Mấy tháng qua, ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, trên các phương tiện thông tin đại chúng… đã sôi nổi diễn ra việc góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với nhiều hình thức khác nhau và việc góp ý sẽ diễn ra đến hết ngày 30/9/2013.
Nét chung nhất dễ thấy là đa phần các ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đều thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, xây dựng với mong muốn cùng chung tay góp sức để nước ta có một đạo luật cơ bản nhất, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân” trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiêp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, trong các ý kiến đóng góp, vẫn còn xuất hiện đây đó luận điểm đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đòi đa nguyên đa đảng. Theo lập luận của loại ý kiến này, việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, thực hiện đa nguyên đa đảng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của đất nước vì “có sự cạnh tranh lành mạnh”! Luận điệu này ngay lập tức được một số người trong nước nhận thức mơ hồ về chính trị “hùa” theo, tán dương ủng hộ. Nhưng nguy hiểm nhất là lợi dụng vấn đề trên, các thế lực thù địch đã nhanh chóng tận dụng nhiều hình thức, biện pháp xoáy sâu, khai thác, phân tích với các lập luận “logic”, “khoa học”, cứ liên tục ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng, các blog, mạng xã hội vì mục tiêu quan trọng nhất là gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Có thể khẳng định rằng đây là quan điểm nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” mà lâu nay các thế lực thù địch thường xuyên thực hiện với mong muốn xóa bỏ Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy đất nước và cuộc sống hòa bình, tự do, độc lập của nhân dân ta đi vào bế tắc!
Theo thạc sĩ, trung tá Phạm Xuân Trường (Tổng cục Chính trị), nếu Việt Nam thực hiện đa đảng thì “Đất nước sẽ hỗn loạn, mất ổn định, làm đổ vỡ nền kinh tế, rơi vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước. Thảm họa đó chắc chắn sẽ giáng cả lên đầu nhân dân. Nhân dân sẽ bị lợi dụng cho sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Rút cục, Việt Nam không còn là đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo xã hội; mọi thành quả cách mạng của nhân dân ta đã phải vượt qua con đường dài đầy khó khăn, gian khổ, đầy thử thách, hy sinh và biết bao nhiêu máu của đồng bào, đồng chí đã đổ xuống bị tiêu tan”.
Vì thế, cần khẳng định tính đúng đắn của Điều 4 Hiến pháp và có bổ sung như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đồng thời, tiếp tục chỉnh đốn, xây dựng để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội như dự thảo đã nêu.
LÊ VĂN LÂM
(phường 9, TP Tuy Hòa)