Bên cạnh việc chăm lo đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, những thầy thuốc trong lực lượng Bộ đội Biên phòng còn chăm lo tốt sức khỏe của người dân nơi địa bàn đóng quân. Chính vì vậy từ lâu, người dân miền biển của Phú Yên đã quen thuộc với hình ảnh người chiến sĩ quân y biên phòng mà bà con yêu mến gọi với cái tên thân thương: "Thầy thuốc quân hàm xanh".
Ngoài khám chữa bệnh tại đồn, những thầy thuốc quân hàm xanh còn xây dựng, trang bị phương tiện y tế, mở phòng khám quân - dân y kết hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Không những thế, năm nào cũng vậy, quân y biên phòng Phú Yên cũng tổ chức từ 2 đến 3 đợt định kỳ về các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào. Khi thì lên với bà con dân tộc thiểu số ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, lúc lại về với bà con nghèo ven biển ở Tuy An, Sông Cầu… Bà con được mời đến khám bệnh cấp thuốc là người già hoặc có hoàn cảnh rất khó khăn, hầu hết là những người có bệnh nhưng phần lo sợ, phần không có tiền, nên họ chấp nhận “sống chung với bệnh” không dám đi khám.
Với chủ trương “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con), ngoài khám bệnh, cấp phát thuốc cho những người nghèo, các thầy thuốc quân hàm xanh còn lồng ghép hoạt động truyền thông về phòng lây nhiễm HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa và gia đình, bình đẳng giới... Những việc làm đó đã tác động đến ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là địa bàn hẻo lánh vốn hạn chế về thông tin, trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế.
Có thể khẳng định, hỗ trợ địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên các địa bàn ven biển, miền núi là công việc thường xuyên của những thầy thuốc quân hàm xanh trên tuyến biên phòng. Trước kia khi một số xã, thôn còn cảnh đò ngang cách trở, mỗi khi đau ốm không thể đến bệnh viện, bà con chỉ có cách đến đồn biên phòng và được các thầy thuốc quân hàm xanh giúp đỡ ngay. Bây giờ, tuy việc đi lại đã thuận lợi hơn nhiều, nhưng “nước xa không cứu được lửa gần”, mỗi khi trái gió trở trời, ốm đau bất ngờ, nơi mà người dân làng biển xem là cứu cánh vẫn là quân y các đồn biên phòng. Tự bao giờ, đồn biên phòng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con làng biển.
Những thầy thuốc quân hàm xanh mà khi nhắc đến tên các anh người dân làng biển vô cùng yêu mến, biết ơn, như: Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Lê Vinh, Văn Minh Cảnh, Nguyễn Văn Lanh, Đào Bỉnh Khiêm, Võ Quang Trung… Nhờ nắm chắc địa bàn, luôn là “lương y như từ mẫu” nên bà con rất yêu mến các anh. Cứ có ốm đau, bệnh tật... người dân đều đến đồn biên phòng nhờ các anh chữa trị, tư vấn sức khỏe.
Từ năm 1990 đến nay, đã có hàng chục ngàn lượt người dân được quân y biên phòng khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tư vấn về chăm sóc sức khỏe, HIV/AIDS… Nhưng với những thầy thuốc quân hàm xanh con số đó vẫn còn ít ỏi. Trước thực trạng nhiều nơi điều kiện đi lại, kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân chưa được chăm sóc tốt về sức khỏe… là điều luôn ray rứt và đang thôi thúc những thầy thuốc quân hàm xanh không ngừng nỗ lực trên hành trình chia sẻ bớt gian nan cho người bệnh nghèo trên các địa bàn khó khăn của tỉnh.
LẠC VIỆT