Đảng ủy BĐBP vừa sơ kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, chính ủy/chính trị viên và người chỉ huy là trung tâm đoàn kết, tạo tính thống nhất trong đơn vị nếu giải quyết tốt mối quan hệ này.
Đảng ủy BĐBP Phú Yên sơ kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị
Mối quan hệ giữa chính ủy/ chính trị viên với người chỉ huy là mối quan hệ phối hợp công tác, đồng cấp, bình đẳng, cùng chịu trách nhiệm cao nhất trước mọi hoạt động trong đơn vị. Đây là mối quan hệ tất yếu, nhưng cũng là vấn đề nhạy cảm, dễ nảy sinh mâu thuẫn nên cần giải quyết tốt. Theo trung tá Nguyễn Thái Bình, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Đài, để giải quyết mối quan hệ này, yêu cầu hàng đầu là người chỉ huy và chính trị viên phải có năng lực và tư cách tốt. Trong đó, người chỉ huy tạo điều kiện cho chính trị viên chủ trì làm tốt công tác Đảng, công tác chính trị; chính trị viên phát huy tốt vai trò của mình, tạo nền vững chắc cho người chỉ huy làm tốt nhiệm vụ chỉ huy, tổ chức thực hiện. Và trong tất cả các mối quan hệ, cả quan hệ với người chỉ huy, chính trị viên phải “làm kiểu mẫu”, bởi chính trị viên là người trực tiếp giữ “linh hồn”, giữ “mạch sống” trong tất cả các hoạt động của đơn vị. Do đó, phát huy và đề cao vai trò của chính trị viên trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện là phải mẫu mực trong mọi công việc.
“Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính trị viên, chỉ huy Đồn Biên phòng Xuân Đài đã đổi mới phương pháp chỉ đạo, hướng dẫn về chấp hành điều lệnh, xây dựng chính quy phù hợp với tình hình nhiệm vụ và điều kiện thực tế của đơn vị”, trung tá Nguyễn Thái Bình cho biết. Cấp ủy, chi bộ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo duy trì thực hiện nghiêm túc các chế độ điều lệnh, nề nếp chính quy, nhất là các chế độ trong ngày, trong tuần, quản lý rèn luyện kỷ luật bộ đội. Đồng thời làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện của cán bộ chiến sĩ trong việc chấp hành điều lệnh, xây dựng chính quy; kịp thời khắc phục những yếu kém, tồn tại, xử lý kiên quyết và nghiêm minh các vi phạm, chống mọi biểu hiện hình thức, qua loa, đại khái trong tổ chức huấn luyện và công tác kiểm tra; kịp thời động viên khen thưởng những bộ phận, cá nhân có thành tích xuất sắc.
“Người chỉ huy, chính ủy/chính trị viên được Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho những quyền hạn trong phạm vi chức trách và chịu trách nhiệm trước pháp luật, với cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động của đơn vị theo phạm vi, chức trách, nhiệm vụ được giao”, thượng tá Phan Thành Dinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, chia sẻ. Xác định rõ mối quan hệ giữa chính trị viên với đồn trưởng là quan hệ phối hợp công tác, trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, tin cậy, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; từ sau khi có Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cũng như mọi chủ trương, biện pháp lãnh đạo đơn vị đều được đưa ra bàn bạc; các hoạt động của đơn vị đều được thực hiện và bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Chính trị viên và đồn trưởng kịp thời thông báo và trao đổi với nhau các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, thống nhất đánh giá tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo trình cấp ủy, chi bộ quyết định; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các mặt công tác của đơn vị, cùng chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy chi bộ về toàn bộ hoạt động của đơn vị; kịp thời rút ra những ưu, khuyết điểm trong kế hoạch công tác cũng như hoạt động của đơn vị. Qua đó đề xuất với cấp ủy, ban chỉ huy kịp thời bổ sung vào kế hoạch, quy chế và đề ra nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện.
Theo thượng tá Phan Thành Dinh, để giải quyết tốt mối quan hệ trong cấp ủy, đơn vị, nhất là giữa chính trị viên với người chỉ huy theo Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, chính trị viên và người chỉ huy phải phát huy vai trò trung tâm đoàn kết và tạo tính thống nhất trong đơn vị. Chính trị viên phải hết sức dân chủ tập thể, không độc đoán, quan liêu, gia trưởng đối với cán bộ, chiến sĩ; phải gần gũi, thực sự là người bạn, người anh của bộ đội, từ đó mới hiểu và nắm được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của cán bộ chiến sĩ để thực hiện nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, phải giữ vững đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ và sức mạnh của tập thể cấp ủy, chi bộ và tổ chức quần chúng để xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, duy trì nề nếp, chế độ và chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng.
“Qua 8 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị và hiệu lực quản lý, chỉ đạo của người chỉ huy, chính ủy/chính trị viên trong BĐBP tỉnh được nâng lên rõ rệt. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp không ngừng được củng cố. Đội ngũ cán bộ được quy hoạch đảm bảo đủ về số lượng, chú trọng về chất lượng và năng lực hoạt động thực tiễn. Mối quan hệ phối hợp công tác giữa chính ủy/chính trị viên với người chỉ huy các cấp được giải quyết hài hòa, gắn kết chặt chẽ, phát huy tốt vai trò, chức trách nhiệm vụ được giao. Đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được cải thiện; mối đoàn kết trong đơn vị, đoàn kết quân dân không ngừng được củng cố… góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ BĐBP trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao” - đại tá Nguyễn Văn Thắm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Phú Yên cho biết.
LẠC HỒNG