang là thuộc chủ quyền của Việt Nam; nếu có tranh chấp và hiểu lầm nào đó liên quan giữa hai nước sẽ được giải quyết thông qua thương lượng”.

 

Ngày 20/9/1978, trong chuyến viếng thăm chính thức Cộng hòa Philippines, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và thỏa thuận với Tổng thống Ferdinand Macos rằng hai nước sẽ giải quyết mọi bất đồng thông qua thương lượng.

 

Ngày 15/3/1979, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Bị vong lục về vấn đề biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trong đó tố cáo việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974.

 

Ngày 28/9/1979 công bố Sách Trắng (Bạch Thư) giới thiệu nhiều tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngày 28/9/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc Philippines sáp nhập hầu hết quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Philippines.

 

Ngày 29/4/1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm cho Malaisia phản đối về việc xuất bản một bản đồ vẽ ranh giới lãnh hải của Malaysia lấn vào vùng biển phía nam của quần đảo Trường Sa trong đó có đảo An Bang, Thuyền Chài do quân đội nhân dân Việt Nam đang đóng giữ và các đảo Công Đo do Philippines đang chiếm giữ trái phép (khu vực này rộng khoảng 4,4km2). Ngày 8/5/1980, nhân chuyến thăm và hội đàm với Malaysia, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã khẳng định đảo An Bang là của Việt Nam.

 

Tháng 7/1980, quân đội Philippines mở cuộc hành quân Polaris-I chiếm đóng thêm một đảo ở phía nam là đảo Công Đo (Commodore Reef) mà họ gọi là đảo Rizal nằm cách hòn đảo gần nhất mà họ chiếm đóng trái phép trước đây 150 hải lý. Ngày 26/7 và 11/8/1980, Chính phủ Việt Nam gửi Công hàm phản đối hành động nói trên của Philippines.

 

Ngày 29/6/1981, Ủy ban nhân dân đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo đã ra Quyết định số 359-QĐ/UB-ĐK xử lý vụ 15 thủy thủ quốc tịch Đài Loan xâm phạm trái phép vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Tháng 12/1981, Bộ ngoại giao Việt Nam tiếp tục công bố Sách Trắng Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam. Các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: lịch sử, pháp lý và thực tiễn quốc tế.

 

Ngày 21/2/1982, người phát ngôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố phản đối chính quyền Đài Loan tự ý đặt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới quyền tài phán của mình.

 

Ngày 9/12/1982, xuất phát từ nhu cầu quản lý hành chính cũng như để xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa, bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai (2) (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa). Cùng thời điểm trên, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện đảo Hoàng Sa, bao gồm các đảo của quần đảo Hoàng Sa, trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (3).

 

(Còn nữa)

------------------------

(1) Xem thêm: Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sách trắng, Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa Bộ phận lãnh thổ của Việt Nam các năm 1979, 1981

 

(2) Đến ngày 28/12/1982, huyện Trường Sa được chuyển sang tỉnh Phú Khánh. Sau khi chia tách tỉnh Phú Khánh (30/6/1989), huyện Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam được ban hành vào tháng 4/2007, huyện Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) có 3 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn. Thị trấn Trường Sa được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Xã Song Tử Tây được thành lập trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, đá, bãi phụ cận. Xã Sinh Tồn được thành lập trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận.

 

(3) Ngày 6/11/1996, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (khóa 10) ra Nghị quyết tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Do đó, huyện đảo Hoàng Sa nay thuộc thành phố Đà Nẵng.

 

PGS, TS NGUYỄN BÁ DIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek