Tháng 6/1994, từ Đồng Xuân, anh A chuyển toàn bộ gia đình vào TX Tuy Hòa để thuận tiện theo yêu cầu công tác.
Trong khi chờ Nhà nước cấp đất để làm nhà, cả nhân khẩu 4 người tạm trú tại một căn phòng khoảng 12m2 trên đường Lê Thánh Tôn. Phòng thì chỉ đủ đặt hai cái giường nhỏ, cái bàn cho hai con học bài, vợ chồng muốn soạn bài hay viết lách gì thì… đến trường hay xuống cơ quan mà làm hoặc chờ bọn trẻ đi ngủ. Trong không gian chật hẹp như vậy, khổ một cái anh A lại là một người nghiện thuốc lá! Hút từ thời là học sinh THCS, vào đại học rồi sau này trở thành giáo viên THPT nay chuyển sang viết báo, anh A lúc nào miệng cũng phì phèo điếu thuốc. Thời bao cấp, anh gắn bó với thuốc rê, thuốc lá sợi vàng Lạng Sơn, đã thử “bắn” thuốc Lào nhưng thấy không hợp, rồi Phú Khánh, Đà Lạt, Vàm Cỏ, Điện Biên…, sau này khá hơn thì có Vinataba, Jet…, có ngày “xơi” đến 40 điếu! Nơi ở và sinh hoạt của gia đình bé như lỗ mũi, mỗi lần anh ngồi nhả khói mơ màng để viết bài, đọc sách là chị lại nhỏ nhẻ: “Anh hút cho sướng cái miệng nhưng cũng phải nghĩ đến sức khỏe của em và hai đứa nhỏ nữa chứ? Cố gắng bỏ thuốc lá đi anh”. Hai đứa con cũng đồng thuận với mẹ: Ba ra ngoài đường hay kiếm chỗ nào mà hút đi chớ hút trong này bọn con ngợp lắm. Nói xong, con gái út giả bộ ho sù sụ…Anh thấy bất tiện quá, đành bước ra ngoài, đứng dựa trụ điện mà bập phà. Ông hàng xóm nhà sát bên nháy mắt: Lại bị “đuổi” vì hút thuốc hả? Tôi mà như ông thì bỏ quách cho khỏe thân trai!
Sau mấy đêm suy nghĩ, anh quyết định xa rời “người bạn thân yêu”, bỏ dứt dạt “phát một” chớ không theo giảm từ từ theo kiểu “hạ đô” hút ít dần lại như bao người khác. Mấy ngày đầu, nước miếng cứ nhàn nhạt trong miệng, tâm thần rất khó chịu nhưng anh cố dặn lòng: Thôi mà, thôi mà, cố lên, cố lên… Đến cơ quan, ngửi mùi thuốc lá đồng nghiệp đang phì phèo, nhiều lúc anh muốn mở miệng xin một điếu nhưng lại dằn lòng bỏ đi nơi khác. Những chiều ngồi bù khú bia bọt với bạn bè, anh luôn tìm hướng tránh khói thuốc bay đến để “cầm cự”, kiên quyết không “nhẹ dạ” khi có ai đó mời cùng châm lửa. Cứ thế, trong vòng chưa đầy nửa tháng, anh bỏ được thuốc lá. Từ đó, anh thấy mình ăn được, ngủ được nhiều hơn, sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Mừng nhất là vợ và hai con vì thấy anh đã đoạn tuyệt được với khói thuốc độc hại. Sau này, trong những lần ngồi uống cà phê, uống rượu với mọi người, anh thò tay rút một điếu thuốc hút thử nhưng cái cảm giác “quyến rũ quen thuộc” ngày nào đã trốn đâu mất tiêu rồi. Con trai anh theo gương bố, vào đại học rồi đi làm, lấy vợ sinh con đến nay vẫn chưa bao giờ gắn môi vào điếu thuốc lá lần nào.
Đến tháng 6 này, anh A bỏ thuốc lá vừa đúng 19 năm. Anh nghiệm ra rằng, nếu biết nghĩ đến những người thân yêu, nghĩ đến cộng đồng và sức khỏe của bản thân, có quyết tâm thì con người sẽ từ bỏ được các thói quen xấu, trong đó, hút thuốc lá là một ví dụ.
Từ ngày 1/5/2013, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực thi hành trên phạm vi cả nước. Ngày 10/5 vừa rồi, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND về việc tuyên truyền, phổ biến, thực thi luật này và hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Không thuốc lá năm 2013. Theo đó, các sở, ban ngành, Mặt trận, các hội đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật PCTHTL Theo đó, các sở, ban ngành, Mặt trận, các hội đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp để thực hiện không hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị và các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn theo quy định của Luật PCTHTL; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị…Vì thế, bên cạnh các biện pháp vận động, chế tài của cơ quan, tập thể, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… hãy “nghĩ đến những người thân yêu, nghĩ đến cộng đồng” và bản thân mình như anh A mà quyết tâm và chữa trị thành công “bệnh” hút thuốc lá của mình, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, lịch sự.
SÔNG BA HẠ