* Trung Quốc - EU thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện
Ngày 23/11, theo Tân Hoa xã, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và các quy định áp dụng tại khu vực này.
Máy bay Trung Quốc bay qua bầu trời vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông - Ảnh: AFP/ TTXVN
Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ các quy định, theo đó tất cả các máy bay qua lại vùng phòng không nói trên phải thông báo trước kế hoạch bay; hồi đáp "lập tức và với thái độ chừng mực" qua sóng radio khi nhận được các yêu cầu nhận dạng từ nhà chức trách Trung Quốc; giữ liên lạc trong suốt quá trình bay; và máy bay phải gắn logo và cờ hiệu rõ ràng.
Các quy định trên có hiệu lực kể từ 10 giờ sáng 23/11. Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp quân sự khẩn cấp nếu các máy bay bay qua khu vực nói trên không thông báo nhận dạng hoặc tuân thủ yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc. Vùng phòng không nói trên bao gồm cả quần đảo mà Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận chủ quyền. Bắc Kinh gọi quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông này là Điếu Ngư (Diaoyu) trong khi Tokyo gọi là Senkaku.
Căng thẳng gia tăng giữa 2 bên sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo chính trong quần đảo này từ một chủ sở hữu tư nhân của Nhật Bản hồi tháng 9/2012. Theo hãng thông tấn Kyodo, Nhật Bản gần đây tuyên bố sẽ lập một trang web để quảng bá về chủ quyền của nước này đối với quần đảo trên.
Trong diễn biến khác, Tân Hoa xã ngày 22/11 dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 16 đã đạt kết quả tốt đẹp, mang lại nhiều triển vọng tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa 2 bên. Theo ông Lý Khắc Cường, ông đã đạt được đồng thuận quan trọng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, và hội nghị thượng đỉnh đã thể hiện quan hệ hợp tác 2 bên cùng thắng ngày càng chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và EU.
Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc cùng 2 nhà lãnh đạo EU nói trên đã đồng chủ trì hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU tại đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh ngày 21/11, trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU. Tại hội nghị, 2 bên đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện trong tương lai. Hai bên đã công bố “Quy hoạch chiến lược đến năm 2020 về hợp tác Trung Quốc - EU”, khởi động đàm phán về hiệp định tự do thương mại và đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2020. Hai bên cam kết mở cửa thị trường, tăng cường hợp tác tài chính, giải quyết thỏa đáng các bất đồng thông qua đối thoại bình đẳng và thương lượng hữu nghị.
Hội nghị nhấn mạnh Trung Quốc và EU sẽ triển khai hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ, thúc đẩy các ngành mới nổi như năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ thông tin thế hệ mới, sinh học, hàng không vũ trụ… coi đây là điểm nổi bật trong hợp tác Trung Quốc-EU thời gian tới. Ngoài ra, 2 bên cũng cam kết kết nối giao thông và hợp tác xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo hành lang thông suốt giữa 2 châu lục Á - Âu, xây dựng mạng lưới hậu cần Trung Quốc - EU; tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chống chạy đua vũ trang và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
L.HỘI (tổng hợp từ TTXVN)