Thứ Bảy, 04/01/2025 08:52 SA
Sông Hinh: Khi Nghị quyết 26-NQ/TW đi vào cuộc sống
Thứ Ba, 28/05/2013 08:30 SA

Với sự nỗ lực chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Sông Hinh, Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết về tam nông) đã đi vào cuộc sống, đem lại sự phấn khởi, tin yêu của nhân dân với Đảng và chính quyền…

 

Trau130528.jpg

Kinh tế phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số buôn Ken, xã Ea Bá (Sông Hinh) tổ chức lễ đâm trâu mừng sự đổi thay của buôn làng - Ảnh: V.THÙY

Mùa hè năm nay, A Ma Nghĩa cũng như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số xã vùng cao Ea Bá (Sông Hinh) bớt đi nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vốn đã kéo dài nhiều năm qua. Vòi nước trong mát dẫn về tận nhà từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung mới khánh thành đã xua đi nỗi mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả của nhiều người. Là đảng viên, Ma Nghĩa càng vui hơn khi Nghị quyết về tam nông ngày càng đi vào cuộc sống. A Ma Nghĩa bày tỏ: “Có Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo, đời sống của người dân ngày càng ổn định, yên tâm phát triển sản xuất. Nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như sắn, mía, bắp lai đã được bà con trồng có hiệu quả, tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hộ khá giàu tăng cao; tinh thần đoàn kết xóm làng được tăng cường, niềm tin yêu của nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố”.

 

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết về tam nông, bộ mặt nông thôn miền núi Sông Hinh đã có nhiều đổi thay sâu sắc. Ông Đặng Đình Toại, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, ngay sau khi có nghị quyết này, Huyện ủy Sông Hinh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, nhận thức sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn huyện. Từ đó các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực; nông nghiệp được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng cao có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh; các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn dần hình thành như chuyên canh cây hồ tiêu, cà phê, cao su, sắn, mía… Nhờ vậy giá trị sản xuất nông nghiệp từ 205 tỉ đồng (năm 2008) tăng lên 350 tỉ đồng (năm 2012); cơ chế phối hợp ba nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước đã mang lại hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trong đó vai trò quản lý của Nhà nước ngày càng thể hiện rõ nét. Nhiều công trình thủy lợi tiếp tục được xây dựng, nâng tổng số các công trình thủy lợi ở địa phương lên 26, tổng năng lực tưới tiêu gần 1.378ha; đường giao thông thông suốt đến trung tâm xã. 100% nông thôn đã có điện lưới quốc gia và được phủ sóng điện thoại, sóng phát thanh, truyền hình. Trong 5 năm qua, đã có gần 7.000 lượt nông dân được đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vùng nông thôn, miền núi ngày càng thể hiện toàn diện tại địa bàn.

 

Phấn khởi hơn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, Nghị quyết về tam nông đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và thể hiện bằng những việc làm cụ thể như tích cực tìm tòi chuyển đổi cơ cấu, tìm cây trồng vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hoặc góp công, góp của chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu trong vấn đề này là xã Sơn Giang. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang Lê Ngọc Loan cho biết, thực hiện Nghị quyết về tam nông, Đảng ủy xã đã tiếp thu ý kiến của toàn thể đảng viên và đông đảo nhân dân để xây dựng chương trình hành động phù hợp với địa phương, đặc biệt là gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy mà từng cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có những việc làm cụ thể như mở rộng diện tích lúa lai, trồng mía có tưới, trồng sắn cao sản… cho năng suất cao hơn nhiều so với sản xuất thường. Hội Người cao tuổi xã phát huy tinh thần tuổi cao gương sáng, chỉnh trang nhà cửa, là đầu tàu gương mẫu cho con cháu noi theo; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tích cực giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường trong sạch… Đáng chú ý, phong trào hiến đất xây dựng công trình công cộng được nhiều người dân hưởng ứng, nhờ vậy mà nhiều công trình phục vụ dân sinh đã sớm hoàn thành như kênh tây sau thủy điện Sông Hinh. Gần đây nhất là gần 40 hộ dân đã tự nguyện hiến đất, không nhận tiền đền bù để làm đường liên xã Sơn Giang - Đức Bình Đông. Ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Hà Giang), người hiến hơn 1.000m2 đất vào con đường liên xã, bày tỏ: “Nghị quyết của Đảng có mục đích chỉ đường để chúng ta xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Vì vậy, chung sức, chung lòng cùng với toàn Đảng thực hiện nghị quyết cũng chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi người dân như tôi”.

 

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Sáu nói: Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về tam nông, bộ mặt vùng nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện bộc lộ những hạn chế, tồn tại như nhận thức của một bộ phận cán bộ, và người dân về nghị quyết chưa đầy đủ; một số cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống. Điều kiện sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân ở một số địa phương trên địa bàn huyện mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế và không đồng đều, ảnh hưởng lớn đến việc đưa nghị quyết đi vào cuộc sống…

 

Để việc thực hiện Nghị quyết về tam nông đạt kết quả tốt hơn, Huyện ủy Sông Hinh yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Đồng thời, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất, đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Đặc biệt phải chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

 

VĂN THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek