Ngày 14/11/1945, Bác Hồ có bài báo “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên Báo Cứu Quốc, khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài”. Trong bối cảnh vô vàn khó khăn của đất nước vừa giành được độc lập, lời kêu gọi nhân tài tham gia kiến quốc của Bác có ý nghĩa rất sâu sắc. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết:
Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Ảnh: H.CHƯƠNG
Nhân tài chính là kết tinh tinh hoa, trí tuệ của cả một dân tộc. Xây dựng đất nước là một sự nhảy vọt về chất để làm cho dân tộc độc lập, nhân dân có tự do và hạnh phúc thì điều quan trọng nhất là phải có nhiều người tài xây dựng chế độ mới, đặc biệt là các nhân tài trẻ tuổi mà Người rất kỳ vọng. Tầm nhìn chiến lược ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy rõ một điều là đánh thắng đế quốc, thực dân xâm lược đã khó nhưng xây dựng đất nước vượt qua nghèo nàn lạc hậu còn khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, điều căn bản và sâu xa nhất là phải huy động cho được lực lượng của toàn dân, nhất là tinh hoa trí tuệ của dân tộc vào việc xây dựng đất nước. Do đó, một trong những trọng tâm chú ý của Người khi bắt đầu xây dựng chính thể là xây dựng con người, xây dựng giáo dục, xây dựng nền văn hóa dân tộc mà trong đó, cốt lõi là phải trọng dụng nhân tài.
* Cũng ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Bác Hồ đã phát động phong trào diệt giặc dốt, có thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường và sau này Bác có lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”… Có thể nói, chăm lo sự nghiệp giáo dục, vun đắp và trọng dụng nhân tài là một trong những đặc sắc của tư tưởng thiên tài Hồ Chí Minh?
- Quả đúng là như vậy! Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng, một nhà Mác-xít sáng tạo bậc nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn là một nhà giáo, một nhà giáo dục. Tuy giảng dạy không nhiều trong thời gian trước khi tìm đường cứu nước nhưng Người đã để lại những tư tưởng rất đặc sắc về giáo dục. Chính tư tưởng đó thể hiện cái cốt lõi nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: chú trọng những giá trị con người và Người nghĩ ngay đến việc dân tộc Việt Nam muốn có độc lập tự do và làm chủ thì phải là một dân tộc có học vấn cao, có học thức, có văn hóa. Vì vậy, một trong những sắc lệnh đầu tiên mà Người ký với tư cách là Chủ tịch Chính phủ là sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để diệt giặc dốt. Và ngay trong diễn văn đầu tiên của phiên họp Chính phủ lâm thời, Người đặt vấn đề chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm để xây dựng chính thể. Người gửi thư cho các học sinh, thanh thiếu niên Việt Nam nhân ngày lễ khai giảng đầu tiên trong chế độ mới, nêu rõ: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Niềm tin ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức đặc sắc và đây cũng là tầm nhìn chiến lược về triển vọng và tương lai của dân tộc.
Sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung sử dụng công nghệ thông tin trong học tập - Ảnh: T.H
* Hiện chúng ta đang xây dựng nền kinh tế tri thức. Đồng thời, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cũng đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, nước ta cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thưa giáo sư, tư tưởng trọng nhân tài của Bác Hồ có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện các mục tiêu trên?
- Đại hội lần thứ XI của Đảng đã tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 25 năm đổi mới vạch ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới (tức là tới năm 2020). Mục tiêu của chúng ta là phải tạo nền tảng để xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việc vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục, đào tạo nhân tài vào lúc này là cực kỳ quan trọng. Bởi vì chúng ta đang hướng tới phát triển bền vững, không chỉ phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường mà còn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Muốn vậy thì càng phải có những con người có học vấn, học thức cao, càng chú trọng vào việc xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đem hết tài năng sáng tạo để phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Ta càng thấy tầm nhìn chiến lược ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lúc này là rất quan trọng. Đảng ta đang chú trọng thực hiện tư tưởng ấy trong chiến lược đào tạo nhân tài, chiến lược phát triển giáo
dục, phát triển khoa học - công nghệ để đưa Việt Nam tiến kịp với trình độ phát triển với khu vực và thế giới.
* Là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, theo giáo sư, cần làm thế nào để thực hiện thật tốt tư tưởng trọng nhân tài của Bác Hồ trong giai đoạn cách mạng hiện nay?
- Sử dụng trí thức là vấn đề lo toan thường trực của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải kế thừa được tinh hoa của truyền thống, những bài học kinh nghiệm của ông cha ta ngày xưa trong an dân trị quốc. Để quốc thái dân an thì một trong những điểm mấu chốt là phải biết dùng người hiền tài, trọng đãi hiền tài. Ông cha ta đã tổng kết “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nguyên khí vững thì thế nước mạnh, nguyên khí yếu thì thế nước suy. Cho nên, vấn đề sử dụng nhân tài, hiền tài vẫn là một trong những vấn đề thuộc về chiến lược phát triển của một quốc gia, của một dân tộc. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng xã hội thể hiện được bản chất ưu việt: tất cả vì quyền sống và hạnh phúc của nhân dân. Phải làm thế nào để cho tư tưởng cao quý ấy thành hiện thực. Trong sử dụng trí thức, có một vấn đề mà ta cần lưu ý. Đó là muốn sử dụng được trí thức, nhân tài thì phải xuất phát từ sự tin cậy, tôn trọng họ. Sâu xa hơn là vấn đề quan hệ dân chủ giữa lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước với trí thức. Ở đây, ta lại càng thấy một gợi ý cực kỳ quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác nói một nước dân chủ thì “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Vì thế, tôn trọng trí thức, trọng dụng nhân tài là không áp đặt, là tạo mọi điều kiện để trí thức, người tài phát triển, đặt họ trong một môi trường dân chủ, tự do sáng tạo để họ phát huy hết tài năng. Theo tôi, đấy là điều quan tâm mang tính chiến lược của Bác. Tôi cho rằng, cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền, quản lý các cấp nếu thực hiện thật tốt điều quan tâm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sẽ thu hút và trọng dụng được trí thức, nhân tài để ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
* Xin cảm ơn giáo sư!
THẠCH BÍCH (thực hiện)